Sự kiện ở London đánh dấu 23 năm chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công
Hôm thứ Bảy (16/07), hơn 100 học viên Pháp Luân Công ở Vương quốc Anh đã tuần hành để phơi bày cuộc đàn áp nhắm vào môn tập này. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã kéo dài suốt 23 năm và vẫn tiếp diễn cho đến tận hôm nay.
Mười bốn nhà lập pháp đã viết thông điệp lên án cuộc bức hại, nói rằng cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối xử với các học viên Pháp Luân Công là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa với các bài công pháp rèn luyện thân thể và nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Kể từ khi được Ngài Lý Hồng Chí truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992, môn tu luyện này đã thu hút hàng triệu người theo học. Các học viên đã chứng thực được những lợi ích đối với sức khỏe tâm-thân cũng như sự thay đổi tích cực trong tính cách của họ.
Nhưng vào năm 1999, chế độ cộng sản Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch nhằm xóa sổ pháp môn này, trong đó một lệnh cấm chính thức được ban hành vào ngày 20/07. Kể từ đó, các học viên đã bị sách nhiễu, bỏ tù không qua xét xử, bị sát hại, cưỡng bức tình dục, tra tấn, bỏ thuốc mê, và thu hoạch nội tạng khi còn sống.
Bị bỏ tù và tra tấn vì đức tin của mình
Bà Lý Vịnh (Yong Li) đã bị giam giữ trong một số nhà tù và trung tâm giam giữ trước khi rời Trung Quốc đến Anh, bao gồm cả Trại Lao động Mã Tam Gia khét tiếng. Từ trại lao động này, một bức thư nêu rõ hoàn cảnh của các học viên Pháp Luân Công đã được bí mật bỏ vào một chiếc hộp đựng đồ trang trí Halloween và được một khách hàng ở Hoa Kỳ tìm thấy.
Bà Lý, một công nhân thép đã về hưu 66 tuổi, nói với The Epoch Times rằng năm 1995 trong khi hôn nhân của bà đang gặp nhiều trắc trở, thì một người đồng nghiệp đã giới thiệu môn tu luyện này cho bà. Sau khi theo học, bà đã được thọ ích về cả sức khỏe cũng như các mối quan hệ của mình.
Nhưng vào ngày 19/07/1999, công an bắt đầu bắt giữ những người luyện công. Chồng của bà Lý, cũng là một học viên, đã bị giam giữ chỉ trong một đêm.
Tháng 12/1999, bà Lý quyết định đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện, một nỗ lực cuối cùng mà nhiều học viên đã sử dụng vì không có con đường chính thức nào để chế độ cộng sản lắng nghe tiếng nói của họ.
Bà đã ngay lập tức bị bắt sau khi đến quảng trường, nơi bà nói là đầy rẫy công an mặc thường phục.
Nhiều học viên, trong đó có bà Lý, từ chối tiết lộ danh tính của họ vì sợ mang lại rắc rối cho gia đình và nơi làm việc của họ. Bà Lý cho biết họ đã bị lính canh có vũ trang đưa khỏi Bắc Kinh đến các trung tâm giam giữ khác nhau. Bà được đưa đến Thẩm Dương, một thành phố ở Đông Bắc Trung Quốc, và đã bị chuyển qua một số cơ sở.
Bà Lý cho hay, cảnh sát đã cố gắng xác định danh tính của bà và khuyên bà từ bỏ tu luyện.
Bà đã bị họ lấy đũa vụt vào miệng, giẫm lên người, dùng móc treo quần áo chọc vào mạng sườn, và bị cấm ngủ trong tám ngày liền. Một vị công an cũng nhúng chổi quét nhà vào đờm và sau đó cố gắng nhét cây chổi này vào miệng bà.
Tại một cơ sở, một sĩ quan đã đe dọa sẽ cho bà uống thuốc mê để lấy thông tin từ bà.
Sau khi tất cả những lời đe dọa đều vô ích, bà Lý được cho biết bà đã bị kết án ba năm trong trại lao động mà không có bất kỳ thủ tục pháp lý nào.
Bà Lý bắt đầu tuyệt thực trước khi bị đưa đến Trại Lao động Mã Tam Gia và phải rời khỏi trại ngay sau đó vì một tháng tuyệt thực và bức thực đã đưa bà đến bờ vực sinh-tử.
Sau khi bà trở về nhà, em dâu của bà được thông báo rằng nếu bà ấy không khuyên được chồng bà Lý ly hôn với bà Lý thì bà ấy sẽ bị cắt khoản tiền trợ cấp xã hội của mình, khiến gia đình bà Lý phải bán căn hộ của họ và trốn đi nơi khác.
Trước khi tuyệt thực trong tù, bà Lý cũng phải xét nghiệm máu và khám sức khỏe hàng tuần. Lúc đó bà Lý đã không phản đối, vì nghĩ rằng việc làm này có thể chứng thực rằng Pháp Luân Công là tốt cho sức khỏe, nhưng nhiều năm sau bà mới phát hiện ra rằng các học viên bị sát hại và nội tạng của họ bị bán cho bệnh nhân cấy ghép để kiếm lời.
