Chuyên gia: Nông dân biểu tình, ô nhiễm không khí và khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở Ấn Độ là di sản của CNXH
Hàng nghìn nông dân [tổ chức] biểu tình phản đối ở New Delhi và phong tỏa các con đường trong thành phố để yêu cầu bãi bỏ một dự luật [cải thiện] chất lượng không khí, trong đó bên cạnh những quy định khác cho phép xử phạt việc đốt rơm rạ, một nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Khu vực Thủ đô Quốc gia của Ấn Độ.
Trong khi đó, theo một nhà phân tích, các cuộc biểu tình về vấn đề ô nhiễm gây ra do việc đốt lượng lớn rơm rạ hàng năm ở tiểu bang Punjab thuộc phía bắc Ấn độ, và về cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đang ảnh hưởng đến rất nhiều mạng sống của người dân kéo theo đó, có nguyên nhân sâu xa từ các chính sách nông nghiệp thời xã hội chủ nghĩa của Ấn Độ mà chính phủ hiện thời đang nỗ lực thay đổi.
Các cuộc biểu tình bắt đầu hôm 26/11 nhằm chống lại đạo luật mà Thủ tướng Narendra Modi đã ban hành hồi cuối tháng 9 để bãi bỏ quy định trong ngành nông nghiệp của Ấn Độ và trao cho nông dân nhiều quyền tự chủ hơn trong việc bán các nông phẩm của họ cho các thương nhân tự do, ngoài những thương nhân đã được chính phủ cấp phép.
Thị trường bao cấp, một đặc trưng của Cách mạng Xanh ở Ấn Độ, được hậu thuẫn bởi các chính sách xã hội chủ nghĩa của quốc gia này vào những năm 1970, đã biến nước này từ một xã hội thiếu hụt lương thực, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế thành một quốc gia dư thừa lúa mì và gạo, phụ thuộc vào các khoản trợ cấp [chính phủ] và các thị trường tập trung, ông Abhijit Iyer-Mitra, viện sĩ cao cấp của Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột ở New Delhi đồng thời là nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Trung tâm Stimson ở Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times.
Theo ông Iyer-Mitra, chính phủ của Thủ tướng Modi hiện đang cố gắng mở cửa thị trường và đề xuất “hai hệ thống song song” cho phép cả thị trường tập trung và thị trường tự do cùng tồn tại. Ông cho rằng những yêu cầu của người biểu tình không tập trung vào giải pháp, vì họ “muốn làm cho việc giải quyết vấn đề trở nên bất khả thi.” Mặt khác, chính phủ lại không thể đưa ra các giải pháp sáng tạo.
Vậy tại sao nông dân lại yêu cầu bãi bỏ một đạo luật về cải thiện chất lượng không khí?
“Vào những năm 70, chủ nghĩa xã hội là kế hoạch hóa tập trung, có nghĩa là, ‘Hãy trồng lúa ở đây, nơi theo truyền thống là trồng lúa mì’ mà không cần suy nghĩ xem tại sao [người ta] chỉ trồng lúa mì mà không trồng lúa [ở nơi đó]. Và cũng giống như tất cả các [nền kinh tế] kế hoạch hóa tập trung khác, điều này đã dẫn đến những sai lầm và thảm họa sinh thái như đốt rơm rạ,” ông Iyer-Mitra cho biết.
“Quý vị có thể tìm thấy đầy đủ ví dụ về điều này ở Liên Xô và Trung Quốc. Điều đã xảy ra là những vấn đề này tiếp tục trở nên ngày càng trầm trọng hơn.”
“Bây giờ những gì quý vị thấy là, mặc dù những vấn đề này đã trở nên trầm trọng hơn, nhưng câu trả lời cho tất cả những điều này chỉ là những sửa chữa nhỏ, dựa trên một cơ sở hoạt động không hiệu quả. Quý vị đã tạo ra một vấn đề vĩ mô bởi vì kế hoạch hóa tập trung. Bây giờ, quý vị lại [tìm cách] sửa chữa nó bằng một kế hoạch vi mô. Về cơ bản, quý vị đang quản lý vi mô những hệ quả để lại.”
Ngoài ra, chủ nghĩa xã hội đã tạo ra một tình trạng lệ thuộc và mọi người không muốn thoát ra khỏi nó, ông nói.
Cách mạng Xanh và ô nhiễm không khí
Trong những năm 1970, các chính sách xã hội chủ nghĩa của Ấn Độ đã dẫn đến các thị trường nông sản tập trung. Do được trợ cấp, các nông dân bắt đầu sản xuất dư thừa gạo và lúa mì trong cuộc Cách mạng Xanh. Nông dân bắt đầu trồng nhiều vụ mùa hàng năm và ngày càng phụ thuộc lớn hơn vào nguồn phân bón được trợ cấp.
Nông dân ở tiểu bang Punjab trồng lúa gạo vụ thu và để lại rơm rạ sau khi gạo được thu hoạch, sau đó trồng tiếp lúa mì vụ đông. Các kế hoạch của chính phủ đã giúp [cho họ] tăng năng suất mùa vụ. Điều đó cũng dẫn đến việc nông dân phải đốt gốc rạ để nhanh chóng chuẩn bị đồng ruộng cho vụ lúa mì tiếp theo, ông Iyer-Mitra giải thích.
