Mỹ: 5 thực phẩm thì có 1 mang nguy cơ thuốc trừ sâu ‘đáng kể’
Đậu xanh chứa thuốc trừ sâu ở mức cao hơn 100 lần ngưỡng giới hạn an toàn.
Theo Consumer Reports (CR-Báo Cáo Người Tiêu Dùng), cứ năm loại thực phẩm bán tại Hoa Kỳ được thử nghiệm thì một loại có nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu cao. Đặc biệt là một số loại thực phẩm, như đậu xanh, có chứa thuốc trừ sâu nguy hiểm bị chính quyền cấm.
CR đã phân tích dữ liệu của Bộ Nông nghiệp trong bảy năm, nghiên cứu 59 loại trái cây và rau quả phổ biến để đánh giá mức độ ô nhiễm thuốc trừ sâu.
“Kết quả mới của chúng tôi tiếp tục dấy lên cảnh báo đỏ. Thuốc trừ sâu gây ra rủi ro đáng kể trong 20% thực phẩm mà chúng tôi đã kiểm tra, bao gồm các loại thực phẩm phổ biến như ớt chuông, quả việt quất, đậu xanh, khoai tây và dâu tây,” CR cho biết trong một báo cáo ngày 18 tháng 4.
“Một loại thực phẩm là đậu xanh có dư lượng của loại thuốc trừ sâu đã không được phép sử dụng trên rau tại Hoa Kỳ trong hơn một thập kỷ qua.”
Đáng chú ý, đậu xanh được phân loại là sản phẩm “có nguy cơ cao” vì chúng có chứa thuốc trừ sâu acephate hoặc một trong những sản phẩm phân hủy của nó, methamidophos.
Theo Trung tâm Thông tin Thuốc trừ sâu Quốc gia, những người tiếp xúc với acephate có thể bị tiêu chảy, nhịp tim nhanh, buồn nôn, run rẩy, đau bụng và chóng mặt. Trong khi đó, methamidophos kích thích hệ thần kinh, gây buồn nôn, chóng mặt và thậm chí liệt hô hấp hoặc tử vong khi phơi nhiễm ở nồng độ cao, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA).
CR lưu ý rằng mặc dù chỉ có 4% mẫu đậu xanh thông thường trong nước dương tính với một hoặc cả hai loại thuốc trừ sâu này, nhưng nồng độ hóa chất “thường cao đến mức đáng báo động.”
Một mẫu đậu xanh năm 2022 chứa hàm lượng methamidophos cao hơn 100 lần ngưỡng mà các nhà khoa học của CR coi là an toàn. Trong một mẫu khác, lượng acephate cao hơn bảy lần. Trong một số mẫu từ năm 2021, “nồng độ vẫn cao hơn.”
Dư lượng thuốc trừ sâu cao như vậy là “đặc biệt đáng lo ngại” vì cả hai loại thuốc này đều không nên có trên đậu xanh. Năm 2009, Hoa Kỳ đã cấm sử dụng methamidophos để trồng bất kỳ loại nông sản nào. Hai năm sau, việc sử dụng acephate trên đậu xanh bị cấm.
James E. Rogers, người giám sát an toàn thực phẩm tại CR, cho biết: “Khi bạn mua một nắm đậu xanh ở siêu thị hoặc chọn một quả dưa hấu, khả năng bạn mua phải một quả có hàm lượng thuốc trừ sâu ở mức nguy hiểm có thể là tương đối thấp.”
“Nhưng nếu lỡ mua phải, bạn có thể tiếp xúc với liều lượng cao hơn nhiều so với mức bình thường và nếu bạn ăn thức ăn đó thường xuyên thì nguy cơ sẽ tăng lên.”
Đậu xanh thông thường trồng tại Hoa Kỳ được phân loại là có “nguy cơ cao” ô nhiễm thuốc trừ sâu, trong khi đậu nhập khẩu được gắn thẻ “nguy cơ rất cao.” Trong số đậu xanh hữu cơ, đậu xanh trồng ở Mỹ được đánh giá là “nguy cơ rất thấp,” trong khi đậu nhập khẩu được phân loại là “nguy cơ rất cao.”
