5 cách quý vị có thể làm để giúp người cao tuổi cảm thấy bớt cô đơn
Kết quả nghiên cứu của Đại học Stanford được đăng tải trên tập san Aging cho thấy tình trạng cô đơn đã làm cho người ta già nhanh hơn cả hút thuốc.
Sự cô đơn, bất hạnh và vô vọng đã làm giảm 1 năm 8 tháng tuổi thọ – nhiều hơn 5 tháng khi so với việc hút thuốc.
Nghiên cứu gần đây của Phó Giáo sư Jenneke Foottit của trường Đại học Công giáo Úc châu đã xác nhận rằng đối với người cao tuổi thì quan hệ với bạn bè quan trọng hơn là quan hệ với gia đình. Tuy nhiên, đây cũng lại chính là những mối quan hệ dễ bị tác động nhiều nhất do tuổi tác.
Người cao tuổi thường có xu hướng mất liên lạc với bạn bè vì những trở ngại do các sự kiện trong cuộc sống và tuổi tác gây ra. Họ không thể lái xe, họ có các vấn đề về sức khỏe và khả năng vận động, những thay đổi về thể chất và suy giảm nhận thức. Tất cả đều là trở ngại lớn cho việc hòa nhập xã hội.
Khảo sát của bà Jenneke Foottit còn cho thấy người cao tuổi đến các trung tâm mua sắm không phải là để mua sắm mà là để tập thể dục và giao lưu, chẳng hạn như nói chuyện với các bà mẹ và con cái của họ.
Bà nói: “Đối với người cao tuổi thì sự duy trì kết nối xã hội có nghĩa là có thể tương tác với những người khác theo nhiều cách khác nhau, nhưng để sự tương tác đó trở nên có ý nghĩa thì tốt nhất là gặp mặt trực tiếp.”
Theo bà, cộng đồng nên có trách nhiệm xem xét về những vấn đề này, đồng thời tìm kiếm các phương thức và nguồn lực giúp người cao tuổi vừa duy trì được sự độc lập của bản thân nhưng lại vẫn có được sự kết nối xã hội với bạn bè và gia đình.
Bà nói thêm: “Những phương pháp này có thể bắt đầu từ những giải pháp thay thế nhỏ và tương đối ít tiền rồi mới tiến đến những sáng kiến cần có ngân sách lớn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu cộng đồng có thực sự đồng tâm trợ giúp người cao tuổi có được cuộc sống lão hóa khỏe mạnh hay không và duy trì được các phương thức hỗ trợ người cao tuổi càng lâu càng tốt hay không.”
Bà cho biết rằng chúng ta có thể thực hiện những cách sau để giúp người cao tuổi cảm thấy bớt bị cô lập về mặt xã hội.
Làm quen với những người cao tuổi cùng khu phố
Quý vị không cần phải đến tận nhà để thăm họ mà chỉ cần trò chuyện qua hàng rào là được, sau đó hai bên sẽ trao đổi số điện thoại và khuyến khích người bạn mới gọi cho bạn khi gặp vấn đề.
Nhận ra những dấu hiệu bất thường
Khi quý vị đã biết được thói quen của những người lớn tuổi cùng khu phố, đặc biệt là những người sống một mình, quý vị hãy xem xem có dấu hiệu gì cho thấy có điều gì đó không bình thường không – chẳng hạn như rèm cửa không được mở như bình thường, giấy tờ hoặc thư từ không được nhận và đồ giặt vẫn còn nguyên ở cửa hàng giặt đồ.
Trò chuyện với những người lớn tuổi hơn khi gặp ở cửa hàng, xe buýt hoặc công viên
Hỏi thăm về ngày hôm nay của họ. Có thể, với một số người cao tuổi, thì đó là lần tương tác duy nhất của họ trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Một số người cao tuổi đi mua sắm hàng ngày thường chỉ đơn giản là để nói chuyện với nhân viên cửa hàng.
Thông báo cho người lớn tuổi về các sự kiện cộng đồng
Quý vị có thể giúp họ duy trì kết nối với cộng đồng địa phương bằng cách thông báo về các buổi hòa nhạc ở trường, hoạt động cộng đồng và cơ hội tham dự.
Kiên nhẫn với người cao tuổi hơn
Họ cần nhiều thời gian hơn để đi bộ qua đường, đi đến chỗ đỗ ô tô của họ trong bãi đậu xe và chọn đồ mua sắm. Một số người cao tuổi có thể khó tính, nhưng họ cũng là những người dễ bị tổn thương. Do đó, mọi người nên bao dung hơn và có những hành vi ứng xử tôn trọng người cao tuổi.
Người cao tuổi sống tại Úc có thể tham gia chương trình dành cho người cao tuổi của Bộ Dịch vụ Xã hội để giúp giảm bớt tình trạng cô đơn và cô lập xã hội của người già.
Nam Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bài gốc tại The Epoch Times