Nghiên cứu: Người chích nhiều liều vaccine ngừa COVID-19 hơn thì dễ mắc bệnh COVID-19 hơn
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người được chích vaccine có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn.
Theo một nghiên cứu mới, những người được chích nhiều hơn một liều vaccine ngừa COVID-19 có nhiều khả năng nhiễm bệnh này hơn.
Kết quả phân tích dữ liệu từ các nhân viên của Bệnh viện Cleveland cho thấy, những người chích từ 2 liều vaccine trở lên có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn – theo báo cáo của Tiến sĩ Nabin Shrestha và các đồng tác giả.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn 1.5 lần đối với những người chích ngừa 2 liều, cao hơn 1.95 lần đối với những người chích ngừa 3 liều và cao hơn 2.5 lần đối với những người chích ngừa nhiều hơn 3 liều. Những người này có nguy cơ cao hơn so với những người không chích ngừa hoặc chỉ chích 1 liều vaccine.
Ngay cả sau khi điều chỉnh các biến số, rủi ro vẫn tăng cao.
“Lý do chính xác cho phát hiện này vẫn chưa rõ ràng. Có thể điều này liên quan đến thực tế là khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra yếu hơn và kém bền hơn khả năng miễn dịch tự nhiên. Vì vậy, mặc dù có thể giúp bảo vệ được trong thời gian ngắn, nhưng việc chích ngừa lại làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong tương lai,” các nhà nghiên cứu cho biết trong bài báo được phát hành dưới dạng bản in trước.
Tiến sĩ Robert Malone, một nhà nghiên cứu vaccine – người không tham gia vào nghiên cứu, nói với The Epoch Times rằng nghiên cứu này là “một cách thừa nhận khác, rằng, các sản phẩm này không hiệu quả hoặc có hiệu quả rất thấp và đang góp phần tạo ra ảnh hưởng tiêu cực [về sau].”
Ông lưu ý rằng các nhà nghiên cứu đã không nghiên cứu về độ an toàn của vaccine trong cộng đồng nhân viên. Theo tài liệu và hồ sơ tử vong, vaccine ngừa COVID-19 có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm cả chứng viêm tim gây tử vong.
Các nghiên cứu và dữ liệu trước đây cũng gợi ý rằng, những người chích ngừa nhiều liều vaccine hơn sẽ dễ bị nhiễm COVID-19 hơn, bao gồm các bài báo trước đây của các nhà khoa học của Bệnh viện Cleveland và một nghiên cứu từ Iceland.
Mặc dù vào cuối tháng 5 sẽ có một cuộc họp thảo luận về việc có nên cập nhật công thức vaccine để cải thiện khả năng bảo vệ hay không nhưng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đã nhiều lần từ chối yêu cầu bình luận về các nghiên cứu không phải do CDC chủ trì, đề nghị hầu như tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên chích một trong những loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có, không quan tâm đến việc mọi người đã chích bao nhiêu mũi.
Các nhà khoa học của CDC cho biết trong một bài báo xuất bản vào tháng 2 – trong báo cáo hàng tuần của cơ quan này rằng, phiên bản mới nhất của vaccine, một loại vaccine đơn trị nhắm vào biến thể phụ XBB.1.5, mang lại hiệu quả 49% trong khoảng thời gian từ 60 đến 119 ngày sau khi chủng virus JN.1 bùng phát. Tuy nhiên, dữ liệu bổ sung cho thấy, những người từ 50 tuổi trở lên đã chích vaccine lưỡng trị trước đó dễ bị nhiễm trùng có triệu chứng hơn.
Các tác giả không tiết lộ việc xung đột lợi ích và thừa nhận có ít nhất 5 hạn chế, bao gồm cả cách sử dụng proxy để nhiễm JN.1.
Một nghiên cứu khác, được công bố vào tháng 4, trước khi bình duyệt, ước tính hiệu quả của vaccine cập nhật của Pfizer, tính từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, là 32% đối với việc nhập viện. Nghiên cứu do các nhà khoa học từ nhiều tổ chức, bao gồm Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ và Pfizer thực hiện, nhiều tác giả đã báo cáo về việc có xung đột lợi ích và một số nguồn tài trợ là từ Pfizer.
Hệ thống miễn dịch của con người đang được huấn luyện để phản ứng với các chủng virus cũ hơn với khả năng bảo vệ chống lại các biến thể mới hơn là lý thuyết giải thích tại sao người được chích ngừa có thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
“Việc chích nhiều liều vaccine có thể làm tăng sự phụ thuộc vào kháng thể hoặc ‘sự nghiện kháng nguyên ban đầu’, làm tăng phản ứng lây nhiễm không tương xứng với các kháng thể được tạo ra từ liều vaccine đầu tiên, thay vì từ vaccine hiện tại hoặc đợt nhiễm trùng hiện tại, tạo ra phản ứng kháng thể kém hiệu quả hơn,” Tiến sĩ Harvey Risch, giáo sư danh dự về dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Yale, sau khi xem qua nghiên cứu, đã nói với The Epoch Times trong một email.
Tiến sĩ Shrestha, người đã không trả lời yêu cầu bình luận, và các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Cleveland đã phân tích hiệu quả của các mũi vaccine XBB.1.5 chống lại chủng virus JN.1, vốn đã thay thế chủng XBB.1.5 vào cuối năm 2023.
Để có được kết quả, các nhà nghiên cứu đã phân tích tỷ lệ mắc COVID-19 trong số các nhân viên của Bệnh viện Cleveland từ ngày 31/12 /2023 đến ngày 22/ 4/2024.
Trong khoảng thời gian nghiên cứu này, trong số 47,500 nhân viên tham gia nghiên cứu, 838 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Dữ liệu chưa được điều chỉnh cho thấy không có sự khác biệt giữa những người được chích ngừa một trong những mũi chích ngừa cập nhật và những người không chích ngừa, nhưng sau khi điều chỉnh độ tuổi và các yếu tố khác, các nhà nghiên cứu ước tính các mũi chích ngừa mang lại hiệu quả chống nhiễm COVID-19 là 23%.
Theo các hướng dẫn của liên bang và toàn cầu thì những vaccine nào có tác dụng bảo vệ dưới 50% là thuộc loại vaccine không hiệu quả.
Các nhà nghiên cứu cho biết, tỷ lệ các bệnh nhân nặng trong số những người tham gia nghiên cứu là quá nhỏ để có thể ước tính được hiệu quả chống lại bệnh nặng.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.