Khuôn nướng bánh bằng silicone có an toàn không?
Khuôn nướng bánh bằng silicone mang lại sự dễ dàng và tiện lợi chưa từng có. Tuy nhiên, có vài điều cần lưu ý để tối ưu hóa tính an toàn khi sử dụng.
Ai có thể cưỡng lại vẻ đẹp của những chiếc khuôn silicone dễ thương để nướng bánh cupcake, bánh nhỏ, bánh rán và hầu như bất cứ thứ gì có thể tưởng tượng ra được? Với nhiều sắc màu tươi sáng và bắt mắt, những chiếc khuôn này đã khiến hàng chục ngàn khách hàng hạnh phúc và để lại những đánh giá tuyệt vời. “Khuôn silicone rất dễ sử dụng!” “Chúng có thể được chuyển từ tủ đông vào lò nướng!” “Chúng thực sự chống dính!” “Việc vệ sinh thật dễ dàng!” “Không còn phải cọ rửa các khay nướng kim loại nữa!”
Mặc dù tất cả những tuyên bố đó đều đúng, một số người đã đặt câu hỏi về mức độ an toàn thực sự của silicone khi dùng trong sản xuất thực phẩm. Liệu silicone có thải ra bất kỳ hóa chất nào vào thực phẩm không? Silicone có an toàn khi sử dụng ở nhiệt độ cao hay không? Silicone có chứa BPA không?
Cấu trúc của các sản phẩm silicone
Các sản phẩm silicone được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp bao gồm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, xây dựng và thường được xem là sản phẩm thay thế ưu việt hơn nhựa. Các sản phẩm silicone bền và linh hoạt hơn nhiều so với các sản phẩm nhựa tương đương, chịu nhiệt và lạnh rất tốt. Silicone dùng đựng thực phẩm cũng không chứa các hóa chất có hại như Bisphenol-A (BPA).
Silicone được làm bằng cách kết hợp silicon (nguyên tố phong phú thứ hai trong vỏ trái đất sau oxygen) với oxygen, hydrogen, carbon thông qua nhiều quá trình phức tạp, để hình thành một loại polymer tổng hợp giống như cao su. Silicone được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận lần đầu tiên vào năm 1977 là GRAS, tức là “được công nhận an toàn” để sử dụng khi tiếp xúc với thực phẩm.
Đã một thập niên trôi qua trước khi các sản phẩm dụng cụ nhà bếp bằng silicone đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Kể từ đó, các dụng cụ nhà bếp silicone, bao gồm cả khuôn nướng, dụng cụ, và nhiều hơn nữa, đã được sản xuất hàng loạt. Do sự xuất hiện khá phổ biến gần đây trong các nhà bếp gia đình và thương mại, đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về bất kỳ mối lo ngại nào liên quan đến sức khỏe lâu dài từ việc liên tục dùng các dụng cụ nhà bếp bằng silicone.
Cùng với FDA, Health Canada cũng đã công nhận silicone, tuyên bố rằng “không có nguy cơ sức khỏe nào được biết đến liên quan đến việc sử dụng dụng cụ nhà bếp bằng silicone. Cao su silicone không phản ứng với thực phẩm hoặc thức uống, hoặc tạo ra bất kỳ khói độc hại nào.” Silicone dùng đựng thực phẩm không độc hại, ổn định về mặt hóa học và không thải ra hóa chất vào thực phẩm, hoặc hấp thụ màu hoặc mùi.
Tuy nhiên, nghiên cứu sau đó đã đặt ra câu hỏi về tính an toàn và việc kiểm soát chất lượng. Kết quả cho thấy silicone không trơ, có thể vô tình thải ra ‘các thành phần hóa học’ vào trong bánh và các sản phẩm nướng khác mà người tiêu dùng không mong đợi cũng như không mong muốn.
Vấn đề về chất lượng
Do sự khác biệt trong công thức và quy trình sản xuất sản phẩm cao su silicone (SR), chất lượng của các sản phẩm SR có sẵn trên thị trường khác nhau rất nhiều, với các nguy cơ hóa học và sinh học tiềm ẩn. Các hóa chất dư thừa trong SR … là các hóa chất vô ý được thêm vào, có thể ngấm vào thực phẩm trong quá trình chế biến, vì vậy cần bảo đảm việc sử dụng SR an toàn.
Nhìn chung, silicone chất lượng cao (ở cấp độ dùng cho thực phẩm hoặc cao hơn) sẽ tinh khiết hơn, không chứa các “chất độn” hóa học thường được thêm vào các sản phẩm chất lượng thấp. Nếu bạn không chắc chắn về độ tinh khiết của dụng cụ nhà bếp silicone đang sử dụng? Million Marker, một tổ chức giáo dục công chúng về các độc tố môi trường, đề nghị sử dụng “thử nghiệm bóp.” Chỉ cần bóp và vặn một phần nhỏ cao su silicone. Nếu xuất hiện bất kỳ chỗ màu trắng nào, thì sản phẩm đó có chứa “chất độn” hóa học, vì silicone tinh khiết có màu đồng nhất.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times