Sống ở -86°C sẽ như thế nào? Người phụ nữ Mỹ quốc chia sẻ cuộc sống ở Nam Cực
Mọi người rất hiếm khi du lịch tới Nam Cực, nơi lạnh nhất thế giới. Sống ở đó trong thời gian lâu dài, càng là điều mà mọi người không nghĩ đến. Thế nhưng, một phụ nữ người Mỹ đã có cơ hội làm việc ở Nam Cực vào năm ngoái, và đã sống ở đó một năm. Cô thường chia sẻ về cuộc sống của mình ở Nam Cực băng giá trên mạng xã hội.
Cô Michelle Endo, 32 tuổi, đến từ San Francisco, Mỹ quốc. Cô đã đến làm việc tại Trạm Nam Cực Amundsen-Scott vào tháng 10/2022 với vai trò quản lý lễ tân. Cơ hội này đã mang đến cho cô những trải nghiệm sống khác biệt.
Trạm Nam Cực Amundsen-Scott là trạm nghiên cứu khoa học được Hoa Kỳ thành lập trên Cao nguyên Nam Cực vào năm 1957, do Quỹ Khoa học Quốc gia (National Science Foundation) quản lý.
Cô Endo nói với Newsweek rằng, cô đã làm việc ở sáu lục địa trước khi làm việc ở Nam Cực. Nam Cực là lục địa cuối cùng mà cô đến, cơ hội làm việc đã cho phép cô đi tới đó miễn phí.
Cô Endo giới thiệu trạm nghiên cứu khoa học này tiến hành các dự án nghiên cứu khoa học, bao gồm thiên văn học, khí hậu học và băng hà học, v.v. Những nhân viên hỗ trợ như cô có mặt ở đó để bảo đảm mọi thứ đều có thể hoạt động bình thường.
Công việc của cô Endo là điều phối lịch trình dọn dẹp để bảo đảm nhà hàng sạch sẽ, có thể cung cấp đồ ăn nhẹ và đồ uống để mọi người có thể làm việc thuận lợi. Cô cũng phụ trách quản lý một cửa hàng nhỏ bán đồ lưu niệm, quần áo, đồ uống và thuốc. Cô phải bổ sung hàng hóa và kiểm kê hàng tồn kho hàng năm.
Trên Instagram, cô Endo thường chia sẻ cuộc sống và những thử thách của mình ở Nam Cực. Trong một đoạn video ngắn, cô cho biết phi trường ở đây sẽ “đóng cửa vào mùa đông” từ ngày 15/02 đến ngày 28/10. Trong 8 tháng này sẽ không có ai đến đây. Vì vậy, cô sẽ chỉ nhìn thấy 42 khuôn mặt quen thuộc mỗi ngày trong suốt thời gian đó. Cô thừa nhận rằng không dễ để sống chung với họ trong thời gian dài như vậy, và cô cảm thấy bị cô lập.
Cô Endo nói rằng ở Nam Cực có 6 tháng trong năm mà cả ngày 24 giờ đều là bóng tối. Nhiệt độ ở đây sẽ xuống tới âm 86 độ C. Dưới tình huống bên ngoài không có nắng, mọi người chỉ có thể ở trong phòng, uống vitamin D và sử dụng ánh sáng mặt trời nhân tạo để duy trì sức khỏe.
Cô cho biết tình trạng ban đêm vùng cực dễ dẫn tới Hội chứng qua đông (winter-over syndrome), khiến mọi người rơi vào các trạng thái như trầm cảm, hay quên, cáu kỉnh, khó tập trung, v.v. hơn nữa còn dễ mất kiên nhẫn.
Trong một đoạn video ngắn khác, cô Endo đã chia sẻ cảnh quay về tia sáng đầu tiên sau 6 tháng chìm trong ban đêm vùng cực. Cô cho biết đó là một trải nghiệm đầy cảm xúc đối với cô.
Ngoài những thách thức như nhiệt độ thấp, cô Endo còn phải vượt qua vấn đề về độ cao khi làm việc ở Nam Cực. Trạm nghiên cứu khoa học của cô nằm trên một cao nguyên ở độ cao 2,835 mét, áp suất không khí khá thấp, leo một đoạn cầu thang cũng có thể khiến cô khó thở.
Cô Endo cho biết cô đã sống ở Nam Cực một năm và chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ loài động vật hay thực vật nào. Công việc trong một năm này dường như đã khiến cô già đi 10 tuổi. Đây là công việc mệt mỏi nhất mà cô từng làm, nhưng cô không có ý nghĩ mong muốn rời đi.
Cô nói: “Khi thời gian ở đây kết thúc, tôi mong được đến một nơi nào đó ấm áp, chơi đùa với một số loài động vật và ăn một số thực phẩm tươi sống. Tôi cũng dự định tiếp tục làm việc trên trang web của mình để cung cấp thông tin cho những người khác về cách đi đến những nơi như Nam Cực mà không mất tiền.”