Ông nói: “Vì vậy, vào khoảng những năm 80, họ chuyển sang một vụ lúa rất bất thường, rơi vào chính giữa các đợt gió mùa thổi từ phía Nam và từ phía Bắc.”
“Hậu quả là nó đã tạo ra một loại chân không trong không khí, khiến cho không khí ô nhiễm sẽ không thể đi đâu cả, nó sẽ không bị đẩy ra biển do các cơn mưa gió mùa, hoặc các vật chất [ô nhiễm] dạng hạt sẽ không bị trôi xuống theo mưa. Vì vậy, không có mưa, không có gió; nó tạo thành một loại bẫy ô nhiễm.”
Ông giải thích rằng việc đốt các phế phẩm nông nghiệp đã dẫn đến một thảm họa môi trường, vì giai đoạn đốt [các phế phẩm này] rơi đúng vào thời kỳ giao nhau của gió mùa thổi từ ngoài khơi bờ biển phía tây nam và gió mùa mùa đông thổi vào Ấn Độ qua biên giới phía tây bắc.
Nếu điều này không đủ để làm trầm trọng thêm tình hình, nhiệt độ thấp hơn vào mùa đông cũng tạo ra một bầu không khí ổn định hơn, khiến các chất ô nhiễm lơ lửng trong không khí trong thời gian lâu hơn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annales Geophysicae một thập kỷ trước cho biết các nông dân đã công khai đốt rơm rạ còn sót lại [sau mỗi vụ mùa] ở Punjab “vì lương cao” và “lo lắng về việc thu hoạch và bán lúa gạo ra thị trường trong thời gian sớm nhất,” vì họ chỉ có khoảng thời gian 15 ngày trước khi trồng vụ tiếp theo.
Nghiên cứu năm 2010 này cho biết: “Tiểu bang Punjab nằm giữa biên giới của Ấn Độ và Pakistan và thường được gọi là ‘vựa lúa’ của Ấn Độ vì nó sản xuất 2/3 sản lượng lương thực của cả nước. Một đám mây khói khổng lồ bao trùm tiểu bang Punjab, Ấn Độ, trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11, khi nông dân đốt những gốc lúa mới thu hoạch. Quy mô diện tích trồng lúa cũng khiến cho việc đốt gốc rạ trở thành một vấn đề nghiêm trọng do có đến hơn 17 triệu [tấn] gốc rạ bị đốt mỗi năm.”
Một thập kỷ sau đó, việc đốt gốc rạ vẫn tiếp diễn. Ông Iyer-Mitra cho biết đám khói từ việc đốt rơm rạ này trải rộng trên toàn bộ vùng đồng bằng Ấn-Hằng, cũng là khu vực đông dân cư nhất ở Ấn Độ. Ông cho biết ông đã chứng kiến đám khói lan đến tận những vùng xa xôi như thành phố Nagpur, cách thủ đô Delhi 672 dặm (khoảng 1081 km).
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Environmental Advances số tháng 12 cho biết các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm từ việc đốt rơm rạ gây ra bao gồm từ “kích ứng da và mắt đến các bệnh thần kinh, tim mạch và hô hấp nghiêm trọng, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn kinh niên (COPD), viêm phế quản, suy giảm dung tích phổi, khí phế thũng, ung thư, v.v.” Ô nhiễm cũng dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn do phơi nhiễm kéo dài.
Nghiên cứu từ tạp chí trên cảnh báo rằng việc đốt rơm rạ không chỉ khiến chất lượng không khí trở nên tồi tệ hơn mà còn ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất, sự phát triển kinh tế và khí hậu.
“Gần đây, vào năm 2019, báo cáo chất lượng không khí toàn cầu cho thấy 14 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới thuộc về Ấn Độ với nơi ô nhiễm nhất là thành phố Ghaziabad ở Uttar Pradesh (U.P.). Các thành phố Greater Noida và Delhi lần lượt xếp hạng thứ 5 và thứ 9 trong danh sách,” nghiên cứu cho biết.
Cả ba thành phố trên đều nằm trong “vùng chân không” mà ông Iyer-Mitra đã đề cập.
Chất lượng không khí đã khiến nhiều người hơn phải di chuyển chỗ ở, đặc biệt là trong các đợt khói mù dày đặc và gây ảnh hưởng đến ngành du lịch ở thành phố Delhi, vốn đã giảm 25%-30% trong năm 2018 [do ô nhiễm không khí], theo nghiên cứu của Environmental Advances.
“Tác động của việc đốt rơm rạ có thể gia tăng trong những năm tới cùng với sự gia tăng dân số và nhu cầu lương thực,” nghiên cứu nêu rõ. Nghiên cứu cho biết sản lượng lương thực ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 45% vào năm 2050.
