Nghiên cứu: Nhiều người bị chứng rối loạn tâm thần hậu vaccine COVID-19
Chỉ 1/2 số bệnh nhân trong nghiên cứu hồi phục hoàn toàn, 1/2 còn lại có các triệu chứng “còn sót lại.”
Những người này đã được chích vaccine COVID-19 và sau đó đã được phát hiện mắc chứng rối loạn tâm thần, trong đó vaccine của Pfizer và AstraZeneca có liên quan đến hầu hết các trường hợp.
Nghiên cứu được bình duyệt và được công bố trên Frontiers in Psychiatry (Tập san Lĩnh vực Bệnh học tâm thần) vào ngày 12/4, đã xem xét các trường hợp rối loạn tâm thần mới khởi phát ở những người đã chích vaccine. Rối loạn tâm thần đề cập đến các triệu chứng xảy ra khi một người gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng, trong đó ảo giác và ảo tưởng là 2 loại chính. Phân tích gộp đã xem xét 21 nghiên cứu mô tả 20 trường hợp có triệu chứng rối loạn tâm thần sau khi chích ngừa. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, “dữ liệu cho thấy mối liên hệ tiềm ẩn giữa tuổi còn trẻ, mRNA và vaccine vector virus với chứng rối loạn tâm thần mới khởi phát trong vòng 7 ngày sau khi chích ngừa.
Việc thu thập dữ liệu về các tác động tâm thần liên quan đến vaccine là rất quan trọng để phòng ngừa và cần có thuật toán theo dõi và điều trị các phản ứng về sức khỏe tâm thần sau chích ngừa để quản lý toàn diện.”
Trong số 24 trường hợp, có 13 trường hợp là nữ. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 36 tuổi. 22 bệnh nhân (91.2%) không có tiền sử cụ thể về chứng rối loạn dạng cơ thể (một dạng rối loạn tâm thần) và các bệnh đi kèm.
Nghiên cứu cho biết trong 33.3% trường hợp, việc dùng vaccine Pfizer mRNA “có khả năng gây ra các tác dụng phụ về tâm thần.” Vaccine vector virus AstraZeneca có liên quan đến các triệu chứng tâm thần ở 25% trường hợp.
Trong 45.8% các trường hợp, các triệu chứng tâm thần được báo cáo sau mũi chích đầu tiên và 50% sau liều thứ 2.
“Hầu hết tất cả các trường hợp được xem xét (95.8%) đều có các triệu chứng tâm thần, như ảo giác (thị giác, thính giác, khứu giác, và xúc giác) và ảo tưởng (chủ yếu là bị hành hạ và ảo tưởng về sự ám chỉ).”
Dạng ảo giác phổ biến nhất chính là ảo giác thính giác, xảy ra trong 54.2% trường hợp, trong khi ảo giác thị giác xảy ra ở 12.5% bệnh nhân.
“Rối loạn vận động, như tăng hoặc giảm hoạt động vận động và hành vi kỳ quái, được đề cập trong 83.3% trường hợp. Trong 3 (12.5%) trường hợp, có 1 trường hợp có ý định tự tử.”
Các triệu chứng tâm thần chủ yếu kéo dài trong khoảng thời gian 1 và 2 tháng.
Các bệnh nhân này được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau bao gồm thuốc chống loạn thần và steroid, nhưng chỉ có 12 trong số 24 người hồi phục hoàn toàn. Những người còn lại phải chịu “các triệu chứng còn sót lại như giảm biểu hiện cảm xúc, ít ảnh hưởng hoặc các triệu chứng loạn thần còn sót lại.”
Trong 1 trường hợp, bệnh nhân đã báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Nghiên cứu lưu ý: “Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng những người có bệnh đi kèm được ghi nhận và có tiền sử nhiễm COVID-19 cho thấy sự gia tăng đáng kể về mặt thống kê các tác dụng phụ sau khi chích ngừa.”
Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng tình trạng viêm hậu vaccine có thể là nguyên nhân gây ra chứng rối loạn tâm thần. Nghiên cứu cho thấy nồng độ protein phản ứng C tăng cao và tình trạng tăng bạch cầu ở mức độ nhẹ đến trung bình – số lượng bạch cầu cao – là những bất thường trong kết quả xét nghiệm máu phổ biến nhất. Cả hai tình trạng này đều có liên quan đến phản ứng viêm.
Giả thuyết khác được đề nghị trong nghiên cứu là rối loạn tâm thần sau chích ngừa có thể gợi ý biểu hiện của bệnh viêm não kháng NMDA tự miễn, là tình trạng trong đó hệ thống miễn dịch tấn công vào chính các tế bào thần kinh não và gây viêm.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các trường hợp viêm não kháng NMDA đã được báo cáo nhiều lần sau khi chích ngừa các bệnh nhiễm trùng như cúm, ho gà, sốt vàng da và sốt phát ban.
“Khi xem xét mối liên hệ tiềm ẩn giữa chứng rối loạn tâm thần sau chích ngừa và bệnh viêm não kháng NMDA tự miễn, nên xem xét sàng lọc miễn dịch ở những người có triệu chứng tâm thần sau hậu vaccine COVID-19.”
Lý do thứ 3 có thể được đề nghị trong nghiên cứu là những suy đoán và sự không chắc chắn khác nhau về độ an toàn của vaccine COVID-19 có thể khiến mọi người gặp phải “căng thẳng đáng kể,” điều này cuối cùng có thể kích hoạt sự phát triển của các phản ứng tâm thần.
Các tác giả đã nhận được trợ giúp tài chính cho việc đánh giá, với chi phí công bố báo cáo được Đại học Riga Stradiņš, Latvia tài trợ. Các nhà nghiên cứu tuyên bố không có xung đột lợi ích trong nghiên cứu.
Các trường hợp rối loạn tâm thần hậu vaccine
Các giai đoạn rối loạn tâm thần sau khi chích vaccine ngừa COVID-19 đã được trình bày chi tiết trong một số nghiên cứu điển hình. Trong một trường hợp, cậu bé 15 tuổi đến từ Đài Loan đã phải nhập viện 2 ngày sau khi tiêm mũi Pfizer thứ hai. Cậu bé la hét, có biểu hiện kích động và duỗi chân tay không kiểm soát.
Những hành vi kỳ lạ khác bao gồm ngồi dậy và nằm xuống thường xuyên. Cậu bé được kê đơn thuốc chống loạn thần những hành vi của em vẫn tiếp tục kéo dài sau khi xuất viện hơn 1 tháng.
Sau đó các bác sĩ kê toa steroid, có tác dụng chống viêm và giúp làm dịu hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Các triệu chứng của em sau đó đã được cải thiện.
Trong một trường hợp khác ở Brazil, một phụ nữ ở độ tuổi 30, trước đây khỏe mạnh, đã xuất hiện triệu chứng rối loạn tâm thần khó chữa trong vòng 24 tiếng sau khi chích vaccine mRNA COVID-19. Người phụ nữ này có suy nghĩ hỗn loạn, hung hãn, và tin rằng cô đang bị bức hại tại bệnh viện.
Mặc dù cô đã được điều trị bằng thuốc ổn định tâm trạng và thuốc chống loạn thần, nhưng hành vi của cô chỉ cải thiện sau 4 tháng nằm viện. Tuy nhiên, chứng rối loạn tâm thần của cô vẫn tiếp tục.
Một nghiên cứu tổng quan được công bố vào tháng 5/2022 đã mô tả trường hợp cô gái 18 tuổi phát triển các triệu chứng loạn thần vào cùng ngày cô chích liều vaccine AstraZeneca đầu tiên.
“Các triệu chứng bắt đầu vài tiếng sau khi chích ngừa với những lời nói không liên quan. Trong 3 ngày tiếp theo, bệnh tiến triển đến mức khó chịu, ảo tưởng bị ngược đãi và ám chỉ cũng như ảo giác thị giác.”
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times