Bánh mì nướng: Có hại cho sức khỏe nhiều hơn sự tiện lợi
Bánh mì không dễ tiêu hóa, ăn nhiều có thể gây hại cho cơ thể.
Bánh mì có rất nhiều dạng khác nhau như bánh quế, bánh kếp, bánh sừng bò hay lát (hoặc chồng) bánh mì nướng. Đây là món ăn tiện lợi đối với nhiều người bận rộn – nhưng theo một số chuyên gia, bánh mì không dễ tiêu hóa, và ăn quá nhiều có thể gây hại cho cơ thể.
Tiến sĩ Fukushima Masatsugu, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Nhật Bản, khẳng định trong cuốn sách “Không ăn bánh mì vào bữa sáng” rằng bánh mì tưởng chừng dễ tiêu hóa nhưng [thực tế] lại không tốt cho quá trình tiêu hóa tại dạ dày, ăn quá nhiều có thể gây hại cho cơ thể. Bánh mì có thể khiến mức đường máu tăng cao.
Hàm lượng carbohydrate cao có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ thần kinh tự chủ và gây ra “vòng luẩn quẩn carbohydrate,” dẫn đến béo phì.
Tiến sĩ Fukushima giải thích thêm:
Gluten trong bánh mì cản trở tiêu hóa và hấp thu, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh: Một tỷ lệ cao protein trong bột mì là protein gluten. Niêm mạc ruột non hấp thụ protein gluten mà không tiêu hóa hoàn toàn. Khi bám trên các nhung mao ruột non, chất nhớt này có thể gây gián đoạn quá trình tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất, dẫn đến đau dạ dày hoặc dị ứng.
Bánh mì nướng có thể gây ra nhiều loại bệnh tật: Khi nướng bánh mì ở nhiệt độ cao, đường và protein có thể kết hợp với nhau để tạo thành các sản phẩm glycat hóa bền vững có hại (AGE), làm hỏng protein trong cơ thể. AGEs được tìm thấy trong phần cháy nâu trên bề mặt của bánh mì nướng và bánh quế. AGEs gây ra các rủi ro chính bao gồm: biến chứng tiểu đường, các triệu chứng viêm ở mạch máu, thận, cơ và các cơ quan quan trọng khác.
Tương tự như vậy, thực phẩm nướng có thể gây ra các bệnh về tim và não. Khi tiếp tục tích tụ trong cơ thể. AGEs có thể dẫn đến béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, và ung thư.
Tiêu hóa không đầy đủ: Thức ăn vẫn còn trong dạ dày và ruột non từ sáu đến tám giờ. Nội soi dạ dày cho thấy thịt, vốn được cho là khó tiêu hóa, hầu như không còn trong dạ dày. Ngược lại, bánh mì, gạo, mì udon và các loại thực phẩm giàu carbohydrate khác là những thức ăn khó tiêu nhất và có thể gây ra gánh nặng cho cơ thể khi tích lũy.
Ăn quá nhiều carbohydrate khiến mức đường máu tăng cao: Bột được dùng để làm bánh có hàm lượng carbohydrate cao. Trong 100gr (hai lát) bánh mì trắng có 45gr carbohydrate. Để phản ứng với một bữa ăn nhiều carbs, cơ thể sẽ tiết ra cortisol và adrenaline làm tăng hấp thu đường [vào máu], đặc biệt là vào buổi sáng.
Ăn bánh mì vào bữa sáng có thể gây tăng đường máu nhanh chóng – sự biến động của mức đường máu có thể phá hủy mạch máu, dẫn đến các bệnh trầm trọng, chẳng hạn như xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, và đột quỵ.
Tiến sĩ Tai Ting-En, trưởng khoa tiết niệu của Bệnh viện trực thuộc Đại học Y khoa Đài Bắc, cho biết: “Ăn quá nhiều bánh mì sẽ khiến mức đường máu tăng mạnh. Cơ thể con người tiết ra cortisol và adrenaline vào buổi sáng làm tăng tỷ lệ hấp thụ đường. Vì vậy, ăn bánh mì vào buổi sáng sẽ khiến mức đường máu có sự dao động lớn trong vòng một đến hai giờ sau bữa ăn. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe.”
Điều đáng lo ngại hơn nữa là carbohydrate làm phá vỡ hệ thống thần kinh tự chủ. Các dây thần kinh giao cảm hoạt động mạnh vào ban ngày giúp lưu thông máu và ức chế tiêu hóa. Các dây thần kinh đối giao cảm, hoạt động mạnh vào ban đêm giúp cơ thể nghỉ ngơi và làm chậm nhịp tim, đồng thời kích thích tiêu hóa. Cả hai đều thuộc hệ thần kinh tự chủ.
Việc ăn quá nhiều đường ngay sau khi thức dậy sẽ gây rối loạn hệ thần kinh tự chủ, dẫn đến mất cân bằng sinh học. Tiến sĩ Tai nhắc nhở mọi người duy trì cách ăn uống cân bằng, điều độ và tránh ăn bánh mì nướng bị cháy.
Lựa chọn thay thế cho bánh mì
Một nhóm bác sĩ y khoa và chuyên gia dinh dưỡng ở Hoa Kỳ đã nghiên cứu tác động của AGEs đối với thực phẩm.
Nghiên cứu được công bố trên Tập san của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng và PubMed Central vào ngày 01/06/2010.Nghiên cứu kết luận rằng AGEs trong thực phẩm đại diện cho các hợp chất gây bệnh liên quan đến các bệnh kinh niên. Báo cáo lâm sàng tiết lộ rằng AGE hình thành nhiều hơn trong thực phẩm nướng, quay hoặc nấu ở nhiệt độ cao.
Bất kỳ thực phẩm chế biến sẵn hoặc các sản phẩm có chất béo toàn phần sẽ làm tăng mức độ AGEs trong cơ thể. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mọi người có thể giảm lượng chất AGEs hấp thụ bằng cách ăn thêm cá, ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, và trái cây.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, Tiến sĩ Tai cho biết: “Bệnh nhân nên tìm kiếm cách ăn uống cân bằng và bảo đảm dinh dưỡng hàng ngày.
Mặc dù thỉnh thoảng bạn vẫn có thể thưởng thức bánh mì, nhưng tôi khuyên bạn nên áp dụng cách ăn Địa Trung Hải. Bạn có thể thay thế bánh mì trắng bằng bánh mì nguyên hạt.
Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm các sản phẩm lúa mì nguyên hạt khác, rau, củ, quả tươi trong các bữa ăn hàng ngày. Cách ăn Địa Trung Hải lành mạnh hơn nhiều so với thực phẩm chứa nhiều dầu và sodium.”
Kim Khuê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times