S&P Global: Lạm phát tăng tốc khi lĩnh vực dịch vụ của Hoa Kỳ mở rộng lần đầu tiên sau 8 tháng
Lần đầu tiên sau 8 tháng, lĩnh vực dịch vụ của Hoa Kỳ đã tăng trưởng trở lại, nhưng lạm phát giá bán đã tăng nhanh, đặt “Phe Tạm thời (Team Transitory, Phe xem lạm phát là tạm thời) trở lại thế phòng thủ.”
Trong tháng Hai, Chỉ số Quản lý Mua hàng (PMI) lĩnh vực Dịch vụ của S&P Global Services của đã tăng lên 50.6, từ 46.8 hồi tháng Một; bất cứ chỉ số nào trên 50 có nghĩa là sự mở rộng nền kinh tế. Đây là chỉ số PMI tích cực đầu tiên kể từ tháng 06/2022.
Báo cáo hàng tháng cho thấy hoạt động kinh doanh mới đã giảm với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 10/2022 trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước mờ nhạt. Đơn đặt hàng xuất cảng mới giảm trong tháng thứ 9, trong khi lượng công việc tồn đọng không thay đổi. Mức độ việc làm đã ổn định trong tháng trước.
Các nhà kinh tế và quan sát thị trường đang chú ý đến áp lực giá PMI. Lạm phát chi phí đầu vào đã trải qua lần tăng chậm thứ hai kể từ tháng 10/2020 và tốc độ lạm phát giá bán đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng.
Những người trả lời khảo sát cho rằng phí đầu ra cao hơn là do “việc chuyển chi phí cao hơn cho khách hàng” thúc đẩy.
Ông Chris Williamson, trưởng bộ phận kinh tế kinh doanh tại S&P Global Market Intelligence, cho biết trong báo cáo: “Lần đầu tiên sau 8 tháng, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ của Hoa Kỳ đã quay trở lại tăng trưởng trong tháng Hai, bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng sản xuất, giúp ổn định nền kinh tế và hy vọng ngăn chặn suy thoái trong quý đầu tiên.”
“Tuy nhiên, bức tranh đang cải thiện này đã làm tăng thêm quyền lực tính giá của các công ty. Trong tháng Một, mặc dù đã giảm xuống mức thấp nhất trong 27 tháng, tỷ lệ lạm phát đối với hàng hóa và dịch vụ đã tăng trở lại trong tháng Hai lên mức cao nhất kể từ tháng Mười năm ngoái (2022) khi các công ty báo cáo thành công hơn trong việc chuyển các chi phí cao hơn sang cho khách hàng.
Áp lực giá cả trong lĩnh vực dịch vụ đã trở nên đáng lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ. Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), trong tháng Một, tỷ lệ lạm phát dịch vụ hàng năm đã nhích cao hơn, lên 7.6%, mức cao nhất kể từ tháng 08/1982.
Xu hướng giảm phát đã kết thúc?
Dữ liệu lạm phát mới nhất đã khiến một số chuyên gia thị trường và nhà kinh tế tranh luận liệu xu hướng lạm phát giảm đã kết thúc hay đây chỉ đơn thuần là một sự trở ngại phát sinh.
Tại Đại học Harvard vào cuối tháng trước, thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Philip Jefferson tuyên bố có “sự bất ổn hơn” liên quan đến lạm phát dịch vụ cốt lõi không bao gồm nhà ở.
Ông nói: “Triển vọng lạm phát đối với loại dịch vụ cốt lõi không phải nhà ở này một phần phụ thuộc vào việc liệu tăng trưởng chi phí lao động không đáng kể có giảm trở lại hay không, và dữ liệu gần đây cho thấy rằng mức thu nhập lao động thực sự đã bắt đầu giảm tốc phần nào trong năm qua.”
Ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF), cho biết rất nhiều con số nổi bật về lạm phát nóng “đã đặt ‘Phe Tạm thời’ trở lại thế phòng thủ.”
Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) hàng năm đã chậm lại ở mức 6.4% vốn cao hơn dự kiến. Giá sản xuất tăng với tốc độ 0.7% nóng hơn dự đoán so với tháng trước. Chỉ số Giá Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và Chỉ số giá PCE cốt lõi, mỗi chỉ số đã tăng 0.6% từ tháng 12/2022 đến tháng 01/2023.
Đối với công cụ tổng hợp dữ liệu lạm phát độc lập Truflation, việc lạm phát giảm chưa bao giờ được xác nhận.
Ông Oliver Rust, người đứng đầu bộ phận sản phẩm tại Truflation, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi tin rằng lạm phát sẽ cứ ở mức này – ít nhất là trong năm 2023 – và sẽ duy trì trên mục tiêu 2% của Fed.”
“Xét về tác động của lạm phát đối với hoạt động kinh doanh, điều này khá đáng kể với việc các nhà bán lẻ tăng giá khi giá cung ứng cho họ đang tăng lên,” ông nói thêm. “Rất nhiều doanh nghiệp đang công bố cảnh báo lợi nhuận mang tín hiệu về tác động lạm phát ngắn hạn.”
Người dân Mỹ tin chắc rằng lạm phát cũng sẽ cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang.
Khảo sát Kỳ vọng của Người tiêu dùng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (FRBNY) cho thấy dự đoán lạm phát một năm tới không thay đổi, ở mức 5%. Các dự báo ba và năm năm lần lượt ở mức 2.7% và 2.5%.
Mới đây các nhà kinh tế tại S&P Global Market Intelligence đã đưa ra nhận định rằng bất kể lạm phát được đánh giá như thế nào, thì nó vẫn tiếp tục lan rộng và khó thay đổi.
Họ cho biết: “Mặc dù nhu cầu cuối cùng trong nước chậm lại như vậy, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy tình trạng thắt chặt ngoại lệ của thị trường lao động đang giảm bớt và lạm phát nhìn chung vẫn ở mức cao một cách khó thay đổi.”
Theo Báo cáo Hàng tháng về Điều kiện Kinh doanh tháng 02/2023 của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ, nếu lạm phát vẫn tăng cao lâu hơn, khiến Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục tăng lãi suất và vẫn giữ ở mức đó trong một thời gian dài thêm, thì tình hình này có thể tắt đi “những hy vọng về cái gọi là hạ cánh mềm của nền kinh tế Hoa Kỳ.”
Tại cuộc họp chính sách trong tháng này của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, cuộc bàn thảo mới nhất từ các quan chức tại ngân hàng trung ương Hoa Kỳ là sự cần thiết phải kích hoạt một đợt tăng lãi suất đáng kể hơn.
Thống đốc Fed Christopher Waller đã nói tại một hội nghị về kinh doanh ở Los Angeles, California, hôm thứ Năm (02/03), rằng định chế này có thể cần nâng lãi suất quỹ liên bang chuẩn lên trên 5.4%, cao hơn mức cao nhất 5.1% được liệt kê trong Khảo sát Dự báo Kinh tế tháng 12 (SEP).
Ông Waller nói: “Mặc dù lạm phát đã giảm từ giữa năm ngoái, dữ liệu mới đây cho thấy chúng ta không đạt được nhiều tiến bộ như chúng ta nghĩ.”
Ngân hàng Dự trữ Liên bang của Cleveland’s Nowcast dự đoán tỷ lệ 6.2% trong CPI tháng Hai và 5.2% trong Chỉ số giá PCE tháng Hai. Trên cơ sở hàng tháng, chỉ số CPI và PCE dự kiến sẽ tăng 0.5%.
Và ông Rust lưu ý, những xu hướng này có thể buộc FOMC tăng lãi suất chính sách thêm 50 điểm căn bản.
“Điều gì xảy ra sau đó là không rõ ràng,” ông nói. “Cục Dự trữ Liên bang cần đạt được một sự cân bằng tinh tế giữa việc giải quyết lạm phát và tránh suy thoái kinh tế, vì mặc dù số lượng việc làm tăng cao, chúng ta hiện đang chứng kiến những cảnh báo về lợi nhuận của công ty và tin tức về việc sa thải gia tăng. Điều này cho thấy chúng ta đang ở trong một tình thế mong manh hơn so với bốn tuần trước.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times