Đạo luật quản lý chất lượng không khí
Hôm 24/10, Tổng thống Ấn Độ Ramnath Kovind đã thông báo cho Ủy ban Quản lý Chất lượng Không khí của Khu vực Thủ đô Quốc gia và các khu vực lân cận về một sắc lệnh để quản lý ô nhiễm không khí và chỉ đạo chính quyền các tiểu bang khởi kiện hình sự đối với những kẻ đốt rơm rạ, có thể bao gồm mức phạt 135,445 USD và mức án tù 5 năm [đối với những người vi phạm].
Trong số ba tiểu bang thuộc Khu vực Thủ đô Quốc gia, Uttar Pradesh và Haryana hoan nghênh quyết định thành lập một Ủy ban Quản lý Chất lượng Không khí, trong khi các quan chức tiểu bang Punjab và các cơ quan nông nghiệp gọi biện pháp này là “chống lại nông dân”, nhật báo Ấn Độ Hindustan Times đưa tin.
“Chính phủ trung ương đã không bồi thường cho nông dân để giải quyết gốc rạ theo phán quyết của Tòa án Tối cao. Giờ đây, sắc lệnh mới lại được ban hành để áp bức những người nông dân vốn đã kém may mắn,” ông Balbir Singh Rajewal, chủ tịch một nhánh của Liên minh Bharatiya Kisan (Liên minh Nông dân Ấn Độ) và một cựu thành viên của Rajya Sabha (Thượng viện trong Quốc hội Ấn Độ) cho hay.
“Không có cơ sở hạ tầng nào để chứa được 16 triệu tấn gốc rạ, gần như tương đương với sản lượng lúa của cả một vụ mùa.”
Ông Iyer-Mitra nói rằng Tòa án Tối cao đã “do dự” trong việc giải quyết gốc rạ, và rằng bản thân việc các nông dân nhỏ bị gạt ra ngoài lề xã hội là hệ quả trực tiếp của Cách mạng Xanh.
Các tiểu bang trên khắp Ấn Độ đã thông qua các sắc lệnh khác nhau để hạn chế đốt gốc rạ ở địa phương, và đạt được các kết quả khác biệt.
“Vào ngày 08/10/2016, Tòa án Tối cao Delhi đã ra lệnh cho các tiểu bang Uttar Pradesh, Delhi, Punjab, Haryana và Rajasthan thi hành một chính sách toàn diện để hạn chế vấn đề đốt rơm rạ ngoài trời tại các tỉnh của họ. Theo chỉ thị này, các tiểu bang nói trên đã ngay lập tức ban hành các chính sách nghiêm ngặt, bao gồm cả phạt tiền nếu đốt bất kỳ gốc rạ nào ở địa phương của họ”, theo nghiên cứu của Environmental Advances.
“Năm 2017, chính quyền tiểu bang Punjab đã phát trực tiếp máy gieo hạt cho nhiều nông dân, giúp dễ dàng vùi rơm rạ vào trong đất. Chính phủ cũng đề nghị giảm diện tích canh tác khoảng 70 vạn mẫu vào năm 2020, tức là khoảng 10% tổng diện tích canh tác vào năm 2019.”
Bất chấp những sắc lệnh cấp chính phủ này, đại diện chính quyền tiểu bang Punjab đã gọi sắc lệnh của chính phủ ông Modi là “nực cười”, theo tờ Hindustan Times. Tuy nhiên, chính quyền tiểu bang Punjab năm ngoái vẫn xử phạt 2,923 nông dân trong 20,729 trường hợp đốt rơm rạ tính đến ngày 01/11, theo tạp chí chính trị Ấn Độ The Week.
Ông Iyer-Mitra nói rằng tình trạng mâu thuẫn này là do thiếu sự thực thi các sắc lệnh hiện hành; ông cho rằng điều đó là do thiếu “ý chí chính trị” và một nền văn hóa quản lý vi mô phổ biến ở Ấn Độ.
Ông nói: “Chính sách quản lý vi mô không giống với thực thi pháp luật.”
“Đó là chủ nghĩa xã hội, cộng với [đây lại là] một quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Một quốc gia thuộc thế giới thứ ba về cơ bản là [một tập hợp của] các thể chế yếu kém từ chối thực thi pháp luật, vấn nạn tham nhũng tràn lan, và nguồn nhân lực thấp.”
“Trên hết là, bất cứ điều gì tốt đẹp từng tồn tại đều bị chủ nghĩa xã hội phá hủy. Khi người Anh để lại cho chúng ta tòa án và hệ thống giáo dục, đó không phải là hệ thống [nổi trội] về số lượng. Đó là một hệ thống [nổi trội về] chất lượng và chúng vận hành đặc biệt tốt. Và rồi Tu chính án Thứ nhất ra đời và nó hủy bỏ quyền sở hữu tài sản và tất cả những thứ đó.”
“Thời điểm quý vị hủy bỏ tư hữu, nó diễn ra giống như cách mà Zimbabwe đã làm với tất cả các vụ tịch thu đất đai hoặc tất cả những gì mà Liên Xô đã làm.”
“Đáng buồn thay, mọi thứ đều là sai lầm và các vấn đề sẽ chỉ trở nên trầm trọng [hơn], cho dù chúng ta có muốn hay không.”
Venus Upadhayaya
Nguyệt Minh biên dịch
Xem thêm: