Thuốc trừ sâu làm tăng nguy cơ ung thư tương tự như thuốc lá
Theo một nghiên cứu mới, việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu có thể gây ra những tác hại tương tự như hút thuốc lá.
Nhiều tài liệu cho thấy thuốc trừ sâu có liên quan đến nguy cơ ung thư cao hơn. Tuy nhiên, không như thuốc lá, hầu hết mọi người tiếp xúc với thuốc trừ sâu ở mức quá thấp để gây nguy hiểm, điều này giải thích tại sao nhiều người không quá lo lắng về vấn đề này.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 đã phát hiện thuốc trừ sâu có thể gây ung thư tương tự như thuốc lá, đặc biệt là ở những cộng đồng sản xuất nông nghiệp nặng (canh tác nông nghiệp bằng cách sử dụng các thiết bị công nghiệp nặng).
Ông Isain Zapata, tác giả liên hệ của nghiên cứu và là phó giáo sư tại Đại học Rocky Vista ở Colorado cho biết, “Nếu bạn sống trong khu vực có mức độ tiếp xúc cao, bạn sẽ phải chịu những tác hại tương tự như hút thuốc lá.”
Thuốc trừ sâu và sự gia tăng tỷ lệ ung thư
Nghiên cứu đăng trên Frontiers in Cancer Control and Society (Tập san Ranh giới trong Kiểm soát Ung thư và Xã hội) đã phân tích dữ liệu từ tất cả các tiểu bang và 3,143 quận của Hoa Kỳ để xác định tác động của thuốc trừ sâu đối với tỷ lệ ung thư so với việc hút thuốc lá.
Vì mọi người thường tiếp xúc cùng lúc với nhiều loại thuốc trừ sâu, các nhà nghiên cứu đã tạo ra hồ sơ sử dụng thuốc cho từng quận thay vì xem xét từng loại riêng lẻ, sau đó so sánh với tỷ lệ ung thư.
Nghiên cứu đã tìm ra một số loại thuốc trừ sâu phổ biến ở các quận có tỷ lệ ung thư cao. Ví dụ, atrazine, được sử dụng rộng rãi để diệt cỏ dại cho ngô, mía và cao lương, liên quan đến ung thư đại tràng. Mặt khác, glyphosate liên quan đến ung thư đại tràng, ung thư tuyến tụy và các loại ung thư nói chung.
Cyprodinil, một loại thuốc diệt nấm, không được nghiên cứu rộng rãi như atrazine và các thuốc trừ sâu khác, nhưng cũng liên quan đến ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu.
Tuy nhiên, ông Zapata, tiến sĩ thống kê ứng dụng, cảnh báo không nên hiểu thuật ngữ “hàng đầu/phổ biến” là “xấu nhất.” Tác động của thuốc trừ sâu phụ thuộc vào lượng sử dụng và mục đích canh tác. Ông Zapata nói với The Epoch Times: “Vùng trồng ngô sẽ sử dụng các loại hóa chất khác với vùng trồng cam. Hợp chất ‘xấu nhất’ ở vùng này có thể không liên quan đến vùng khác.”
Nguy cơ ung thư của thuốc trừ sâu cao hơn thuốc lá
Ở những vùng sản xuất nông nghiệp nặng, các tác giả phát hiện thuốc trừ sâu làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như u lympho không Hodgkin, ung thư bàng quang và bệnh bạch cầu cao hơn so với thuốc lá.
Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất chủ yếu là vùng Trung Tây, nổi tiếng với hoạt động nông nghiệp nặng, đặc biệt là sản xuất ngô. Các tiểu bang như Iowa, Illinois, Nebraska, Missouri, Indiana và Ohio thường có nguy cơ cao hơn. Florida, nơi đóng vai trò quan trọng trong sản xuất rau và trái cây, cũng cho thấy nguy cơ ung thư gia tăng.
Tác động đến sức khỏe
Trong khi dự luật về thuốc trừ sâu đã được cải thiện nhờ những nghiên cứu về các hóa chất có hại phổ biến như atrazine, nghiên cứu này nêu bật những nguy cơ từ việc kết hợp các hóa chất trong nông nghiệp.
Tiến sĩ Yusuf Saleeby, bác sĩ y học toàn diện và tích hợp, trả lời The Epoch Times, “Các hóa chất nông nghiệp bao gồm thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ như Roundup (glyphosate) nhìn chung đều có tác dụng gây ung thư. Những hóa chất này làm suy yếu hệ miễn dịch, tuyến phòng thủ đầu tiên để chống lại ung thư.”
Dù có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, sản xuất nông nghiệp vẫn phải dựa vào thuốc trừ sâu để duy trì năng suất. Ông Zapata cho biết, “Ngay cả khi xác định được những hợp chất có hại, chúng ta vẫn cần chúng để có được hiệu quả sản xuất. Việc loại bỏ hoàn toàn thuốc trừ sâu là điều không thực tế.”
Các nhà nghiên cứu hy vọng mọi người sẽ lưu tâm nhiều hơn đến nguồn gốc sản phẩm và những hóa chất có trong thực phẩm mà họ tiêu thụ.
Tránh tiếp xúc là chìa khóa bảo vệ cơ bản
Mặc dù đã có những nỗ lực nhằm giảm các bệnh liên quan đến thuốc trừ sâu thông qua giám sát và theo dõi, nhưng nông dân thường không được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tiến sĩ Saleeby, với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y học chức năng, thường tiến hành xét nghiệm các hóa chất này trong mẫu nước tiểu của bệnh nhân để bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, các xét nghiệm trên có thể không được tiến hành thường xuyên.
Tiến sĩ Saleeby đưa ra một số phương pháp đơn giản cho mọi người.
1. Tránh tiếp xúc: Tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu bằng cách tránh các trang trại dùng hóa chất, không dùng thực phẩm phun thuốc và chọn thực phẩm hữu cơ.
2. Sử dụng thực phẩm chức năng: Dùng các sản phẩm như chất kết dính và chlorella để giúp đào thải độc tố khỏi cơ thể.
3. Tăng bài xuất: Uống nhiều nước và đi xông hơi để đẩy mạnh quá trình bài tiết qua nước tiểu và mồ hôi.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times