Khi được hỏi ước nguyện của bà là gì, bà Lý cho biết bà hy vọng cuộc bức hại đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc sẽ chấm dứt để tất cả các học viên có thể lấy lại sự tự do của mình.
Thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập đã nhất trí kết luận rằng các tù nhân lương tâm đã — và đang tiếp tục bị — sát hại ở Trung Quốc để lấy nội tạng của họ “trên một quy mô đáng kể.” Tòa lưu ý rằng những người tu luyện Pháp Luân Công là một trong những nguồn cung cấp nội tạng chính.
Tòa án đã công bố một báo cáo dài 160 trang (pdf) vào ngày 01/03/2020, tái khẳng định kết luận trước đó của mình, nói rằng “không có bằng chứng về việc hoạt động này đã bị chấm dứt và Tòa án kết luận rằng thông lệ này vẫn đang tiếp diễn.”
Ông Adam Sharif, một luật sư đi ngang qua sự kiện này hôm thứ Bảy, cho biết ông “thực sự bị chấn động” khi biết hoạt động buôn bán này sinh lời như thế nào.
Ông Sharif nói với The Epoch Times, “Đôi mắt của quý vị có thể bán với giá 20,000 bảng, quả thận của quý vị là 40,000 bảng. Thật điên rồ, không thể tin được.”
Cô Victoria White, điều phối viên truyền thông của Vương quốc Anh tại Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng ở Trung Quốc (ETAC), cho biết cô rất vui vì đã có một số thay đổi về luật pháp ở Anh nhằm chấm dứt thông lệ man rợ này, bao gồm một điều khoản trong Đạo luật Chăm sóc và Sức khỏe, nghĩa là công dân Vương quốc Anh không còn có thể đi du lịch hải ngoại vì mục đích nhận nội tạng thương mại.
“Mua hoặc bán nội tạng trong Vương quốc Anh đã là bất hợp pháp, nhưng giờ họ đã bổ sung các điều khoản ngoài lãnh thổ, vì vậy điều này có nghĩa là luật bảo vệ công dân Vương quốc Anh khỏi việc đồng lõa với những tội ác này bằng cách đến Trung Quốc để mua nội tạng, khi những nội tạng đó có thể đến từ các tù nhân lương tâm đang bị sát hại,” cô White nói với NTD, một hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times.
Cô White cho biết ETAC hiện đang làm việc với Global Rights Compliance, một công ty pháp lý quốc tế có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, vốn đã soạn thảo một báo cáo tư vấn pháp lý “đầu tiên trên thế giới” về việc giảm thiểu rủi ro nhân quyền khi tương tác với các tổ chức y tế quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực y học cấy ghép.
“Hiện tại ở Vương quốc Anh, chúng tôi đang cố gắng làm những gì có thể để áp dụng ngành tư vấn nhân quyền và kinh doanh mới này, đồng thời nói chuyện với các bên liên quan: các bệnh viện, các tổ chức y tế, các công ty pháp lý, các trường đại học… và cố gắng tiếp xúc với họ để họ hiểu những tác động của việc bắt tay với Trung Quốc trong ngành công nghiệp cấy ghép này và ý nghĩa của hành động đó, đồng thời hy vọng cố gắng cắt đứt một số mối quan hệ với ngành cấy ghép đó để chúng ta không đồng lõa với tội ác này.”
Mười bốn nhà lập pháp liên đảng từ cả hai viện của Nghị viện đã viết thông điệp để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với các học viên Pháp Luân Công, trong đó có ông Philip Hunt, Nam tước Hunt của vùng Kings Heath, người đang dẫn đầu nỗ lực lập pháp nhằm chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Gửi “lời chúc tốt đẹp nhất” đến Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Vương quốc Anh, ông Hunt cảm ơn các học viên đã “phơi bày cho thế giới thấy được cách đối xử đáng hổ thẹn đối với Pháp Luân Công.”
“Tôi là một phần của một chiến dịch ở Vương quốc Anh nhằm nêu bật và tìm cách loại bỏ hoạt động cưỡng bức hiến tạng kinh khủng ở Trung Quốc,” ông Hunt cho biết trong tuyên bố. “Sau khi nghe bằng chứng tại Tòa án Luận tội Trung Quốc, Sir Geoffrey Nice QC đã tuyên bố rằng các học viên Pháp Luân Công ‘có lẽ là nguồn chính’ của hoạt động thu hoạch nội tạng vốn đã ‘được tiến hành trong nhiều năm khắp Trung Quốc trên một quy mô đáng kể.’ Chúng ta phải làm mọi cách có thể để giúp ngăn chặn thông lệ tà ác này.”
Cô Lily Zhou là một cây bút tự do chủ yếu đưa tin về Vương quốc Anh cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Jack Sun, Zoe Wang, và phóng viên Malcolm Hudson của NTD