Hướng dẫn chăm sóc thận toàn diện: 4 phương pháp dưỡng thận cổ xưa
Bệnh thận là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống khác nhau trong cơ thể. Dấu hiệu cảnh báo bệnh thận là gì? Những điều nào gây hại cho thận? Làm sao để ngăn ngừa và cải thiện sức khỏe của thận thông qua ăn uống và xoa bóp? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn kiến thức và lời khuyên từ cả quan điểm của Trung y và Tây y.
9 dấu hiệu của bệnh thận
Hơn 35 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ, chiếm 14% dân số, bị ảnh hưởng bởi bệnh thận kinh niên (chronic kidney disease – CKD). Tuy nhiên, hơn 90% trong số đó chỉ bị bệnh ở mức độ nhẹ và bản thân họ không nhận biết được tình trạng của mình, ngay cả khi quả thận chỉ còn một nửa chức năng. Thận đóng vai trò quan trọng trong việc thải độc cơ thể, vậy làm thế nào để xác định các vấn đề tiềm ẩn của thận? Nếu gặp các triệu chứng dưới đây, mọi người cần đặc biệt lưu ý:
- Mệt mỏi: gồm mệt mỏi, suy nhược và chán ăn.
- Phù: Hiện tượng cơ thể sưng và tích nước, hay gặp ở mí mắt và mắt cá chân, có thể kèm theo tăng cân.
- Cao huyết áp: Tổn thương thận thường dẫn đến cao huyết áp. Người bị bệnh thận nên theo dõi huyết áp thường xuyên.
- Thiếu máu: Thận giảm tiết erythropoietin (EPO) có thể dẫn đến thiếu máu.
- Giảm lượng nước tiểu: Thiểu niệu được định nghĩa là lượng nước tiểu hàng ngày dưới 13.5 ounce (400ml), trong khi vô niệu được định nghĩa là dưới 3.4 ounce (100ml). Tình trạng này cho thấy thận không thể bài tiết chất thải chuyển hóa hiệu quả, từ đó phá vỡ cân bằng nội môi.
- Tiểu máu: Nước tiểu có màu đỏ hoặc chứa máu – tiểu máu – là dấu hiệu sớm của bệnh thận. Cần có sự chăm sóc y tế kịp thời để xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp thích hợp.
- Tiểu bọt: Tiểu ra bọt, hay tiểu đạm, cho thấy nước tiểu chứa lượng lớn protein. Đây là dấu hiệu cảnh báo chó thấy chức năng thận có vấn đề. Nếu bong bóng tồn tại trong 10 phút và có chất nhớt sau khi xả bồn cầu, đó có thể là dấu hiệu của protein niệu.
- Ngứa da: Trong giai đoạn nặng của bệnh thận, việc không thể loại bỏ độc tố trong nước tiểu có thể dẫn đến ngứa hoặc sạm da.
- Khó thở: Người bị bệnh thận giai đoạn nặng có thể gặp các triệu chứng như phù phổi và rối loạn nhịp tim, dẫn đến khó thở.
Chức năng cơ bản của thận
Thận là cơ quan thải độc quan trọng, với đơn vị chức năng cơ bản là nephron. Mỗi quả thận gồm khoảng 1 triệu nephron, được chia thành các tiểu thể thận và ống thận. Sau đây là các chức năng của thận:
- Lọc máu: Thông thường, máu đi vào tiểu thể thận để được lọc bỏ chất độc. Sau đó, máu được lọc sẽ di chuyển đến ống thận, nơi xảy ra quá trình tái hấp thu (thu hồi các thành phần thiết yếu như nước và glucose) và bài tiết (bài tiết các chất thải từ máu vào ống thận). Dịch còn lại trở thành nước tiểu, sau đó được thải ra ngoài.
- Điều hòa huyết áp, chất điện giải và cân bằng acid-base: Thận cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp, cân bằng điện giải và acid-base trong máu, cũng như kiểm soát lượng dịch bên trong cơ thể. Hàng ngày, thận có thể lọc khoảng 47.5-52.8 gallon (180-200l) dịch, phần lớn sẽ được tái hấp thu. Chỉ còn khoảng 33.8-67.6 ounce dịch (1-2l) tạo thành nước tiểu và thải ra ngoài.
- Bài tiết vitamin D hoạt tính và hormone: Thận cũng tiết ra một dạng vitamin D hoạt động giúp duy trì cân bằng calcium trong xương. Ngoài ra, thận còn sản xuất EPO, một loại hormone kích thích tủy xương tạo ra hồng cầu.
Tại sao tổn thương thận giai đoạn đầu lại khó phát hiện?
Bệnh thận kinh niên là tình trạng thận bị tổn thương trong hơn ba tháng, dẫn đến không thể khôi phục cấu trúc hoặc chức năng về mức bình thường. Tuy nhiên, việc nhận biết giai đoạn đầu của bệnh thường rất khó khăn. Điều này chủ yếu là do gần như mọi cơ quan đều có “ngưỡng an toàn,” còn được gọi là “dung lượng dự trữ.”
Ví dụ, gan chỉ cần 25-30% chức năng để duy trì hoạt động bình thường. Điều này có nghĩa là, miễn là tổn thương gan ở mức dưới 70%, một cá nhân có thể sống trọn vẹn cho đến khi đạt được tuổi thọ tự nhiên.
Phổi cũng hoạt động bình thường chỉ với 50% chức năng. Những bệnh nhân trải qua phẫu thuật và cắt bỏ một lá phổi vẫn có thể sống khỏe mạnh.
Tương tự, thận hoạt động bình thường chỉ với 50% chức năng. Điều này giải thích tại sao nhiều người không biểu hiện các triệu chứng đáng chú ý ngay cả khi chức năng thận giảm xuống còn 50%. Tuy nhiên, khi chức năng giảm còn dưới 20%, các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bắt đầu phát sinh và khả năng sống sót khi chức năng thận dưới 15% trở nên khó khăn trừ khi áp dụng các giải pháp can thiệp như lọc máu hoặc ghép thận.
Các giai đoạn của bệnh thận
Trong y học, chức năng thận được đánh giá bằng độ lọc cầu thận (GFR), đo mức lọc của cả hai thận trong một đơn vị thời gian nhất định. Phạm vi GFR bình thường là 100-120ml/phút/1.73m². Dựa vào mức độ nghiêm trọng, bệnh thận được chia thành 5 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (GFR >90): Chức năng thận ở mức bình thường nhưng có thể kèm theo protein niệu, tiểu máu, v.v…
- Giai đoạn 2 (GFR 60-90): Bệnh thận kinh niên mức độ nhẹ, có thể kèm theo protein niệu, tiểu máu, v.v… Chức năng thận thường trên 60%. Cần theo dõi chức năng thận, đặc biệt là ở bệnh nhân tiểu đường và cao huyết áp, và kiểm tra thường xuyên sáu tháng một lần.
- Giai đoạn 3 (GFR 30-60): Tổn thương thận kinh niên mức độ vừa.
- Giai đoạn 4 (GFR 15-30): Tổn thương thận kinh niên mức độ nặng. Chức năng thận chỉ còn khoảng 15-60% so với bình thường. Điều trị tích cực là cần thiết để làm chậm quá trình suy giảm.
- Giai đoạn 5 (GFR <15): Bệnh thận giai đoạn cuối. Chức năng thận giảm xuống còn khoảng 15% hoặc thấp hơn so với người bình thường. Chạy thận hoặc ghép thận là điều cần thiết ở giai đoạn này.
Hướng dẫn ăn uống cho từng giai đoạn của bệnh
Sau đây là những hướng dẫn ăn uống tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh thận:
- Giai đoạn 1 và 2: Nếu chức năng thận trên 60%, nên thực hiện cách ăn uống dành cho bệnh nhân tiểu đường.
- Giai đoạn 3, 4 và 5: Nếu chức năng thận dưới 59%, nên hạn chế lượng phosphorus, potassium và protein. Những thực phẩm cần tránh là chuối, kiwi, khế, bánh mì, bánh ngọt, các loại hạt, các loại đậu, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, đồ uống thể thao, nội tạng động vật và nước dùng lẩu.
- Người đang chạy thận nhân tạo: Hạn chế tiêu thụ phosphorus và potassium trong khi vẫn duy trì lượng protein bình thường.
7 yếu tố chính dẫn đến tổn thương thận
Khi thận không thể duy trì đầy đủ chức năng do bị bệnh hoặc tổn thương, chất thải, chất độc và dịch dư thừa có thể tích tụ trong máu. Sự suy giảm từ từ chức năng thận cuối cùng dẫn đến nhu cầu lọc máu. Các yếu tố sau có thể gây hại cho thận:
1. Bệnh tiểu đường: Là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh thận giai đoạn cuối trên toàn cầu. Kiểm soát lượng đường trong máu kém có thể dẫn đến bệnh thận do tiểu đường, cuối cùng khiến người bệnh phải lọc máu.
2. Cao huyết áp: Các mạch máu nhỏ ở thận bị tổn thương làm giảm khả năng lọc chất độc ra khỏi máu.
3. Bệnh thận: Gồm viêm thận kinh niên (viêm cầu thận), sỏi thận và bệnh thận đa nang. Nếu không được điều trị, sỏi thận sẽ khiến thận bị giãn rộng theo thời gian. Bệnh thận đa nang, một chứng rối loạn di truyền, khiến hơn một nửa bệnh nhân có nguy cơ chạy thận nhân tạo sau 60 tuổi.
4. Gout: Acid uric trong máu tăng cao, thường liên quan đến bệnh gout, dẫn đến lắng đọng các tinh thể acid uric trong khớp và gây viêm. Khi những tinh thể này lắng đọng trong thận, chúng có thể gây hại cho các cơ quan.
5. Lạm dụng dược phẩm: Lạm dụng các thuốc gây độc cho thận, đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid (NSAID), có thể làm tổn thương thận. Việc dùng quá nhiều NSAID ở bệnh nhân tiểu đường hoặc người có bệnh về thận có thể đẩy nhanh quá trình suy thận.
6. Ăn quá nhiều phosphorus: Mặc dù phosphorus là một chất phụ gia thực phẩm hợp pháp, nhưng việc tiêu thụ quá nhiều có thể phá vỡ sự điều hòa hormone của phosphorus, calcium và vitamin D. Sự gián đoạn này dẫn đến rối loạn chuyển hóa khoáng chất, vôi hóa mạch máu và tổn thương ống thận, làm suy giảm chức năng thận.
7. Tiếp xúc với kim loại nặng và hóa chất độc hại: Tiếp xúc với kim loại nặng độc hại, chẳng hạn như cadmium, thủy ngân và chì, có thể gây hại cho thận vì những chất này có xu hướng tích tụ trong các cơ quan và không dễ để đào thải qua nước tiểu.
Chất độc và kim loại nặng
Thuốc lá chứa nhiều các kim loại nặng như cadmium và chì, có thể gây hại cho ống thận. Nicotine, với đặc tính co mạch, làm tăng huyết áp và giảm lưu lượng máu đến thận, do đó làm giảm mức lọc cầu thận. Các nghiên cứu cho thấy người vừa hút thuốc vừa uống rượu có nguy cơ bị bệnh thận kinh niên cao gấp 5 lần so với dân số nói chung.
Melamine, một chất được dùng rộng rãi trong các sản phẩm nhựa chịu nhiệt và đồ dùng nhà bếp, là chất gây độc cho thận. Mặc dù phần lớn được đào thải qua nước tiểu sau khi vào cơ thể nhưng melamine có thể làm tổn thương ống thận, tăng nguy cơ hình thành sỏi và tổn thương thận sớm, thậm chí dẫn đến suy thận. Vì vậy, không nên dùng bộ đồ ăn có chứa melamine để phục vụ đồ nóng.
