4 cách ăn uống giúp bệnh nhân bệnh thận tránh phải lọc máu sớm
Điều chỉnh lượng protein, calorie, nước và muối là những chiến lược điều trị chính cho những người có biến chứng thận.
Một vấn đề thường gặp ở bệnh nhân bệnh thận là mất cân bằng nước, potassium, sodium, calcium và các chất điện giải khác, cũng như rối loạn chuyển hóa protein, chất béo và đường. Đây cũng là những vấn đề đặc biệt trầm trọng ở bệnh nhân suy thận mạn tính.
Vì vậy, chiến lược điều trị cơ bản nhất là điều chỉnh những mất cân bằng và rối loạn này, trong đó việc kiểm soát protein, hàm lượng calorie, nước và muối là quan trọng nhất.
Ví dụ, những người có protein niệu hoặc có tiểu máu nhưng chức năng thận bình thường có thể ăn uống bình thường hoặc chỉ cần giảm lượng protein và muối. Những người bị phù và cao huyết áp nên hạn chế nghiêm ngặt lượng nước và muối (2g đến 3g) mỗi ngày. Nếu bệnh nhân có kèm theo suy tim hoặc tăng huyết áp nặng có thể cần phải giảm lượng muối hơn nữa hoặc thậm chí là không ăn muối.
1. Kiểm soát lượng calorie
Lượng calorie nạp vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tổng hợp protein. Do đó, những bệnh nhân ăn ít protein kéo dài phải tiêu thụ đủ lượng calorie mỗi ngày. Bệnh nhân suy thận mạn tính nên ăn từ 30 đến 40 calorie/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày, chủ yếu là carbohydrate. Những bệnh nhân này có thể chọn khoai tây, khoai lang, miến, bột củ sen, khoai mỡ, khoai môn, bún và bí ngô vì có hàm lượng protein thấp và nhiều calorie.
2. Kiểm soát lượng đạm
Ăn quá ít hoặc quá nhiều chất đạm đều không tốt cho thận. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng những bệnh nhân suy thận giai đoạn đầu tiêu thụ từ 1.1 ounce đến 2.5 ounce (từ 30 đến 70g) protein mỗi ngày sẽ duy trì được tình trạng bệnh tương đối ổn định và chỉ cần điều trị lọc máu sau trung bình 7.6 năm. Những bệnh nhân không hạn chế lượng protein ăn vào cần phải lọc máu sau trung bình chỉ 16 tháng.
Thời điểm cần hạn chế protein
Bệnh nhân suy thận mạn tính phải bắt đầu thực hiện phương thức ăn ít protein ngay khi mới bị suy thận. Tuy nhiên, nhiều người thường khó chấp thuận, không thể kiên trì liên tục, và dễ bị suy dinh dưỡng. Một số bệnh nhân có chức năng thận bình thường nhưng bị bệnh cầu thận cũng nên kiểm soát lượng protein nạp vào trong giai đoạn bệnh tiến triển.
Chọn protein chất lượng cao
Nên chọn loại protein chất lượng cao, tức là thực phẩm có hàm lượng acid amin thiết yếu cao, chủ yếu là protein động vật như lòng trắng trứng, sữa, cá và thịt nạc.
Những thực phẩm này nên chia đều cho ba bữa thay vì ăn hết trong một bữa để hiệu quả hấp thu cao.
Những người không nên hạn chế protein
- Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có triệu chứng rõ ràng về đường tiêu hóa, viêm màng ngoài tim hoặc bệnh lý thần kinh ngoại biên
- Bệnh nhân có tình trạng dinh dưỡng kém, người quá già, bị bệnh mạn tính hoặc nhiễm trùng (chẳng hạn như bệnh lao)
- Bệnh nhân có protein niệu nhiều hoặc có triệu chứng giữ nước và sodium nặng.
3. Kiểm soát lượng muối
Lượng muối ăn vào cần được điều chỉnh phù hợp tùy theo thể trạng và chức năng thận của người bệnh. Không phải bệnh nhân suy thận mạn tính nào cũng cần hạn chế muối một cách nghiêm ngặt. Nói chung, lượng muối ăn vào của bệnh nhân suy thận mạn tính nên ít hơn 5g mỗi ngày.
4. Kiểm soát lượng nước
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.