Giãn cách xã hội do COVID góp phần làm tăng tỷ lệ sinh non và tử vong ở trẻ sơ sinh

Các tác giả tin rằng sự gián đoạn chăm sóc trước khi sinh đã góp phần gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Theo một nghiên cứu trên tập san JAMA Network Open vào ngày 18/07, giãn cách xã hội trong thời kỳ đại dịch có liên quan đến tăng tỷ lệ sinh non và tử vong ở trẻ sơ sinh trong vòng 1-2 tháng.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Alabama ở Birmingham (UAB) đã đánh giá hơn 18 triệu ca sinh tại Alabama từ năm 2016 đến năm 2020, so sánh những năm trước đại dịch với giai đoạn sau khi ban hành những hạn chế về sức khỏe cộng đồng vào tháng 3/2020.

Mối liên hệ kể trên không rõ ràng ngay lập tức. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu kiểm tra tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và tỷ lệ sinh non sau hai tháng thực hiện giãn cách xã hội ở cấp độ dân số, họ đã tìm thấy mối liên hệ giữa hành vi giãn cách xã hội và tỷ lệ sinh non và tử vong ở trẻ sơ sinh. Giai đoạn sơ sinh bao gồm bốn tuần đầu tiên trong cuộc đời của trẻ sơ sinh.

Tiến sĩ Vivek Shukla, bác sĩ sơ sinh và phó giáo sư tại Khoa Sơ sinh của UAB, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết nghiên cứu đã đánh giá “những tác động không lường trước” của việc giãn cách xã hội đối với sức khỏe trẻ sơ sinh.

Ông Shukla cho biết cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về những mối liên hệ này.

Ông nói, “Nghiên cứu này cho thấy, ở cấp độ dân số, những ảnh hưởng của các hạn chế về sức khỏe cộng đồng có thể tới chậm. Đôi khi, tác động của những biện pháp này không rõ ràng vào ngày đầu tiên thực hiện.”

Ông nói thêm rằng nghiên cứu chỉ đánh giá mối liên quan giữa hành vi xã hội và kết quả sức khỏe, nhưng không xem xét những ảnh hưởng của nhiễm COVID-19 đến sản phụ và thai nhi.

Ít lần khám thai hơn

Các tác giả cho biết kết quả này có thể liên quan đến sự gián đoạn việc chăm sóc trước sinh và các biến chứng khi mang thai.

Trong thời kỳ đại dịch, số lần khám thai và kiểm tra sức khỏe khi mang thai ít hơn do tác động của các hành vi giãn cách xã hội trong cộng đồng.

Tiến sĩ Rachel Sinkey, phó giáo sư tại Khoa Y học Bà mẹ và Thai nhi của UAB, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong thông cáo báo chí, “Những cuộc hẹn này rất quan trọng để phát hiện và giải quyết các biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé.”

Theo Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, 81% bác sĩ được khảo sát vào tháng 7 và tháng 8/2020 cho biết họ cung cấp ít lượt khám trực tiếp hơn so với trước đại dịch. Số lượt khám trực tiếp trung bình giảm từ 95 xuống 57 lượt mỗi tuần.

Ngoài ra, tỷ lệ mắc bệnh, bao gồm tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp thai kỳ và khởi phát chuyển dạ, cũng như tỷ lệ phải vào khoa chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (ICU), đều cao hơn trong thời kỳ đại dịch.

Nghiên cứu phát hiện tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh nhìn chung thấp hơn trong suốt thời kỳ đại dịch năm 2020, nhưng có sự gia tăng nhẹ về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và sinh non sau khi người dân tuân thủ chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội.

Tiến sĩ Shukla cho biết, “COVID-19 đã ảnh hưởng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu và đã cướp đi sinh mạng của nhiều người; do vậy, cần phải rút kinh nghiệm từ trải nghiệm này để chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng sức khỏe có thể xảy ra trong tương lai.”

“Chúng ta cần hiểu những thay đổi trong hành vi sức khỏe ảnh hưởng đến kết quả như thế nào, liệu mọi người có gặp khó khăn hơn khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc thay đổi những thói quen lành mạnh hay không.”

Cần nghiên cứu thêm

Vì nghiên cứu này chỉ mang tính quan sát nên không thể rút ra kết luận nhân quả nào.

Tiến sĩ Shukla cho biết, “Kết quả cho thấy cần phải có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn về những tác động không mong muốn của những thay đổi trong hành vi sức khỏe liên quan đến đại dịch.”

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Marina Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Marina Zhang là một cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, cư trú tại New York. Tốt nghiệp cử nhân y sinh học tại Đại học Melbourne, cô chuyên đưa tin về các câu chuyện về COVID-19 và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Quý vị có thể liên lạc với cô qua [email protected].
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn