4 loại cháo giúp thanh nhiệt, bồi bổ thể lực trong mùa hè

Mùa hè là chỉ thời gian từ tiết Lập hạ đến trước tiết Lập thu, tức bao gồm sáu tiết khí “Lập hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử.”

“Trưởng” (lớn lên) của mùa hè là cơ sở để “thu” (thâu vào) của mùa thu. Nếu sức khỏe không được duy trì tốt vào mùa hè, khí “trưởng” không đủ, năng lực cung cấp cho mùa thu sẽ kém. Lúc này sẽ phát sinh các bệnh như sốt rét. Đến ngày đông chí, tình trạng có thể trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, chúng ta phải chú ý giữ gìn sức khỏe trong mùa hè.

Mùa hè ngoài nóng trong lạnh, ăn uống cần chú ý điều gì?

Mùa hè thuộc về tính hỏa, tượng trưng cho sự tăng trưởng và nuôi dưỡng. Vào mùa hè, tâm khí mạnh mẽ, tâm sinh hỏa, thuộc vị đắng. Có thể dùng nhiều thực phẩm có vị đắng như mướp đắng, trà xanh, giúp giảm tình trạng hỏa tâm quá thịnh mà khắc kim phổi.

Vào mùa hè, chức năng tiêu hóa của cơ thể suy giảm, thận khí tương đối không đủ do dư thừa nhiệt dương bên ngoài và âm ẩn nấp bên trong. Con người và môi trường tự nhiên đều xuất hiện hiện tượng “ngoài nóng trong lạnh.”

Sách “Dưỡng sinh kính” ghi chép rằng “tâm mạnh thận yếu” nghĩa là dương mạnh âm yếu. Trong phương pháp cân bằng âm dương cho cơ thể vào mùa hè, người xưa chủ trương dùng thức ăn có tính ấm để hỗ trợ khí dương, ở một mình để điều dưỡng, bảo vệ dịch âm.

Sách “Di thân tập” và “Dưỡng sinh thư” đề cập rằng, bữa ăn vào mùa hè không nên quá lạnh. Dùng quá nhiều thức uống lạnh sẽ dễ tổn thương lá lách và dạ dày, gây nôn mửa và tiêu chảy. Không nên ăn quá nhiều thức ăn béo, ngọt, đậm hương vị, nên ăn thức ăn nhẹ và dễ tiêu.

Mùa hè nóng nực ăn cháo vừa mát vừa bổ dưỡng

Cái nóng của mùa hè khiến lỗ chân lông trong cơ thể mở ra, dễ đổ mồ hôi và làm cạn kiệt dịch âm trong cơ thể. Vì vậy, ăn nhiều cháo là cách quan trọng để bổ sung chất lỏng cho cơ thể trong mùa hè. Ví dụ như bữa sáng và bữa tối uống cháo, bữa trưa uống canh, không chỉ có tác dụng sinh dịch giải khát, giải nhiệt mà còn có thể bồi bổ cơ thể.

Dưới đây là 4 món cháo thích hợp ăn vào mùa hè:

Cháo đậu xanh: Có tác dụng thanh nhiệt, bổ tỳ, giải độc. Thích hợp cho người bệnh tiểu đường, khát nước, say nắng, nhọt ngoài da và các bệnh khác.

Cháo đậu ván: Có tác dụng bổ tỳ hóa ẩm, giải nhiệt, giảm tiêu chảy. MÓn cháo này không chỉ có thể ngăn ngừa say nắng mà còn có thể điều trị nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn và các triệu chứng khác do say nắng. (Lưu ý: Khi ăn đậu ván, hãy nhớ nấu chín hoàn toàn, vì đậu ván chưa nấu chín dễ gây ra phản ứng ngộ độc như đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, tim đập nhanh, v.v.)

Cháo mướp: Có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, mát máu và giải độc. Món cháo này có tác dụng phòng ngừa và điều trị tốt các bệnh sốt, khó chịu khát nước, thở khò khè và ho có đờm màu vàng, mụn nhọt, và các bệnh khác.

Cháo lá sen: Có tác dụng thanh nhiệt, giải nhiệt, mát máu và cầm máu. Nó có thể ngăn ngừa và điều trị chóng mặt, buồn nôn, chướng bụng, phân lỏng, ăn không ngon, nôn ra máu, chảy máu mũi và các triệu chứng khác do say nắng vào mùa hè.

Ngủ một chút vào buổi trưa, tận dụng cơ hội để phục hồi tâm khí

Vào buổi trưa mùa hè, khi tâm khí đương thịnh, chợp mắt trong giờ nghỉ trưa là cách đơn giản và dễ dàng để điều hòa tâm khí. Những người có bệnh tim càng nên chú ý đến việc ngủ trưa.

Vì nắng nóng dễ làm đổ mồ hôi, mà “mồ hôi là dịch của tim,” vậy nên khí trong tim dễ bị cạn kiệt nhất vào mùa hè. Khi khí trong tim cạn kiệt sẽ không làm chủ được tinh thần, con người dễ trở nên buồn ngủ, hôn mê. Vì vậy, những người có bệnh tim mạch dễ bị thiếu năng lượng trong những ngày hè nóng nực, gây ra tình trạng hồi hộp, tức ngực, đổ mồ hôi, chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ. Lúc này, việc quan trọng nhất là phục hồi tinh thần.

Ví dụ, trong cuốn “Dưỡng sinh luận” của Kê Khang nói rằng: “Mùa hè nóng nực, nên điều tức tĩnh tâm, giống như việc có băng và tuyết ở trong tim thì hơi nóng sẽ giảm bớt. Không nên nóng nảy, vì lúc đó độ nóng sẽ tăng cao hơn.”

Bình thường cần nhớ giữ tâm bình khí hòa, tĩnh tâm điều tức, từ từ đạt đến trạng thái tâm tĩnh tự nhiên lạnh, để tránh khiến khí trong tim bị cạn kiệt thêm.

Đối với những người tâm hỏa quá vượng, thanh nhiệt bộ não có thể giúp ngủ ngon

Những người mất ngủ phần lớn là do dương không thể trở về âm. Những người thường có tâm hỏa quá thịnh (ví dụ như những người suy nghĩ nhiều và cáu kỉnh) dễ khiến dương khí bộc phát lên, khó đưa khí tiến nhập vào âm phần, dẫn đến mất ngủ. Lúc này, có thể dùng những chất liệu có tính chất mát và đẩy lùi hỏa như “vỏ khổ kiều mạch, vỏ đậu đen, vỏ đậu xanh, hoa cúc, quyết minh tử” làm gối để thanh nhiệt não. Sử dụng lâu dài có thể tăng cường trí não, cải thiện thị lực và thúc đẩy giấc ngủ.

Ngoài ra, cũng có thể há miệng thở ra “a” để xua tan tâm hỏa, khiến nó thông suốt, như vậy cơ thể sẽ có thể khỏe mạnh.

Ngô Đạo Trung thực hiện

Toàn Phong biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn