Cựu giám đốc NIH: Quy tắc giữ khoảng cách 1.8 mét thời COVID là không dựa trên bằng chứng khoa học
Trong cuộc phỏng vấn, Tiến sĩ Collins đã được hỏi về một loạt các vấn đề, kể cả giả thuyết cho rằng đại dịch COVID-19 là kết quả của một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm.
Lời làm chứng mới được công bố của cựu Giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH), Tiến sĩ Francis Collins—người đã trợ giúp nỗ lực lãnh đạo việc ứng phó với đại dịch COVID-19 của Hoa Kỳ—cho thấy rằng thiếu bằng chứng khoa học cho quy tắc giãn cách xã hội 1.8 mét (6 feet) được áp dụng. Đây từng là một quy tắc “bất di bất dịch” quan trọng trong các hạn chế liên quan đến COVID-19.
Hôm 16/05, Dân biểu Brad Wenstrup (Cộng Hòa-Ohio), chủ tịch Tiểu ban Đặc biệt về Đại dịch Virus Corona, đã công bố bản ghi chép phiên chất vấn được ghi lại của Tiến sĩ Collins, diễn ra tại Capitol Hill vào tháng Một sau những cánh cửa đóng kín.
Trong cuộc phỏng vấn, Tiến sĩ Collins đã được hỏi về một loạt vấn đề, bao gồm giả thuyết rằng đại dịch COVID-19 là kết quả của sự rò rỉ trong phòng thí nghiệm hoặc tai nạn liên quan đến phòng thí nghiệm, và quy tắc giãn cách xã hội 1.8 mét là một trong những quy tắc đặc trưng cho việc hạn chế quyền tự do đi lại và tụ họp trong thời kỳ đại dịch.
Tại một thời điểm trong phiên chất vấn, cố vấn đa số của ủy ban đã đề cập đến phiên chất vấn với Tiến sĩ Anthony Fauci hồi tháng Một. Khi đó, ông Fauci nói rằng quy tắc giữ khoảng cách 1.8 mét “kiểu như vừa mới xuất hiện” và có thể không dựa trên bất kỳ dữ liệu nào.
“Chúng tôi đã hỏi Tiến sĩ Fauci rằng con số 6 feet đó đến từ đâu và ông ấy nói rằng nó kiểu như vừa mới xuất hiện, đó là nguyên văn lời của ông ấy,” cố vấn pháp lý của phe đa số trong ủy ban nói với Tiến sĩ Collins, theo bản ghi chép lại phiên chất vấn. “Ông có nhớ kiến thức khoa học hoặc bằng chứng nào ủng hộ cho khoảng cách 6 feet này không?”
Tiến sĩ Collins trả lời: “Tôi không.”
Sau đó, cố vấn pháp lý của phe đa số hỏi tiếp: “Có phải ‘tôi không nhớ’ hay là ‘tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho khoảng cách 6 feet này?’”
Tiến sĩ Collins trả lời: “Tôi không thấy bằng chứng, nhưng tôi không chắc mình đã được cho xem bằng chứng vào thời điểm đó hay chưa.”
“Kể từ đó, khoảng cách này đã trở thành một chủ đề rất rộng. Ông có thấy bằng chứng nào kể từ đó ủng hộ 6 feet không?” cố vấn pháp lý phe đa số hỏi.
Tiến sĩ Collins nói, “Không.”
Nhận xét của Tiến sĩ Collins cung cấp thêm dấu hiệu cho thấy ít nhất ở một mức độ nào đó, các quan chức ban hành hướng dẫn vào đỉnh điểm của đại dịch đã đưa ra những quyết định không được dữ liệu khoa học ủng hộ rõ ràng.
Nhiều quan chức khác nhau tham gia vào việc thiết lập cách ứng phó với đại dịch của Hoa Kỳ, trong đó có Tiến sĩ Fauci, đã nói rằng họ đang đưa ra các quyết định có thiện chí dựa trên dữ liệu có sẵn vào thời điểm đó, đồng thời khi có thông tin mới xuất hiện, họ sẽ điều chỉnh các khuyến nghị của mình cho phù hợp.
Quy định giãn cách xã hội trở thành tiêu điểm
Khi đợt bùng phát COVID-19 lan rộng vào năm 2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã ban hành hướng dẫn mô tả khoảng cách giao tiếp xã hội bao gồm tránh xa những nơi tập trung đông người, tránh tụ tập đông người, và duy trì khoảng cách ít nhất 1.8 mét với những người khác khi có thể.
