Sự kỳ diệu của nghệ thuật thanh nhạc thời Trung Quốc cổ đại
Hiện nay, việc dạy thanh nhạc trong các Học viện Âm nhạc trên thế giới cơ bản là dạy các kỹ thuật thanh nhạc truyền thống Âu Châu, đặc biệt là phương pháp hát Bel Canto với kỹ thuật thanh nhạc Italia làm chủ đạo. Tuy nhiên, từ thời Trung Quốc cổ đại đã có kỹ thuật thanh nhạc tốt hơn phương pháp hát Bel Canto này.
Theo sách cổ ghi chép, ở nước Tần thời kỳ Chiến Quốc, có một giáo viên dạy thanh nhạc tên là Tần Thanh, khi hát có thể đạt được hiệu quả “Thanh chấn lâm mộc, hưởng át hành vân”, nghĩa là tiếng ca làm rung động cành lá của cây trong rừng, âm thanh vang vọng xuyên thẳng đến trời cao khiến mây ngừng trôi.
Tám chữ “Thanh chấn lâm mộc, hưởng át hành vân” này miêu tả tiếng hát đã trở thành “tuyệt xướng” thiên cổ, từ đó có thể thấy được kỹ thuật ca hát của Tần Thanh. Lực độ, âm lượng, âm chất, lực xuyên thấu trong giọng hát của ông là điều mà người ngày nay đều không thể nào sánh được.
Các ca xướng gia (ngày nay gọi là “ca sĩ”) thời Trung Quốc cổ đại cũng có kỹ nghệ tương tự, mặc dù không được lưu truyền lại nhiều, nhưng không ít trường hợp là người thời nay khó đạt được. Ví như, ca xướng gia Hàn Nga người nước Hàn trong thời kỳ Chiến Quốc, sau khi hát xong thì “Dư âm nhiễu lương, tam nhật bất tuyệt”, nghĩa là hát xong rồi nhưng dư âm vẫn còn lượn quanh giữa các xà nhà, sau ba ngày cũng chưa mất đi.
Ca xướng gia Hứa Vĩnh Tân thời Đường là người huyện Vĩnh Tân, Cát Châu (nay là huyện Vĩnh Tân, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc), rất có tài ca hát, hơn nữa còn có tính sáng tạo độc đáo. Người này ở trên đỉnh núi cao ca lên một khúc, ở nơi cách xa hơn mấy chục dặm vẫn nghe được âm thanh, về sau trở thành ca xướng gia cung đình. Vào năm nọ, Hoàng đế Đường Huyền Tông tổ chức yến tiệc ăn mừng, chung vui với dân chúng tại Cần Chính lâu. Khi đó, trong âm thanh ồn ào hỗn tạp của hơn vạn quần chúng phát ra, không thể nào nghe được âm nhạc cung đình đang diễn xuất.
Để chấm dứt âm thanh ồn ào huyên náo ấy, Đường Huyền Tông lệnh cho Hứa Vĩnh Tân ra sân khấu biểu diễn. Nàng bước ra sân khấu, phong thái thong dong, vén tóc mai nâng tay áo, cất tiếng ngân nga, hát lên một khúc, âm thanh như xuyên thấu trời cao. Dân chúng ồn ào lập tức yên tĩnh lại, “quảng trường yên tĩnh, như không có một bóng người”. Hơn nữa tiếng ca của nàng có sức truyền cảm mãnh liệt, khiến cho “người vui khi nghe cảm thấy càng thêm khí dũng, người sầu khi nghe cảm thấy như đứt ruột”.
Người Trung Quốc cổ đại vận dụng âm nhạc theo nhiều phương diện, không chỉ những ca sĩ chuyên nghiệp như Tần Thanh và Hứa Vĩnh Tân có kỹ thuật thanh nhạc khiến người thời nay khó với tới được, mà còn có một số ca sĩ không chuyên nghiệp cũng khiến người ngày nay phải học tập.
Ví dụ như Quản Trọng thời kỳ Xuân Thu hơn 2,000 năm trước, tài trị quốc của ông được người đời xưa nay ca tụng, nhưng rất ít người biết rằng ông cũng có tài hoa về âm nhạc. Tương truyền, ông đã dùng âm nhạc để cứu mạng của chính bản thân mình, đưa âm nhạc vào sử dụng trong quân đội để nâng cao tinh thần của quân sĩ và giành chiến thắng trong các trận chiến.
Năm đó, Quản Trọng và Công tử Củ của nước Tề bị Lỗ Trang Công bắt. Công tử Củ bị giết, mạng của Quản Trọng cũng nguy cấp tựa ngàn cân treo sợi tóc. Lúc này, bạn tốt của ông là Bào Thúc Nha lập mưu cứu ông, tạm thời lừa gạt Lỗ Trang Công, giấu giếm dùng xe tù chở Quản Trọng đưa về nước Tề. Trong xe tù, Quản Trọng biết rõ kế hoạch của Bào Thúc Nha. Để tránh sau khi Lỗ Trang Công biết được sẽ phái quân truy sát xảy ra bi kịch, ông muốn phu xe tăng nhanh tốc độ chạy xe.
Ngay lúc đó, ông đã phát huy tài năng âm nhạc của mình, viết ngay một ca khúc có tựa đề “Hoàng Hộc Từ”, rồi dạy cho phu xe hát.
Ca khúc này có ca từ và giai điệu rất hay và dạt dào cảm xúc, phu xe và những người đồng hành vừa đi vừa hát, quên cả sự mệt mỏi, nhờ vậy chiếc xe lao đi càng lúc càng nhanh. Khi Lỗ Trang Công biết chuyện thì tức giận phái binh truy sát, nhưng nhóm người Quản Trọng đã ra khỏi biên giới nước Lỗ, an toàn về tới nước Tề. Tài năng âm nhạc của Quản Trọng đã biến một bi kịch có thể xảy ra trong cuộc đời ông trở thành hài kịch.
Về sau khi Quản Trọng đã trở thành Tể tướng của nước Tề, một lần ông theo Tề Hoàn Công đi chinh phạt các nước Sơn Nhung. Khi đội quân tiến vào biên cảnh nước Cô Trúc, đá núi cao ngất, cây cối rậm rạp, binh sĩ khó mà vượt qua, Quản Trọng bèn hạ lệnh bạt núi mở đường. Trước mệnh lệnh này, các tướng sĩ có vẻ uể oải phàn nàn, sĩ khí cũng không cao. Vì để cổ vũ sĩ khí, Quản Trọng đã sáng tác hai ca khúc. Một bài có tên là “Thượng sơn ca” (Bài ca lên núi), một bài có tên là “Hạ sơn ca” (Bài ca xuống núi), rồi dạy cho các tướng sĩ hát.
Các tướng sĩ hát lên hai ca khúc này, nhịp nhàng anh hát tôi hò, nhờ vậy sĩ khí dâng cao, tốc độ thi công cũng được đẩy nhanh trông thấy, góp phần quan trọng cho thắng lợi của trận chiến này. Tề Hoàn Công như được mở rộng tầm mắt, bèn nói: “Ngày hôm nay Quả nhân mới biết ca hát có thể nâng cao nhân lực.” Vậy vì sao ca hát lại có sức mạnh đến như vậy?
Vậy vì sao ca hát lại có sức mạnh đến như vậy?
Quản Trọng cho rằng: “Con người thường vất vả về thân thể thì mệt mỏi về tinh thần, tinh thần vui vẻ thì quên hết mệt nhọc của thân thể.” Thể lực của con người bị tiêu hao tất nhiên sẽ dẫn đến sự mệt mỏi cho tinh thần, còn tinh thần vui vẻ thoải mái thì có thể khiến người ta quên hết mệt nhọc. Vui vẻ về tinh thần có thể làm cho người ta phát huy sức mạnh đáng kinh ngạc để vượt qua khó khăn.
Lý luận và thực tiễn về ảnh hưởng của âm nhạc đối với tâm lý con người như thế này, mặc dù đã trải qua hơn hai nghìn năm, nhưng vẫn có sức sống mãnh liệt. Từ hai ví dụ trên, không khó để nhận thấy rằng, Quản Trọng không chỉ là một người có tài năng toàn diện về âm nhạc như làm thơ, soạn nhạc, dạy hát, nghiên cứu lý luận âm nhạc, mà còn là một nghệ sĩ nắm vững kỹ thuật thanh nhạc rất cao siêu, nếu không sẽ không thể mang tới hiệu quả kỳ diệu đến vậy.
Giáo dục của người xưa nhấn mạnh sự phát triển cân đối của con người trên cơ sở chú trọng đạo đức. Khổng Tử dạy đệ tử Lục nghệ bao gồm “Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số” (lễ nghĩa, âm nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, thư pháp, toán học), trong đó âm nhạc đã bao gồm giáo dục thanh nhạc. Thời Trung Quốc cổ đại có vô số ca xướng gia nổi danh và vô danh đã đạt được những thành tựu to lớn.