Sự phân chia kinh tế giữa nông thôn và thành thị Hoa Kỳ được chú ý tại Phiên điều trần của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ
Sự phân chia kinh tế giữa nông thôn và thành thị của Mỹ đã được trình bày đầy đủ vào hôm 06/02 trong phiên điều trần tại hiện trường của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện ở Petersburg, West Virginia.
Theo Chủ tịch Ủy ban, Dân biểu Jason Smith (Cộng Hòa-Missouri), phiên điều trần đầy đủ đầu tiên của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ được tổ chức tại tiểu bang Những ngọn núi này thay vì ở Hoa Thịnh Đốn, để ưu tiên “tiếng nói” của cư dân và chủ doanh nghiệp bên ngoài “tầng lớp chính trị Hoa Thịnh Đốn.”
Sự kiện này đã nêu bật vô số thách thức mà “những người Mỹ ở tuyến đầu của nền kinh tế của chúng ta” đang phải đối mặt, phơi bày các vấn đề về giá cả lương thực và xăng dầu cao hơn, tình trạng thiếu nhân công, thất bại của chuỗi cung ứng, thiếu cơ sở hạ tầng internet băng thông rộng, và quá nhiều các quy định của liên bang.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đã nghe từ bốn nhân chứng, những người đã liệt kê những rào cản mà họ và cộng đồng nông thôn nơi họ sinh sống phải vượt qua hàng ngày.
‘Sống rất chật vật’
Ông Tom Plaugher, phó chủ tịch phụ trách hoạt động của Allegheny Wood Products, vạch ra một số vấn đề nghiêm trọng đã xuất hiện trong hai năm qua: chi phí nhiên liệu tăng cao, khủng hoảng chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu nhân công, quan liêu, và lãi suất tăng.
Ông nói: “Một chuyến đi đến cửa hàng bách hóa sẽ khiến quý vị nhận thức ra rằng lạm phát đã vượt quá tầm kiểm soát.”
Cô Ashley Bachman, chủ sở hữu và người điều hành Nhà hàng Cheeta B’s, đã cân bằng giữa việc theo kịp chi phí hoạt động và cân nhắc đến ngân sách của nhóm khách hàng của công ty mình. Cô trích dẫn chi phí mua cánh gà rút xương tăng, từ 40 USD lên 150 USD một hộp. Ngoài ra, chi phí năng lượng để nấu thức ăn đã tăng lên do thiết bị chạy bằng khí propan.
“Trong một số tháng, giá propan đã tăng hơn gấp đôi so với giá của những tháng tương ứng của năm 2020,” cô nói. “Tình trạng giá cả tăng cao và tất cả các chi phí năng lượng khác đã khiến tiền thuê nhà của chúng tôi tăng từ 2,000 USD lên 4,500 USD một tháng, và chỉ trong vòng 5 năm, nhà hàng nhỏ của chúng tôi đã lỗ vốn do tất cả các chi phí đều tăng.”
Doanh nghiệp của cô cũng phải đối mặt với chi phí nhân sự cao hơn. Cô cho biết rằng cô trả mức lương cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh để giữ chân nhân viên của mình. Nhưng các công ty khác trong lĩnh vực của cô đã thay đổi giờ làm việc do thiếu nhân sự. Ngay cả các tổ chức trong cộng đồng của cô, cho dù là văn phòng bác sĩ hay nhà thuốc CVS địa phương, cũng không thể mở cửa vào cuối tuần vì thiếu nhân sự.
Cô Bachman gợi ý rằng “số tiền đã được cứu trợ trong mấy năm qua chắc chắn đã góp phần vào việc này.”
Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), tỷ lệ tham gia lực lượng nhân sự của West Virginia đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 17 tháng qua là 54.8% vào tháng 12/2022 so với mức toàn quốc là 62.4%.
Cô chia sẻ cùng một thông điệp rằng mọi người “đang sống rất chật vật”.
“Một số lo lắng lớn nhất về tài chính mà tôi nghe được từ cộng đồng của mình là chi phí hàng hóa, giá xăng, giá tiện ích, và cuộc sống nói chung,” cô Bachman nói. “Giá cả mọi thứ đã tăng lên. Tôi gặp rất nhiều khách hàng cũ của mình ở cửa hàng bách hóa, và họ nói với tôi rằng họ rất tiếc vì gần đây họ không ăn ở nhà hàng của tôi vì họ đang sống rất chật vật.”
Cô nói, “Cộng đồng của tôi hiện đang đối mặt với một giai đoạn rất khốn khó.”
Nhà ở đã trở thành một vấn đề quan trọng khác đối với người Mỹ ở nông thôn, chủ yếu là do khoảng cách cần thiết để đi mua hàng bách hóa, nạp xăng, hoặc thường xuyên đến bệnh viện là rất lớn. Một số nhân chứng, bao gồm ông Wiley McDade, người đồng sở hữu công ty Devil’s Due Distillery, đã đề xướng những nỗ lực nhằm “ổn định tình trạng sẵn có về nhà ở tại địa phương.”
Ông Jamie Ward, giám đốc Nhà máy Itmann Prep thuộc CONSOL Energy, nói rằng “những người thậm chí chưa từng đến đây, nơi mà tôi sinh trưởng” đã thúc đẩy những chính sách dẫn đến “thảm họa kinh tế đối với người dân Appalachia này.”
Một trong những lĩnh vực này là các sáng kiến năng lượng nhắm vào ngành than.
“Ngành than liên tục chịu áp lực từ Hoa Thịnh Đốn, khiến ngành kinh doanh cung cấp nguyên liệu cần thiết cho thép và nhiên liệu khác với giá cả phải chăng trở nên khó khăn hơn,” ông Ward cho biết. “Các cơ quan liên bang gây khó khăn cho các nhà điều hành ngay cả khi bắt đầu hoạt động, đặc biệt là khi các cơ quan đưa ra các quy tắc rất khó tuân theo.”
Ông Ward cho biết rằng lĩnh vực này ủng hộ việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng và trợ giúp năng lượng sạch nhưng không phải với sự đánh đổi bằng các lựa chọn thông thường có giá cả phải chăng và đáng tin cậy.
Hồi tháng 11/2022, Hiệp hội Than của Hoa Kỳ, trong đó có Hiệp hội Than West Virginia, đã viết một lá thư cho Tổng thống Joe Biden, chỉ trích nỗ lực của chính phủ nhằm đóng cửa các nhà máy than trên khắp đất nước.
Mặc dù quốc gia than đá này đã trải qua một sự hồi sinh trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong vài năm qua, Cơ quan Thông tin Năng lượng ước tính rằng một phần tư đội tàu đốt than đang hoạt động của Hoa Kỳ sẽ ngừng hoạt động vào năm 2029. Trong năm 2022, tổng số lượng than ngừng hoạt động là khoảng 11,783 megawatt.
Ông bày tỏ, “Tôi nhớ đã có một thời, một người không thể dừng lại hơn ba hay bốn dặm mà không nhìn thấy một mỏ than nào nơi quý vị có thể tìm được việc làm.”
Khi Dân biểu Nicole Malliotakis (Cộng Hòa-New York) hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp của họ chạy theo Hoa Thịnh Đốn và chi nhiều tiền hơn số tiền họ thu vào, các nhân chứng cho biết rằng họ sẽ phải đóng cửa.
Sự phân chia giữa thành thị và nông thôn Mỹ
Trong khi tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 6.5%, thì chi phí sinh hoạt cao, từ thực phẩm đến xăng dầu, vẫn khiến các gia đình ở vùng nông thôn Mỹ lo lắng.
Theo một cuộc khảo sát mới đây của Mạng lưới Hành động Cứu trợ Trẻ em, giá xăng vẫn tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của 23% gia đình nông thôn. Giá thực phẩm và hàng bách hóa là một nỗi sợ hãi chính khác đối với 15% số người được hỏi, tiếp theo là thiếu việc làm tốt hoặc vị trí việc làm không được trả lương cao (9%). Nhưng gần một phần năm (18%) cử tri nông thôn nói rằng lạm phát chung là khó khăn lớn nhất của họ.
Các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Thịnh Đốn có thể không biết được những lo lắng này vì Chỉ số Giá Tiêu dùng của Cục Thống kê Lao động chỉ nhắm đến số tiền mà người Mỹ ở thành thị phải trả cho hàng hóa và dịch vụ.
Một nghiên cứu mới đây (pdf) của Đại học Tiểu bang Iowa cho thấy cư dân thành thị phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát trung bình là 14.5% trong hai năm qua. Để so sánh, các gia đình ở nông thôn đã phải chịu mức lạm phát 18.5%.
Thu nhập cũng bị ảnh hưởng kể từ năm 2020. Thu nhập tùy dụng ở nông thôn giảm 50%, trong khi thu nhập tùy dụng ở thành thị giảm 13%.
Tiến sĩ David Peters, một nhà xã hội học nông thôn mở rộng kiêm giáo sư xã hội học tại Đại học Tiểu bang Iowa, ước tính rằng các gia đình nông thôn đã trả khoảng 8,120 USD từ năm 2020 đến năm 2022, chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng cư dân nông thôn đã trả thêm khoảng 1,620 USD cho chi phí dầu diesel và xăng trong khoảng thời gian này.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đã kết luận trong một báo cáo mới đây rằng các gia đình ở nông thôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lạm phát vào năm 2021 và 2022, đồng thời cho biết thêm rằng “Miền Nam có mức lạm phát cao hơn mức trung bình quốc gia, trong khi vùng Đông Bắc có mức lạm phát thấp hơn.”
Các nhà kinh tế tại ngân hàng trung ương khu vực đã viết: “Với giả định rằng mức tăng giá ở thành thị tương tự như mức tăng giá ở nông thôn trong nhóm các loại hàng hóa tương đối hẹp, thì các gia đình ở nông thôn đã trải qua lạm phát cao hơn đáng kể so với các gia đình ở thành thị, đặc biệt là so với trường hợp xảy ra trước đợt lạm phát năm 2021.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times