Không nên an tử để lấy nội tạng

Hiện tượng lấy nội tạng đi cùng với cái chết êm dịu (an tử) đang ngày càng gia tăng. Niềm tin của công chúng vào y học cấy ghép phụ thuộc vào việc duy trì các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất.

Tình trạng thiếu nội tạng để cấy ghép đang là mối đe dọa khi tạo ra những giải pháp phi đạo đức. Một câu chuyện khủng khiếp ở Bỉ minh họa cho sự nguy hiểm này.

Một cô gái mới chỉ 16 tuổi bị u não yêu cầu được an tử và lấy nội tạng. Chỉ mới 16 tuổi! Các bác sĩ đã đồng ý. Em đã được dùng thuốc an thần và đặt nội khí quản trong ICU trong 36 giờ để “kiểm tra” các cơ quan – có thể là các xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm máu. Sau đó em đã được an tử và nội tạng của em được mua.

Sự việc này có ba vấn đề như sau.

Đầu tiên, đây là một cô gái có chút sợ hãi về cái chết và tin rằng bằng cách hiến nội tạng, em có thể làm được điều gì đó tốt đẹp. Nhưng đối với lựa chọn [muốn làm việc tốt] này, em có thể đã không đưa ra quyết định [an tử và hiến nội tạng].

Thứ hai, theo những gì chúng tôi biết, em không được cung cấp dịch vụ ngăn ngừa tự tử cũng như không được bảo đảm rằng chăm sóc giảm nhẹ có thể làm giảm bớt các triệu chứng.

Thứ ba, thời gian dùng thuốc an thần và đặt nội khí quản kéo dài không phải vì lợi ích của em mà là để kiểm tra các cơ quan [nội tạng] và tìm ra người nhận tương thích. Nói cách khác, ít nhất ở một khía cạnh nào đó, một khi yêu cầu hiến nội tạng, các bộ phận cơ thể đã trở nên quan trọng hơn mạng sống của em.

Hiện tượng lấy nội tạng đi cùng cái chết êm dịu đang ngày càng gia tăng ở Bỉ và Hà Lan. Những quốc gia này không yêu cầu bệnh nhân/người hiến tặng phải bị bệnh nan y. Thật vậy, ở cả hai trường hợp, người bệnh tâm thần đủ điều kiện để được an tử y tế – những người không thể ra đi trong nhiều năm sẽ được an tử trong bệnh viện và sau đó bị lấy đi nội tạng.

Canada – nơi đã hợp pháp hóa việc an tử vào năm 2016 – thậm chí còn vị lợi hơn nữa. Nếu một bệnh nhân ở tỉnh bang Ontario (không nhất thiết phải bị bệnh nan y) được chấp nhận chích thuốc độc, và bắt đầu từ năm sau, có thể bị bệnh tâm thần, thì tổ chức giám sát việc hiến tạng (Trillium) phải được thông báo để đại diện của họ có thể liên lạc với người sắp tử vong và xin gan, thận, tụy, phổi và tim.

Điều đáng chú ý là những bệnh nhân như vậy không được giới thiệu đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần để ngăn chặn hành vi tự tử. Do đó, với sự trợ giúp tích cực của cộng đồng cấy ghép nội tạng, thông điệp rõ ràng mà chính sách này gửi đến những người Canada bị bệnh và khuyết tật muốn tự tử là sự ra đi của họ có giá trị lớn hơn đối với Canada so với mạng sống của họ. Việc bỏ rơi đã trở nên tồi tệ đến mức truyền thông Canada đã mô tả an tử như một “lợi ích” cho việc hiến tạng.

Nguy cơ an tử để lấy nội tạng không chỉ giới hạn ở những quốc gia hợp pháp hóa việc an tử. Hiện tại, Uniform Law Commission (Ủy ban Luật Thống nhất) đang cố gắng định nghĩa lại “chết não.” Điều này có thể hướng tới việc cho phép thu mua nhiều nội tạng hơn so với các thủ tục hiện hành. (Việc chết não có thực sự là tử vong hay không là một chủ đề khác). Hiện tại, quá trình xác định lại này đã thất bại. Nhưng sự bế tắc đó không cho phép chúng ta yên tâm. Nhà triết học và nhà đạo đức sinh học có ảnh hưởng quốc tế của Princeton, ông Peter Singer, vừa viết một chuyên mục được công bố trên toàn thế giới ủng hộ lấy [nội tạng] ngay cả khi những người hiến tặng không cần phải chết về mặt sinh học.

Quả thực, ông Singer ủng hộ việc an tử để lấy nội tạng. Ông hỏi: “Khi nào thì là chính đáng để kết thúc một mạng sống? Điều quyết định liệu kết thúc mạng sống của một người có chính đáng hay không chính là sự mất ý thức không thể thay đổi được: Khi điều đó xảy ra, một thành viên thân yêu của gia đình và bằng hữu đã ra đi mãi mãi.”

