Đơn thuốc dưỡng phổi và tăng sức đề kháng cho cơ thể trong mùa Thu
Triệu chứng ho, cảm lạnh và trạng thái tinh thần sầu muộn khi chuyển mùa sang Thu có thể sẽ giảm bớt nếu chúng ta biết cách ngăn ngừa. Bạn hãy thử dùng các loại thực phẩm bổ phổi và tăng sức đề kháng cho cơ thể do thầy thuốc Trung y gợi ý sau đây.
Khi mùa Thu đến, thời tiết dần trở nên mát mẻ và khô hơn, nhiều người gặp phải các triệu chứng như ho, có đờm, viêm da cơ địa hoặc dị ứng mũi. Làm thế nào để có thể tận dụng những gì được gọi là “tiết khí” trong văn hóa Trung Hoa để duy trì sức khỏe tốt? Bác sĩ Quách Đại Duy, giám đốc Phòng khám Trung y Phù Nguyên, Đài Loan giới thiệu các phương pháp chăm sóc sức khỏe và công thức ăn kiêng cho sáu tiết khí của mùa Thu trong bài viết này.
Tiết khí là gì?
Trong văn hóa Trung Hoa, một năm có bốn mùa, mỗi mùa có sáu tiết khí, phản ánh sự thay đổi dần dần từ mùa này sang mùa khác cũng như sự thay đổi dần dần của khí hậu. Trung y cho rằng sinh lý và bệnh lý của cơ thể con người bị ảnh hưởng bởi tự nhiên. Nếu chúng ta sống hòa hợp với tự nhiên thì chúng ta sẽ có sức khỏe tốt.
Các căn bệnh thường gặp trong mùa Thu
Bác sĩ Quách cho biết, thời tiết khô hanh của mùa Thu là thuận lợi cho bệnh viêm da dị ứng và có thể gây ra các kích ứng, ho, có đờm, khô da, miệng, mũi, họng và các hiện tượng khô đặc trưng khác trong mùa.
Tình trạng khô hanh vào mùa Thu cũng dễ làm tổn thương phổi hơn. Vì vậy, làm ẩm phổi, tiêu đờm, dưỡng âm và dưỡng ẩm cho cơ thể trở thành trọng tâm hàng đầu của việc chăm sóc sức khỏe vào mùa Thu.
Cách tránh tổn thương phổi và dưỡng khí âm là uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng và tránh đổ mồ hôi quá nhiều vào buổi trưa.
Mùa Thu còn là mùa của trạng thái tinh thần đa cảm, u sầu. Bệnh nhân tâm thần hoặc phụ nữ mãn kinh thường sẽ có tâm trạng thất thường hơn vào mùa Thu, tỷ lệ bị bệnh cũng tăng cao, dễ gây ra các bệnh tim mạch. Vì vậy, mùa Thu là thời điểm bạn cần chú ý hơn trong việc phòng ngừa các bệnh về tim mạch.
Những bệnh nhân bị chứng lo âu và trầm cảm cũng dễ bị mất ngủ, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, gây cảm lạnh tái phát, rối loạn miễn dịch và làm tăng nguy cơ bị bệnh mụn rộp và vết loét lạnh.
Trung y cho rằng phổi là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể trước những mối nguy hiểm từ thế giới bên ngoài. Mùa Thu nên làm thế nào để dưỡng phổi, hết khô và bồi bổ cơ thể? Bác sĩ Quách giải thích cách duy trì sức khỏe thông qua sáu tiết khí mùa Thu.
Phương thức chăm sóc sức khỏe theo tiết khí của mùa Thu
Sáu tiết khí của mùa Thu bao gồm:
- Lập thu (Đầu Thu)
- Xử thử (Cuối hè)
- Bạch lộ (Sương trắng)
- Thu phân (Thu phân)
- Hàn lộ (Sương lạnh)
- Sương giáng (Hậu sương)
Vào tiết Lập thu, mặc dù mùa thu đã bắt đầu được cảm nhận đang đến nhưng cái nóng của mùa hè vẫn còn đọng lại. Lúc này chúng ta nên tránh ăn đồ cay vì đồ cay sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng của phổi. Vì mùa Thu cũng là mùa khô hanh nên có thể uống thêm mật ong để nhuận phổi, sơn trà giúp tiêu đờm, dưỡng phổi, và gạo nếp giúp lưu thông dịch trong cơ thể, bồi bổ dạ dày.
Vào tiết Xử thử, có nhiều hương vị mùa Thu hơn và cảm giác mát mẻ, khô ráo. Lúc này, có thể ăn thêm củ sen để thanh nhiệt phổi, ăn thêm mật ong để dưỡng phổi. Mật ong còn có thể dưỡng ẩm cho ruột và giảm táo bón. Uống nước lê có thể giảm ho, chất nhầy của nấm tuyết có tác dụng dưỡng ẩm cho da và phổi. Món súp nấm tuyết tráng miệng rất tốt để ngăn ngừa khô hanh vào mùa Thu.
Vào tiết Bạch lộ, chúng ta có thể trải nghiệm được sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nhất trong số các tiết khí của bốn mùa trong năm.
Các thầy thuốc Trung y thường kê một số loại thuốc vào thời điểm này để tăng cường thận khí cho trẻ em, điều hòa lá lách và dạ dày, giúp trẻ phát triển cao hơn và khỏe mạnh hơn. Bạn có thể thêm nấm tuyết, hạt sen, hoa Bách hợp, kỷ tử hoặc thậm chí củ cải trắng vào bữa ăn hàng ngày hoặc ăn nhiều các sản phẩm từ đậu nành, như đậu phụ. Calcium carbonate được thêm vào đậu hũ trong quá trình sản xuất sẽ giúp cải thiện tình trạng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.
Vào tiết Thu phân, thời tiết khô hanh của mùa Thu bắt đầu chuyển sang khô mát, cảm giác không khí se lạnh ngày càng mạnh. Công thức ăn uống bây giờ có thể được thay đổi, cần nhiều thực phẩm có tính ấm và ẩm hơn, như hạt vừng và óc chó. Ngoài ra, còn có táo, nho, mía cũng có tác dụng dưỡng ẩm cho phổi. Trong giai đoạn này, cơ thể dễ bị thiếu nước nên chúng ta cần uống nhiều nước hơn, tốt nhất là trên 2 lít (4.2 pint) mỗi ngày.
Vào tiết Hàn lộ, những người có xu hướng suy tư sẽ bắt đầu cảm thấy lo lắng, trầm cảm, thậm chí có thể gặp phải các vấn đề như mất ngủ. Những người này nên ra ngoài, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, tăng lượng endorphin thông qua tập thể dục và serotonin để nâng cao cảm giác khoan khoái. Đồng thời, nên ăn nhiều thực phẩm dồi dào tryptophan như các loại hạt và các sản phẩm từ sữa.
Tiết Sương giáng là thời điểm giao mùa giữa mùa Thu và mùa Đông, nhiệt độ thậm chí còn thấp hơn. Lúc này chúng ta dùng thêm một số thực phẩm bổ phổi và bổ âm như canh củ cải, canh khoai mỡ, nước củ sen, canh củ sen, hạt dẻ. Bạn cũng có thể ăn trái hồng, hoặc súp nấm tuyết và hạt sen, cháo kê, cháo lúa mạch và các món tráng miệng khác. Bạn cũng có thể thêm các dược liệu như lúa mạch, Xuyên bối mẫu, Bạch quả và Hạnh nhân vào súp. Những nguyên liệu này có tác dụng làm ẩm phổi, tiêu đờm, thông ruột và có tác dụng nhuận tràng nhẹ.
Ba phương diện cần chú trọng trong việc gìn giữ sức khỏe vào mùa Thu
Ngoài liệu pháp ăn uống thuận theo tiết khí kể trên, bác sĩ Quách khuyên bạn nên chú ý ba phương diện sau đây:
1. Bổ sung thêm dịch cho cơ thể và làm ẩm da khô
Chọn thực phẩm có màu trắng như khoai mỡ, hoa Bách hợp, củ cải trắng, trái lê, củ sen và Chi sa sâm – đây đều là những thực phẩm tốt để nuôi dưỡng và giữ ẩm cho phổi. Không nên ăn đồ cay, nướng, chiên, nguội hoặc sống như kim chi, dưa chuột muối, salad. Nếu buộc phải ăn, bạn có thể dùng kèm với các thực phẩm đã nấu chín như trứng muối hoặc trứng luộc để cân bằng giữa thực phẩm sống và lạnh.
2. Dưỡng âm và dưỡng ẩm cho da khô
Đi ngủ sớm, dậy sớm và học cách tập thở đúng cách. Hít vào bằng mũi, thở ra từ từ bằng miệng và thở ra cho đến hết. Điều này có thể ổn định các dây thần kinh giao cảm của chúng ta và cho phép các dây thần kinh đối giao cảm từ từ dâng lên, cho phép hệ thần kinh thực vật đạt được sự cân bằng âm dương.
3. Làm sạch ruột và làm ẩm ruột
Điều này có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch như huyết áp cao.
Xoa huyệt Nghinh hương (LI-20) hai bên mũi hoặc ấn huyệt Thiên chung (CV-17) giữa hai bầu ngực có thể ngăn ngừa các bệnh về phổi. Bấm vào huyệt Bách hội (GV-20) có thể giúp cải thiện khí. Khi thời tiết mát mẻ hơn, bạn cần dần dần mặc thêm quần áo để cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ thay đổi. Người bị ho có thể ăn thêm Xuyên bối mẫu, Hạnh nhân, vỏ quýt.
Người bị khô miệng, lưỡi có thể bổ sung các thành phần dưỡng âm, dưỡng ẩm cho vùng da khô như Chi sa sâm, Mạch môn, Thái tử sâm, lê, hạt dẻ nước. Những người hút thuốc thường có triệu chứng ứ máu như bệnh mạn tính sau khi bị cúm có thể thêm mía vào công thức ăn, một số loại như rễ cỏ Tranh và Địa hoàng thô, có tác dụng dưỡng âm và dưỡng ẩm cho da khô, là loại thuốc thảo dược giúp nhuận tràng.
Người bị bệnh huyết khối cần kích hoạt tuần hoàn máu và loại bỏ ứ máu. Có thể dùng thêm tam thất hoặc các loại thực phẩm thông thường như cà rốt, cà chua, bí ngô và các loại rau như rau bina, cải xoăn, hoặc gan động vật, sữa và lòng đỏ trứng. Những thực phẩm này đều có tác dụng dưỡng và làm ẩm phổi hiệu quả.
Về trà, bác sĩ Quách khuyên dùng kỷ tử, trà chà là đỏ và nước chanh mật ong. Khi bị cảm nóng, hãy cho một ít mật ong vào nước ấm, có thể làm ẩm phổi và tiêu đờm. Đối với trái cây, phenol polyme hóa tự nhiên có trong nho có thể ngăn ngừa cảm lạnh, và resveratrol có thể tăng khả năng chống oxy hóa và tăng khả năng miễn dịch.
Lưu ý: Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc nhưng thường có bán tại các cửa hàng thực phẩm sức khỏe và cửa hàng tạp hóa Á Châu.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times