Hướng dẫn mới nhất của CDC về phòng ngừa lây nhiễm virus đường hô hấp (cập nhật ngày 04/04/2024) bao gồm một phần về giãn cách vật lý. Hướng dẫn này cho rằng việc giữ khoảng cách vật lý giữa bản thân và người khác có thể giúp giảm nguy cơ lây lan virus đường hô hấp.
“Không có con số duy nhất nào xác định khoảng cách ‘an toàn’, vì sự lây lan của virus có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố,” hướng dẫn nêu rõ, phù hợp với các nghiên cứu, chẳng hạn như một nghiên cứu từ năm 2021 kết luận rằng áp dụng cho tất cả mọi người quy tắc giãn cách vật lý 1.8 mét là không phù hợp.
Tuy nhiên, hướng dẫn mới nhất của CDC dành cho cơ sở chăm sóc sức khỏe, được cập nhật vào ngày 18/03/2024, có một số tham chiếu đến quy định 6 feet. Ví dụ: cơ quan này khuyến nghị rằng tại các cơ sở nha khoa có sơ đồ mặt bằng mở, một chiến lược để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 là bảo đảm “khoảng cách giữa các ghế bệnh nhân ít nhất là 6 feet.” CDC cũng định nghĩa “tiếp xúc gần” giữa các cá nhân là “ở trong phạm vi 6 feet trong tổng thời gian tích lũy từ 15 phút trở lên trong khoảng thời gian 24 tiếng với người bị nhiễm SARS-CoV-2.”
The Epoch Times đã liên lạc với CDC để yêu cầu bình luận về nhận xét của Tiến sĩ Collins và làm rõ cơ sở khoa học nào mà cơ quan này đưa con số 6 feet vào hướng dẫn phòng ngừa COVID-19 của mình.
Vào tháng Ba, CDC cũng cập nhật hướng dẫn dành cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, thông báo với họ rằng họ không cần phải giãn cách trong vòng 5 ngày nữa.
Hướng dẫn cập nhật nêu ra rằng mối đe dọa từ COVID-19 đã trở nên giống với mối đe dọa của các loại virus đường hô hấp khác và do đó, thay vì cung cấp thêm các hướng dẫn cụ thể về virus, CDC đã chọn một “phương pháp nhất quán, thực tế.”
Để biện minh cho việc chuyển sang các hướng dẫn mới, trong đó về cơ bản điều trị COVID-19 giống như bất kỳ loại virus đường hô hấp nào khác, CDC cho biết nhiều người có các triệu chứng do virus đường hô hấp thường không biết mầm bệnh nào gây ra các triệu chứng của họ, vì vậy một phương pháp nhất quán sẽ thực tế hơn.
Nhiều bác sĩ từ lâu đã kêu gọi CDC hủy bỏ khuyến nghị cách ly 5 ngày, mặc dù cơ quan này vẫn tiếp tục trì hoãn thực hiện thay đổi với lý do cần phải tư vấn thêm, gần đây nhất là hồi giữa tháng Hai.
Trong hướng dẫn cập nhật, CDC đã đồng ý với “chi phí cá nhân và xã hội của việc cách ly kéo dài,” trong đó có cả thời gian nghỉ bệnh được trả lương có giới hạn.
Một số chuyên gia và nghiên cứu đã cảnh báo về tác hại của việc cách ly kéo dài trong thời kỳ đại dịch. Ví dụ, Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho biết vào tháng 11/2023 rằng người Mỹ đã phải chịu “chấn thương tập thể” liên quan đến đại dịch. Hiệp hội trích dẫn một nghiên cứu cho thấy rằng cách ứng phó hà khắc đối với đợt bùng phát COVID-19 — ngoài quy định giãn cách xã hội, bao gồm kiểm dịch, đóng cửa trường học, ngừng hoạt động kinh doanh, và bắt buộc đeo khẩu trang gần như phổ biến — có tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
Một nghiên cứu khác xem xét một loạt nghiên cứu về các biện pháp phong tỏa đã kết luận rằng các biện pháp như vậy có thể là một cách thức hiệu quả trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19, nhưng chỉ khi “bỏ qua những thiệt hại không mong muốn trong dài hạn.”
Các tác giả của nghiên cứu viết: “Xét đến vấn đề sức khỏe cộng đồng, cái giá phải trả của việc đóng cửa là rất cao: bằng cách sử dụng mối liên hệ đã biết giữa sức khỏe và sự giàu có, chúng tôi ước tính rằng việc đóng cửa có thể lấy đi những năm tháng của cuộc đời gấp 20 lần so với những gì mà họ tiết kiệm được.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times