Bác sĩ Trung y nói về nguyên nhân lây nhiễm và cách phòng ngừa bệnh viêm phổi đang bùng phát ở Trung Quốc
Gần đây, Trung Quốc đã bùng phát đợt viêm phổi ở trẻ em, thu hút sự quan tâm chú ý từ cộng đồng quốc tế. Ở một số thành phố lớn tại Hoa lục, do số lượng người chờ khám quá đông nên các bác sĩ phải làm việc với tình trạng quá tải. Một số người dân thậm chí còn gọi điện thoại nhờ bác sĩ, bằng hữu ở Hoa Kỳ hỗ trợ chẩn đoán và điều trị.
Bác sĩ Mã Quỳ (Ma Kui,), người sáng lập “Phòng khám Trung y Mã Thị” ở khu vực Vịnh San Francisco, Hoa Kỳ, nhận được cuộc điện thoại nhờ tư vấn từ bằng hữu ở Trung Quốc. Người nhà của người bạn này bị nhiễm virus cúm, đột ngột không thể đi lại, khiến gia đình rất lo lắng. Dựa vào miêu tả của họ, bác sĩ Mã suy đoán bệnh nhân này đã bị hội chứng Guillain-Barré (GBS, hay viêm đa dây thần kinh cấp tính) do virus cúm xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, bệnh nhân và gia đình không hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này và mức độ nghiêm trọng của nó. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị yếu cơ. Bác sĩ Mã nói cho người bạn này biết, mỗi ngày cần châm cứu hai lần, kết hợp với điều trị bằng thuốc Trung y.
Bác sĩ Mã nói: “Sốt cao xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, hiện nay Tây y không thể chữa khỏi, chỉ có thể áp dụng các biện pháp duy trì.” Ông cũng cho biết, trong Trung y gọi căn bệnh này là “chứng teo rút.” Một khi bị bệnh, toàn bộ cơ thể có thể bị teo rút; các loại virus cúm, mycoplasma v.v., đều có thể gây sốt cao.
Về đợt bùng phát lần này diễn ra ở Trung Quốc, có bác sĩ tại Bắc Kinh đã tiết lộ riêng với bệnh nhân rằng, đó là một biến thể của virus Corona mới (COVID-19), nhưng chính quyền không cho phép các bác sĩ nói ra điều này. Hơn nữa, bệnh cúm mùa cũng đang trong thời kỳ bùng phát nên mức độ lây nhiễm càng trầm trọng hơn.
Vì sao bệnh viêm phổi trẻ em lại lây truyền nhanh chóng?
Đối với tình trạng bùng phát bệnh viêm phổi trẻ em hiện nay tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc, bác sĩ Mã Quỳ cho biết, đây có thể là căn bệnh mà theo Trung y cho rằng là do “Dịch lệ chi khí” (khí bệnh dịch) gây ra. “Dịch lệ” chính là tên gọi của ôn dịch. Vì bệnh nhân và người thân của họ đến khám bệnh rất đông, lượng người tập trung quá đông, nên loại bệnh này thường sẽ lây lan rất nhanh.
Bác sĩ Mã nói, mặc dù hiện nay dường như đối tượng nhiễm bệnh đa số là trẻ em, nhưng sau một thời gian, những người lớn đưa con đi khám bệnh cũng sẽ bị nhiễm bệnh. Bác sĩ Mã ước tính sau khoảng một tháng nữa sẽ bước vào giai đoạn cao điểm người lớn bị nhiễm bệnh. Ông cũng cho biết loại bệnh viêm phổi này sẽ lây nhiễm mạnh nhất khi bệnh nhân sắp khỏi bệnh.
Các khu dân cư được xây dựng quá dày đặc sẽ thúc đẩy sự lây truyền của virus. Đồng thời, hệ thống điều hòa nhiệt độ ở các bệnh viện tại Trung Quốc cũng là một yếu tố khiến sự lây lan càng trầm trọng hơn. Bác sĩ Mã cho biết, khi bật máy điều hòa, cộng thêm hàng trăm, hàng ngàn người tập trung đông, thì chắc chắn sẽ dẫn đến dịch bệnh bùng phát. Ở Hoa Kỳ, các khu nhà ở thường có khoảng cách tương đối xa, điều này rất tốt.
Bác sĩ Mã cho rằng, biện pháp phòng ngừa chính là tránh xa nhóm người đang tập trung đông; nếu không thể tránh, phải giữ khoảng cách phù hợp với người xung quanh. Sau khi ra ngoài trở về nhà, cần lập tức rửa tay sát trùng, vì khi chạm tay vào các vật dụng ở bên ngoài sẽ có thể sẽ mang theo virus gây bệnh. Người bị nhiễm bệnh sau khoảng một tuần, virus trên cơ thể bắt đầu lây truyền, sẽ bước vào giai đoạn lây nhiễm, có tính lây nhiễm mạnh nhất. Lúc này, cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
Nói về hiện tượng toàn bộ bác sĩ, y tá ở một số bệnh viện đều bị nhiễm bệnh, bác sĩ Mã cho biết điều này có liên quan đến việc nhân viên y tế phải thường xuyên tiếp xúc đông người trong thời gian dài. Hơn nữa, số người nhiễm bệnh quá nhiều, công việc quá tải gây mệt mỏi, nên dễ bị nhiễm bệnh.
Về cách ăn uống và sinh hoạt thường ngày, bác sĩ Mã đề nghị hạn chế các loại thức ăn gây kích thích như đồ ăn cay, nhiều dầu mỡ, đồng thời dùng giấm xông khử trùng không gian sống. Tốt nhất nên chuẩn bị sẵn một ít loại thảo dược như bột Bản lam căn (cây Thanh đại, Tùng lam, tên khoa học Isatis indigotica Fort), thêm trái lê hoặc sơn tra rồi nấu chín giúp giảm mùi thuốc, sau đó cho trẻ em uống.
Trung y phòng ngừa và chữa trị bệnh viêm phổi như thế nào?
Theo hiểu biết của bác sĩ Mã Quỳ, hiện tại ở Trung Quốc thì Tây y chưa có phương pháp điều trị hiệu quả đối với căn bệnh này, thường chỉ áp dụng liệu pháp phụ trợ, kê đơn một số loại thuốc chống viêm, hạ sốt hoặc trị ho. Có một số bác sĩ Tây y còn kê đơn những loại thuốc mạnh nhất hoặc truyền thuốc kháng viêm, nhằm giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, cách này đôi khi sẽ gây tác dụng phụ.
Từ rất lâu trước đây, Trung y đã có một bộ phương pháp điều trị các chứng bệnh do “Dịch lệ chi khí” gây ra. Bác sĩ Mã cho biết, các bậc danh y truyền thống như Ngô Hữu Tính và Diệp Thiên Sĩ thời nhà Thanh đều có những lý luận phân tích về việc điều trị, đồng thời còn lưu lại đơn thuốc điều trị. Trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh COVID-19 mấy năm qua, phòng khám của bác sĩ Mã vẫn luôn mở cửa, và ông chưa từng bị nhiễm bệnh.
Bác sĩ Mã đã giới thiệu một số loại thuốc Trung y mà ông cho rằng rất hiệu quả. Trong đó bao gồm các loại thuốc kết hợp lại với nhau được gọi là “Lương khai tam bảo,” gồm An Cung Ngưu Hoàng Hoàn, Tử Tuyết Đan và Chí Bảo Đan, cùng với Tô Hợp Hương Hoàn.