Một phần lớn đậu xanh nhập khẩu từ Mexico. Người phát ngôn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nói với Consumer Reports rằng cơ quan này đã biết về tình trạng ô nhiễm acephate trong đậu xanh nhập khẩu từ Mexico.
Từ năm 2017 đến năm 2024, FDA đã đưa ra cảnh báo nhập khẩu đối với 14 công ty Mexico do sự hiện diện của acephate trong đậu xanh. Những cảnh báo như vậy trao quyền cho cơ quan này giữ lại các lô hàng thực phẩm cho đến khi có thể chứng minh được rằng thực phẩm đó không bị nhiễm thuốc trừ sâu bất hợp pháp.
Tuy nhiên, “rõ ràng, các biện pháp bảo vệ không hoạt động như mong đợi,” ông Rogers nói. Do đó, “người tiêu dùng đang phải tiếp xúc với mức độ thuốc trừ sâu rất nguy hiểm cao hơn nhiều so với thông thường,” ông nói thêm.
Ông Rogers khuyên người dân nên kiểm tra bao bì đậu xanh để xác định nguồn gốc xuất xứ. CR khuyến nghị nên từ chối sử dụng đậu xanh “có nguy cơ cao” và chuyển sang các thực phẩm có nguy cơ thấp hơn như đậu Hà Lan.
Nguy cơ của thuốc trừ sâu đối với con người
Sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu của nền nông nghiệp Mỹ đồng nghĩa với việc ngày nay không thể tránh khỏi sự hiện diện của hóa chất trong thực phẩm.
Theo báo cáo năm 2021 của FDA, cơ quan này đã phân tích 1.367 mẫu thực phẩm dành cho người trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 10 năm 2020 đến ngày 30 tháng 9 năm 2021 và phát hiện ra rằng chỉ 35% mẫu trong nước và 44,5% mẫu nhập khẩu không có dư lượng hóa chất thuốc trừ sâu.
EPA tuyên bố trên trang web của mình, “Ảnh hưởng sức khỏe của thuốc trừ sâu phụ thuộc vào loại thuốc trừ sâu. Một số, chẳng hạn như organophosphate và carbamate ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Những loại khác có thể gây kích ứng da hoặc mắt. Một số loại thuốc trừ sâu có thể là chất gây ung thư. Trong khi những loại khác có thể ảnh hưởng đến hormone hoặc hệ thống nội tiết trong cơ thể.
Cơ quan này cho biết thêm, “Để xác định rủi ro, cần phải xem xét cả độc tính hoặc mối nguy hiểm của thuốc trừ sâu và khả năng phơi nhiễm.”
Một báo cáo gần đây của Nhóm công tác môi trường (EWG) có trụ sở tại Washington cho thấy 3/4 thực phẩm phi hữu cơ được các cơ quan Hoa Kỳ lấy mẫu có “thuốc trừ sâu có khả năng gây hại.” Trong số 46 loại trái cây và rau quả được lấy mẫu phân tích, có 12 loại được phân loại là “Dirty Dozen” (12 bẩn).
Trong danh sách Dirty Dozen, 95% mẫu có chứa thuốc trừ sâu. Các mặt hàng bao gồm dâu tây, rau bina, các loại rau lá xanh như cải xoăn, cải rổ và cải xanh, nho, đào, lê, quả xuân đào, táo, ớt chuông và ớt cay, quả anh đào, quả việt quất và đậu xanh. Trong các Dirty Dozen đã phát hiện thấy 209 loại thuốc trừ sâu.
“Hơn 50 loại thuốc trừ sâu đã được phát hiện trên các mẫu của mỗi mặt hàng thuộc Dirty Dozen, ngoại trừ quả anh đào. … Tất cả sản phẩm thuộc Dirty Dozen đều có ít nhất một mẫu chứa ít nhất 13 loại thuốc trừ sâu — và một số có tới 23 mẫu,” EWG cho biết.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một số loại thuốc trừ sâu cũ vẫn tồn tại trong đất và nước trong vài năm. Trong khi nhiều loại đã bị cấm ở các nước phát triển, một số vẫn tiếp tục được sử dụng ở các nước đang phát triển.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times