Sử dụng tinh dầu để điều trị nhiễm trùng da
Tinh dầu phổ biến trong y học cổ truyền Trung Quốc và Ấn Độ để điều trị một số bệnh. Gần đây người ta ngày càng quan tâm đến đặc tính kháng khuẩn của nó.
Nhiều phòng thí nghiệm uy tín đã xác nhận rằng tinh dầu có đặc tính kháng khuẩn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tinh dầu có hiệu quả trong nhiều trường hợp nhiễm trùng kháng kháng sinh. Tinh dầu có khả năng cung cấp một giải pháp thay thế, tự nhiên và không có tác dụng phụ trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng da.
Các thành phần hoạt tính của tinh dầu có trọng lượng phân tử nhỏ và do đó chúng hấp thụ dễ dàng vào cơ thể. Tinh dầu cũng có hiệu lực cao, có nghĩa là chỉ cần một liều lượng nhỏ là đủ.
Một ưu điểm khác của tinh dầu là thời hạn sử dụng. Hầu hết các loại tinh dầu đều có hoạt tính khá ổn định và có thể lưu trữ lâu nhất là 10 năm; ngoại trừ các loại tinh dầu từ cây có múi như cam, chanh chỉ có thể lưu trữ trong vòng hai năm.
Trong nhiều trường hợp, tinh dầu sẽ cần được pha loãng với “dầu vận chuyển” để đưa về nồng độ phù hợp cho việc sử dụng. Các loại dầu vận chuyển này đóng vai trò là chất nền cho các phân tử tinh dầu hoạt động và không ảnh hưởng đến hoạt tính của tinh dầu. Dầu vận chuyển thường dùng là dầu hạnh nhân ngọt, gel lô hội và dầu dừa. Do làn da nhạy cảm của trẻ, nếu bạn định sử dụng tinh dầu cho trẻ sơ sinh, bạn nên pha loãng chúng với dầu vận chuyển.
Năm loại tinh dầu có hiệu quả trong điều trị các bệnh nhiễm trùng khác nhau
Tinh dầu hoa oải hương
Đây có lẽ là loại tinh dầu nổi tiếng nhất. Tinh dầu oải hương có mùi hương ngọt ngào, dễ chịu, đồng thời nó cũng có tính kháng khuẩn và kháng virus rất tốt. Khi thoa lên vết xước, vết thâm và vết đốt, tinh dầu hoa oải hương có thể làm giảm đáng kể thời gian lành vết thương. Vì loại tinh dầu này có nồng độ khá loãng nên không cần dầu vận chuyển.
Một cách phổ biến sử dụng tinh dầu oải hương là xoa trực tiếp trên da. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng tinh dầu Oải hương có hiệu quả trong việc tiêu diệt cả vi khuẩn gram dương và gram âm. Ngoài việc được sử dụng để kháng khuẩn, tinh dầu hoa oải hương còn được sử dụng để gây ngủ và thúc đẩy giấc ngủ ngon.
Tinh dầu trà
Tinh dầu trà có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus và kháng nấm. Trộn tinh dầu trà với dầu dừa hoặc gel lô hội để làm loãng, sau đó bôi trực tiếp lên da có thể giúp trị mụn trứng cá, nấm ngoài da và nấm da chân.
Ngoài ra, tinh dầu trà thường được sử dụng như một chất khử trùng để điều trị vết bỏng nhẹ, vết bầm tím và vết xước. Nó cũng có hiệu quả đối với một số viêm nhiễm vùng âm đạo.Sử dụng bằng cách dùng hai cốc nước có chứa 2 muỗng canh tinh dầu trà để rửa vùng viêm nhiễm.
Tinh dầu trà khá đậm đặc và có thể gây kích ứng nhẹ và tấy đỏ nên cần pha loãng bằng dầu dừa hoặc gel lô hội.
Tinh dầu hoa cúc La Mã
Loại tinh dầu này có mùi hương ngọt ngào và nhẹ nhàng rất thích hợp cho làn da nhạy cảm và thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình. Tinh dầu hoa cúc đủ dịu nhẹ để sử dụng không pha loãng, nhưng nếu cần, có thể dùng dầu dừa như một loại dầu vận chuyển.
Tinh dầu hoa cúc La Mã có thể được sử dụng để điều trị chứng hăm tã và nó được phát hiện có hiệu quả chống lại bệnh chàm và bệnh trĩ. Trong trường hợp nhiễm trùng tai và viêm xoang khác nhau, một vài giọt thêm vào bồn tắm hơi nước có tác dụng giảm đau.
Tinh dầu bạch đàn
Tinh dầu bạch đàn đã được phát hiện có đặc tính kháng khuẩn đối với vi khuẩn đường hô hấp trên. Dầu khuynh diệp pha loãng có thể được sử dụng để điều trị viêm phế quản và nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Tinh dầu bạch đàn có đặc tính giảm đau và được sử dụng ở dạng xịt. Ngoài ra, nó còn có hiệu quả chống lại vi khuẩn gây sâu răng. Theo nghiên cứu gần đây, dầu khuynh diệp có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Tinh dầu kinh giới
Thành phần độc đáo của tinh dầu kinh giới đặc biệt thích hợp để điều trị nhiễm trùng do tụ cầu. Hợp chất phenolic được tìm thấy trong tinh dầu kinh giới đã được chứng minh là có hiệu quả tốt hơn 18 loại dược phẩm bao gồm cả penicillin.
Tinh dầu kinh giới còn có đặc tính kháng nấm. Dầu vận chuyển thích hợp của nó là dầu dừa hoặc dầu hạnh nhân
Phương Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times