3 loại thực phẩm giúp ích cho thận
Các loại thực phẩm sau đây có thể giúp nâng cao sức khỏe của thận:
- Chất béo lành mạnh: Chất béo tốt cho sức khỏe có thể góp phần sửa chữa các tiểu cầu thận. Ví dụ: dầu cá, dầu ô liu và dầu hoa trà. Khi bổ sung dầu cá, nên chọn những loại cá nhỏ như cá mòi. Điều này là do các loại cá lớn có thể chứa kim loại nặng gây hại cho thận.
- Protein chất lượng cao: Gồm cá (hải sản), thịt (thịt lợn, thịt gà), trứng, sữa và các loại đậu (đậu phụ, sữa đậu nành).
- Ít protein, nhiều chất xơ: Cách ăn uống dồi dào chất xơ giúp giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường và tăng đào thải độc tố hòa tan trong chất béo ra khỏi cơ thể.
3 phương pháp thải độc áp dụng cho bệnh thận kinh niên
Các phương pháp sau đây có thể giúp cơ thể thải độc và chống lại bệnh thận:
- Bổ sung nước: Nên uống nhiều nước mỗi ngày, lý tưởng nhất là khoảng 3-4% trọng lượng cơ thể. Một người nặng 132 pound (60kg) cần tiêu thụ khoảng 61-81 ounce (1,800-2,400ml) nước hàng ngày. Nghiên cứu cho thấy tăng lượng nước tiêu thụ có thể giúp bảo vệ thận ở những người có bệnh thận kinh niên hoặc có nguy cơ bị bệnh. Bổ sung nước đầy đủ cũng ngăn ngừa sỏi thận và làm chậm sự phát triển của u nang thận ở bệnh nhân bị bệnh thận đa nang.
- Tập thể dục và đổ mồ hôi: Tham gia vào các hoạt động thể lực có ra mồ hôi giúp loại bỏ độc tố qua da.
- Thải độc đường ruột: Điều này có thể đạt được bằng cách dùng than hoạt tính và kết hợp các giải pháp ăn kiêng như bổ sung chất xơ và tiêu thụ men vi sinh.
4 phương pháp Trung y giúp dưỡng thận
Trung y giải quyết vấn đề về thận bằng bốn phương pháp sau.
1. Nuốt nước bọt
Nước bọt từ xa xưa đã được coi là “Kim tân ngọc dịch.” Trong dịch cơ thể, nước bọt có liên quan đến thận. Nuốt nước bọt được cho là có tác dụng dưỡng thận tinh – là những chất thiết yếu và năng lượng lưu trữ trong thận.
Dưới đây là hai phương pháp đơn giản để tạo nước bọt:
1. Ấn lưỡi vào vòm miệng trong vài phút sau khi thức dậy
Ngồi trên giường vào buổi sáng và ấn lưỡi vào vòm miệng trong vài phút. Khi miệng đã đầy nước bọt, thực hiện động tác súc miệng rồi từ từ nuốt nước bọt.
2. Nhai từng miếng thức ăn 30-50 lần trong mỗi bữa
Nhai chậm và kỹ khi ăn. Nên nhai từng cụm thức ăn ít nhất 30 lần trước khi nuốt. Điều này giúp đẩy mạnh quá trình tiêu hóa và dưỡng thận tinh.
2. Thực hành phương pháp thở bụng
Trong Trung y, người ta tin rằng thận chi phối quá trình đồng hóa khí. Điều này đề cập đến vai trò của thận trong việc hấp thụ khí tự nhiên và trong lành từ phổi. Thận cũng giúp duy trì độ sâu của hơi thở và ngăn ngừa tình trạng thở nông.