Nhưng những người như vậy không phải là xác chết! Họ là bệnh nhân! Đó vừa là sinh học cơ bản vừa là nền tảng của y đức.

Ông Singer (và nhiều nhà đạo đức sinh học khác có quan điểm tương tự) sẽ định nghĩa lại tử vong từ trạng thái không tồn tại về mặt sinh học một cách phi khoa học thành trạng thái xã hội học có giá trị thấp hơn, tương đương với “xem như đã tử vong,” do đó làm mất nhân tính của những người đang sống thực sự. Nguy hiểm hơn nữa, đề nghị của ông sẽ thiết lập nên một nguyên tắc tai hại rằng có một thứ gọi là cuộc sống không đáng sống. Lịch sử cho chúng ta biết rất nhiều về mối nguy hiểm cấp tính của lối suy nghĩ như vậy.

Ngoài ra, chúng ta có thể không biết chắc chắn việc một người đã mất ý thức. Những câu chuyện về những bệnh nhân tưởng chừng như mất ý thức bất ngờ “tỉnh dậy” xuất hiện khắp nơi. Hơn nữa, những người bị cho là bất tỉnh thường vẫn tỉnh táo và nhận thức được nhưng không thể giao tiếp. Quả thực, những nghiên cứu gần đây cho thấy có lẽ 20% số người được cho là bất tỉnh thực ra vẫn tỉnh táo. Khi có thể kiểm tra kỹ lưỡng hơn về nhận thức và quá trình diễn biến của hiện tượng này, tỷ lệ đó có thể tăng lên. Tức là ngay cả khi một người chấp nhận toa thuốc độc hại của ông Singer, những người không đủ điều kiện để an tử và lấy nội tạng có thể phải chịu một số phận khủng khiếp.

Và điều này sẽ không dừng lại ở đó. Một khi chúng ta thiết lập nguyên tắc rằng một số người sống có thể bị an tử để lấy nội tạng, thì các dự án lấy nội tạng chắc chắn sẽ mở rộng theo thời gian. Chúng ta chỉ cần nhìn vào lịch sử của phong trào trợ giúp tự tử/an tử để biết quá trình đó diễn ra như thế nào. Chúng ta được nói rằng trợ tử/an tử bị giới hạn nghiêm ngặt ở người sắp tử vong. Nhưng theo thời gian, các phạm trù này được mở rộng ra ngoài cả những người bệnh nan y ở một số nơi. Và ngay cả ở những tiểu bang vẫn còn hạn chế trợ tử/an tử ở Hoa Kỳ, thì việc nới lỏng luật pháp khiến ngày càng nhiều người hơn có nguy cơ bị tước đi mạng sống.

Cuối cùng, chúng ta không thể thảo luận về việc sát hại để lấy nội tạng mà không đề cập đến tội ác phản nhân loại đang diễn ra ở Trung Quốc, nơi các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân chính trị khác bị thu hoạch nội tạng để cung cấp cho thị trường chợ đen nguy hiểm của đất nước này. Có thể phương Tây không bao giờ đến mức như thế, nhưng việc tiến hành các hành vi vô nhân đạo đối với bệnh nhân để chúng ta có thể lấy nội tạng của họ sẽ khiến những người bị giảm phẩm giá phải đối mặt với các hành vi vô nhân đạo tương tự.

Điểm mấu chốt là: Niềm tin của công chúng vào y học cấy ghép phụ thuộc vào việc duy trì các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Tôi không thể nghĩ ra cách nào chắc chắn để làm suy yếu sự trợ giúp đó hơn là cho phép an tử để lấy nội tạng. Bởi vì nếu mọi người tin rằng cộng đồng cấy ghép ủng hộ việc thu mua nội tạng từ người sống, thì toàn bộ lĩnh vực này có thể phải đối mặt với sự sụp đổ niềm tin của công chúng. Điều này nghĩa là nguồn nội tạng sẵn có để cấy ghép sẽ chỉ [ngày một] ít hơn. Đó sẽ là một thảm họa mà từ đó ngành cấy ghép nội tạng sẽ không bao giờ phục hồi được.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Wesley J.Smith
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tác giả từng đạt giải thưởng Wesley J. Smith là người dẫn chương trình podcast Humanize (Humanize.today), chủ tịch của Trung tâm về Chủ nghĩa Biệt lệ của Nhân loại thuộc Viện Khám phá và là một nhà tư vấn cho Hội đồng các Quyền của Bệnh nhân. Cuốn sách mới nhất của ông có tên “Culture of Death: The Age of ‘Do Harm’ Medicine” (tạm dịch: “Văn Hóa Tử Vong: Thời Đại của Thuốc ‘Cố Ý Hại Người’”)
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn