4 thói quen xấu gây hại thận, bấm huyệt để bảo vệ thận
Mặc dù bệnh thận phổ biến ở Hoa Kỳ nhưng có tới 90% người trưởng thành bị bệnh thận mạn tính không biết về tình trạng bệnh của mình.
Thận là cơ quan quan trọng chịu trách nhiệm loại bỏ chất thải và độc tố khỏi cơ thể. Chức năng thận dần dần suy giảm có thể dẫn đến suy thận và các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như đột quỵ hoặc đau tim. Vì vậy, cần phải thay đổi những thói quen xấu hàng ngày gây hại cho thận, đồng thời, bấm huyệt có thể giúp bảo vệ và tăng chức năng thận.
Theo số liệu của Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health), hơn 1/7 người Mỹ trưởng thành bị bệnh thận mạn tính, gần 1/3 số bệnh nhân tiểu đường và 1/5 số bệnh nhân cao huyết áp có vấn đề về thận. Mặc dù bệnh thận phổ biến ở Hoa Kỳ nhưng có tới 90% người trưởng thành bị bệnh thận mạn tính không biết về tình trạng bệnh của mình. Bệnh nhân thận giai đoạn đầu thường không có triệu chứng và nhiều người chỉ phát hiện ra tình trạng bệnh của mình khi đã ở giai đoạn nặng.
Bốn thói quen gây hại cho thận
Những thói quen dưới đây gây hại cho thận cần được điều chỉnh kịp thời:
1. Thường xuyên nhịn tiểu
Một số người thường xuyên không đi tiểu vì công việc hoặc vì các lý do khác. Khi nhịn tiểu lâu, nước tiểu tích tụ quá nhiều trong bàng quang sẽ trào ngược trở lại thận, gây ra sưng thận hay còn gọi là thận ứ nước. Điều này làm tổn thương chức năng thận và có thể tiến triển thành suy thận trong trường hợp nặng. Vì vậy, bất cứ khi nào cảm thấy buồn tiểu, việc đi vệ sinh kịp thời là rất quan trọng.
2. Ăn muối hoặc gia vị quá mức
Nhiều người thích chấm thức ăn với nước tương cà chua hoặc các loại nước chấm chế biến sẵn khác để tăng hương vị. Tuy nhiên, những loại nước chấm này chứa nhiều muối và các chất phụ gia cần được thận lọc, từ đó làm tăng gánh nặng cho thận. Bạn nên giảm ăn quá nhiều muối hoặc nước chấm và dùng muối biển tự nhiên có hàm lượng sodium (natri) thấp hơn để thay thế cho loại muối ăn tinh luyện.
3. Uống cà phê thay nước
Thói quen uống cà phê hoặc các đồ uống khác trong cả ngày mà quên uống nước sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất nước, lượng nước tiểu giảm, ngăn cản đào thải độc tố và chất thải ra khỏi cơ thể, do đó dễ gây tổn thương thận. Nếu nước tiểu chuyển sang màu vàng đậm hoặc màu trà, có nghĩa là cơ thể đang nhắc nhở rằng bạn cần uống nước.
Một số người chỉ uống nước khi thấy khát và uống từng ngụm lớn trong một thời gian ngắn. Điều này sẽ khiến thận phải hoạt động dưới tải trọng lớn trong thời gian ngắn, rất có hại cho thận. Tốt nhất là bạn nên bổ sung nước thường xuyên trước khi khát. Lúc này, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt, cho thấy cơ thể được bổ sung nước tốt hơn.
4. Uống đồ uống thể thao thường xuyên
Đồ uống thể thao giúp bổ sung chất điện giải, khoáng chất, vitamin và muối bị mất sau khi hoạt động thể chất. Nếu uống đồ uống thể thao mà không tập thể dục sẽ dẫn đến việc nạp quá nhiều muối và làm tăng thêm gánh nặng cho thận. Nên pha loãng đồ uống thể thao từ 2 đến 5 lần trước khi uống.
4 cách để bảo vệ thận
Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả giúp bảo vệ thận và tăng sức khỏe thận.
1. Không ăn muối hoặc nước chấm trong 100 ngày
Theo cuốn sách Trung y kinh điển “Tạp Bệnh Tâm Pháp” (“The Essentials of Treating Miscellaneous Diseases”) từ thời nhà Thanh đề cập rằng khi một người có vấn đề về thận dẫn đến ứ nước và phù nề, phải kiêng hoàn toàn muối và nước chấm trong 100 ngày; duy trì công thức ăn nhạt có thể giúp giảm đau. Bệnh thận của mẹ chồng tôi đã được chữa khỏi bằng phương pháp này.
2. Đồ uống thể thao tự nhiên tự làm
Sau khi hoạt động thể chất, máu có xu hướng đặc hơn, làm cản trở chức năng trao đổi chất bình thường của thận. Đổ mồ hôi nhiều mà không muốn đi tiểu sau khi hoạt động thể chất nặng là điều rất nguy hiểm. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến teo thận và giảm chức năng thận. Vì vậy, điều quan trọng là phải bổ sung nước kịp thời sau khi đổ mồ hôi để duy trì sự cân bằng nước của cơ thể.
Đồ uống được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, như trà rễ cỏ tranh, trà rễ cây sậy, trà cỏ xanh, v.v., có thể bổ sung các khoáng chất và ion bị mất trong quá trình tập luyện. Loại trà này tự nhiên, không gây độc cho thận, đồng thời còn có tác dụng lợi tiểu và giảm giữ nước.
Cỏ tranh (Imperata cylindrica) là một loại cây thuốc. Một tổng quan nghiên cứu được công bố trên Tập san Phân Tử (Molecules) năm 2021 cho thấy: 72 hợp chất đã được phân lập và xác định từ cỏ tranh. Các thành phần hoạt tính sinh học của cỏ tranh bao gồm saponin, flavonoid và phenol. Các thành phần hoạt tính sinh học của cỏ tranh có chức năng cầm máu, cải thiện tình trạng tiểu tiện, tăng sức đề kháng, chống viêm, kháng khuẩn, và chống ung thư.
Cách làm trà rễ cỏ tranh
Cho 200g rễ cỏ tranh vào 8.5 chén nước. Sau khi đun sôi thì giảm nhỏ lửa và đun trong khoảng 20 phút.
Rễ cỏ tranh có vị ngọt thanh mát nên không cần thêm đường.
Trà rễ cỏ tranh cũng thích hợp cho những bệnh nhân cao huyết áp hoặc tiểu đường.
3. Các huyệt bảo vệ sức khỏe thận
Nên thực hiện các phương pháp giúp bảo vệ thận hàng ngày để tránh các hậu quả về sau. Ngoài việc cải thiện thói quen ăn uống và lối sống, bạn có thể bấm các huyệt cụ thể để tăng sức khỏe thận.
Theo Trung y, kinh mạch có nhiệm vụ vận chuyển dòng năng lượng đi khắp cơ thể, kết nối các cơ quan nội tạng với các bộ phận khác nhau của cơ thể. Dọc theo các kinh mạch này có một số điểm có công năng đặc biệt được gọi là huyệt. Kích thích các huyệt này thông qua các phương pháp như châm cứu hoặc bấm huyệt có thể điều trị các bệnh liên quan đến các cơ quan tương ứng.
Theo cuốn y văn cổ của Trung Hoa “Hoàng Đế Nội Kinh,” thận nằm ở thắt lưng, khó cử động linh hoạt tại vùng này có thể là dấu hiệu của mệt mỏi thận, nghĩa là thận đang bị suy yếu trầm trọng.
Bạn có thể tự bấm huyệt Dũng tuyền nằm ở lòng bàn chân. Phương pháp này đặc biệt tốt cho những người làm việc văn phòng, vốn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau lưng, khó chịu do phải ngồi nhiều giờ hoặc căng thẳng tinh thần. Bấm huyệt này giúp dưỡng thận và cải thiện tuần hoàn máu. Bạn cũng có thể dùng bóng hoặc gậy massage giúp kích thích huyệt Dũng tuyền để đạt được tác dụng tương tự.
Huyệt Thái khê nằm ở chỗ lõm ngay sau mắt cá trong, và huyệt Phục lưu bên trên huyệt Thái khê khoảng 2 inch (5cm). Đây là những huyệt có tác dụng bổ thận rất tốt. Vuốt lên xuống liên tục các huyệt này rất hữu ích cho sức khỏe thận.
Trung y cho rằng sức khỏe lá lách (tỳ) và dạ dày (vị) tốt thì thận sẽ khỏe mạnh. Vì vậy, khi điều trị bệnh thận trên lâm sàng, các bài thuốc bổ tỳ vị thường được dùng để giúp cải thiện sức khỏe thận. Huyệt Túc tam lý, cách phía dưới đầu gối bên ngoài rộng bằng bốn ngón tay (ba thốn), là huyệt quan trọng trong việc dưỡng tỳ vị. Ấn và day bóp huyệt Túc tam lý cũng có tác dụng bảo vệ sức khỏe thận.
4. Xoa bóp tai để bồi bổ thận
Theo Trung y, ngũ quan và ngũ tạng có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó tai tương ứng với thận. Thường xuyên xoa bóp tai giúp tăng chức năng thận và ngăn ngừa các bệnh về thận. Trên tai có khoảng 100 huyệt, thường xuyên xoa bóp tai có thể giúp cân bằng các cơ quan nội tạng trong cơ thể, không chỉ hữu ích cho thận mà còn cả cho thính giác và thị lực.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.