Theo học thuyết về cơ quan của Trung y, thận không chỉ đơn thuần là cơ quan giải phẫu mà còn là trung tâm của hệ thống năng lượng. Năng lượng của thận chảy qua một kinh trong cơ thể gọi là “Túc Thiếu Âm Thận kinh” hay kinh thận.
Kinh thận đi thẳng từ thận, qua gan và cơ hoành, vào phổi, chạy dọc theo cổ họng và đến hai bên gốc lưỡi. Vì vậy, thực hành phương pháp thở bụng giúp khí ở phổi từ trên xuống dưới dễ dàng đi xuống và dưỡng thận khí. Điều này phù hợp với học thuyết Ngũ hành của Trung y liên kết phế (kim) với thận (thủy).
Trong các học thuyết Trung Hoa, thuyết Ngũ hành cho rằng cơ thể con người và các nguyên tố tự nhiên đều có đặc tính “kim, mộc, thủy, hỏa, thổ,” có sự tương sinh tương khắc lẫn nhau. Theo quan sát và hiểu biết của Trung y về đặc tính của Ngũ hành, mỗi cơ quan gắn liền với một nguyên tố cụ thể: tâm thuộc hỏa, phế thuộc kim, can thuộc mộc, tỳ thuộc thổ và thận thuộc thủy.
Các bước thực hiện phương pháp thở bụng như sau:
- Bước 1: Hít thở sâu và chậm.
- Bước 2: Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng.
- Bước 3: Duy trì chu kỳ thở khoảng 15 giây: Hít vào sâu (mở rộng bụng) trong 3-5 giây, giữ trong 1 giây; sau đó thở ra từ từ (co bụng) trong 3-5 giây và giữ trong 1 giây.
- Bước 4: Thực hành 5-15 phút mỗi buổi, dần dần tăng lên 30 phút.
- Bước 5: Với người khỏe mạnh, nên kéo dài thời gian nín thở và cố gắng khiến nhịp thở chậm lại và sâu hơn. Việc nín thở có thể bỏ qua với những người gặp vấn đề sức khỏe nhưng phải bảo đảm hít vào và thở ra hoàn toàn. Thực hành một hoặc hai lần mỗi ngày. Nếu trong quá trình thở có tiết nước bọt, hãy từ từ nuốt vào để dưỡng thận tinh.
3. Bấm huyệt Dũng tuyền
Huyệt Dũng tuyền (KI1) ở lòng bàn chân là huyệt quan trọng dọc theo kinh thận. Xoa bóp thường xuyên huyệt này có thể dưỡng thận khí và nâng cao chức năng thận.
Hướng dẫn: Một tay giữ một chân, dùng tay kia xoa, bấm huyệt Dũng tuyền, tạo độ ấm ở lòng bàn chân. Nhẹ nhàng di chuyển các ngón chân, nghỉ ngơi nếu cảm thấy mệt. Việc xoa bóp có thể thực hiện nhiều lần trong ngày và tăng số lần bất cứ khi nào có thời gian.
4. Bấm huyệt Thận du
Huyệt Thận du (BL 23) nằm ở vùng cột sống, bên dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng thứ hai, cách đường giữa khoảng 1.5 inch (rộng bằng hai ngón tay khi khép lại với nhau).
Huyệt Thận du điều trị các vấn đề liên quan đến tai và thận, thường được áp dụng cho:
- Ù tai.
- Điếc.
- Đau lưng dưới.
- Chân lạnh.
- Tiểu không tự chủ vào ban đêm.
- Đi tiểu thường xuyên.
- Tiểu đêm.
- Liệt dương.
- Xuất tinh sớm.
- Kinh nguyệt không đều.
- Dịch tiết âm đạo bất thường.
- Vô sinh.
Hướng dẫn: Đặt hai lòng bàn tay lên huyệt Thận du ở mỗi bên của phần lưng dưới và xoa lên xuống 36 lần. Có thể thực hiện nhiều lần trong ngày.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times