Ho khan vào mùa thu đông? Thực phẩm màu trắng giúp dưỡng phổi, 5 bài thuốc thực liệu của Trung y
Vào mùa thu đông, nhiều người bắt đầu xuất hiện chứng ho khan. Trung y cho rằng thực phẩm màu trắng dưỡng phổi tốt nhất, nhưng kết hợp những loại thực phẩm này cần sự khéo léo. Trong chuyên mục “Health 1+1” của The Epoch Times, bác sĩ Trung y Quách Đại Duy, Giám đốc Phòng khám Trung y Phù Nguyên ở Đài Loan, đã giới thiệu 5 bài thuốc thực liệu dưỡng phổi. Mỗi bài thuốc đều có sự kết hợp và công dụng đặc thù riêng biệt.
1. Ngọc trúc bách hợp thang
Nguyên liệu: Bách hợp tươi, Ngọc trúc, Thạch hộc, mỗi thứ từ 10-20g.
Cách làm: Dùng nước lạnh rửa sạch ba nguyên liệu trên. Sau đó cho vào nồi cùng với nước nấu chín, để nguội là dùng được.
Công dụng: Ngọc trúc tính bình vị cam, có thể bổ âm nhuận táo, Bách hợp vào kinh phế (phổi), kinh tâm (tim), có thể nhuận phổi giảm ho, thanh tâm an thần; Thạch hộc có thể tư âm thanh nhiệt, dưỡng dạ dày sinh tân dịch.
2. Bách hợp, Bối mẫu chưng Hạnh nhục
Nguyên liệu: Bách hợp 15g, Bối mẫu 15g, Hạnh nhân 15g, Hạnh nhục (thịt trái mơ) 15g.
Cách làm: Hạnh nhục sau khi bỏ hạt thì cho vào chung với Bách hợp, Bối mẫu, Hạnh nhân rồi nghiền thành bột, cho tất cả vào chưng cách thủy với lửa lớn 25 phút là có thể dùng được.
Một nghiên cứu tổng quát được công bố trên Tập san Biomedicine & Pharmacotherapy (Y sinh và Dược lý) vào năm 2019 cho thấy, Bách hợp giúp giảm ho, thanh nhiệt và nhuận phổi. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 05/2023 đã phát hiện, chiết xuất thân cây Bách hợp lên men với Lactobacillus acidophilus có thể làm giảm chứng viêm trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, có tác dụng bảo vệ phổi tránh tổn thương.
Một nghiên cứu tổng quát được công bố trên Tập san Chinese Medicine (Trung y) vào năm 2021 cho thấy, kể từ thời nhà Hán ở Trung Hoa, thân cây Bối mẫu khô đã được dùng làm thuốc giảm ho và thuốc hen suyễn. Thành phần hóa học chính của Bối mẫu là alkaloid thực vật, có tác dụng chống ho, tiêu đàm giảm hen suyễn, và được sử dụng rộng rãi trong các bệnh về đường hô hấp bao gồm COVID-19.
3. Canh ngân nhĩ táo đỏ
Nguyên liệu: Ngân nhĩ 1-2 cái, Táo đỏ 2 trái, sâm Mỹ 3g, Bách hợp 10g, Sơn dược 10g, Bạch quả 5 trái.
Cách làm: Ngâm ngân nhĩ cho nở ra, rửa sạch và cắt nhỏ, cho vào nồi nấu 1 tiếng; tiếp đó cho các nguyên liệu còn lại vào cùng nấu thành canh.
Công dụng: Tăng âm dưỡng phổi, đồng thời còn có thể kiện tỳ, ích khí, giúp làn da mềm mượt.
4. Cháo Xuyên bối tuyết lê
Nguyên liệu: Lê 500g, gạo trắng 100g, xuyên bối lượng thích hợp.
Cách làm: Ngâm Xuyên bối và gạo trắng bằng nước lạnh khoảng 1 tiếng, lê rửa sạch cắt miếng. Sau khi nước sôi, cho xuyên bối và gạo vào, nấu trên lửa nhỏ trong 20 phút, sau đó cho lê vào nấu trong 20 phút.
Công dụng: Thanh nhiệt nhuận phổi, tiêu đàm, hết ho.
5. Ngũ trấp ẩm (Năm loại nước ép)
Nguyên liệu: nước ép của các loại lê, củ sen, cây mía, Mạch môn, Mã thầy.
Cách làm: Lấy năm loại nguyên liệu này với lượng đều nhau, ép từng loại thành nước uống.
Công dụng: Nhuận phổi trừ khô, hết ho, kiện tỳ vị.
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