Sóng não của bệnh nhân sắp chết đột nhiên hoạt động, hồi tưởng về cuộc sống
Tử vong luôn là một điều bí ẩn đối với con người, con người sẽ nhìn thấy gì hoặc cảm thấy gì khi sắp chết? Nó vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải. Tuy nhiên, các khoa học gia đã vô tình ghi lại được sóng não của một bệnh nhân sắp tử vong, có thể giúp giải đáp bí ẩn này.
Một nhóm khoa học đa quốc gia đã sử dụng điện não đồ liên tục (EEG) để ghi lại sóng não của một người đàn ông 87 tuổi mắc chứng động kinh, nhưng tình cờ phát hiện ra hoạt động của não khi bệnh nhân lên cơn đau tim và qua đời. Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí “Frontiers in Aging Neuroscience” số tháng 02/2022.
Sóng não tăng động sau khi tim ngừng đập
Một trong những người tham gia nghiên cứu, Tiến sĩ Ajmal Zemmar, bác sĩ giải phẫu thần kinh tại Đại học Louisville, Mỹ quốc cho biết, 30 giây trước và sau khi tim của bệnh nhân ngừng đập, trong não bệnh nhân đã xuất hiện một dạng sóng não cụ thể. Tiến sĩ Zemmar suy đoán rằng, thông qua việc tạo ra các sóng não liên quan đến việc truy xuất trí nhớ như vậy, bộ não có thể có một hồi ức cuối cùng về các sự kiện quan trọng trong cuộc đời vào thời khắc cuối cùng. Điều này giống như điều người ta thường nói rằng “thấy đời người vụt qua trước mắt”, cũng rất giống với hiện tượng được đề cập trong nhiều trải nghiệm cận tử.
Một nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2013 đã phát hiện, tất cả 09 con chuột trong thí nghiệm đều có sóng não hoạt động mạnh trong 30 giây sau khi tim ngừng đập. Điều này giống với những gì mà nhóm của Tiến sĩ Zemmar phát hiện ở bệnh nhân đang cận kề cái chết.
Những người có trải nghiệm cận tử đã nhìn lại cuộc đời của mình
Hiện tượng “nhìn lại cuộc đời” khi bước vào trạng thái tử vong cũng đã xảy ra với rất nhiều người trải qua trải nghiệm cận tử.
Nhà văn Dannion Brinkley đã đem hai trải nghiệm cận tử của mình viết thành một cuốn sách với tựa đề “Saving by the Light”. Sau khi xuất bản vào năm 1994, cuốn sách này đã được New York Times xếp vào danh sách sách bán chạy nhất trong 5 tháng liên tiếp. Ông Brinkley cho biết, trải nghiệm cận tử đầu tiên của mình là vào ngày 17/09/1975, khi có một cơn bão đổ bộ vào Aiken, Nam Carolina. Ông Brinkley lúc đó 25 tuổi, đang ở trong nhà và nói chuyện điện thoại với một người bạn thì bị một tia sét đánh trúng qua đường dây điện thoại, đẩy mạnh ông lên không trung.
Sau khi cảm thấy cái nóng như thiêu như đốt và sự đau đớn tột cùng, linh hồn của ông Brinkley đã rời khỏi thể xác, ông cảm thấy được đắm mình trong sự bình yên và tĩnh lặng. Lơ lửng giữa không trung, ông nhìn thấy gia đình và bạn bè đang hốt hoảng sơ cứu cho mình, cũng thấy xe cứu thương vội vã đưa thân thể ông đến bệnh viện, còn linh hồn ông Brinkley thì đi qua một đường hầm và đến một nơi có ánh sáng.
Sau đó, ông Brinkley bắt đầu nhìn lại 25 năm cuộc đời của mình, thậm chí ngay cả đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ông còn ngạc nhiên khi phát hiện rằng, ông có thể cảm nhận được cảm thụ của những người khác trong các sự việc xảy ra trong đời. Ví dụ, ông Brinkley từ nhỏ có tính cách phóng túng, ỷ mạnh hiếp yếu, thích đánh nhau và bắt nạt người khác. Khi nhìn lại giai đoạn cuộc đời này, ông đã tự mình thể nghiệm được cảm giác đau đớn, hoang mang, hoảng sợ và bất lực của các nạn nhân.
Ông Brinkley từng bắn chết một sĩ quan Bắc Việt trong Chiến tranh Việt Nam, ông cảm nhận được sự bối rối của viên sĩ quan đó khi đột nhiên bị bắn vào đầu, sau đó là nỗi buồn, sự bất lực và đau khổ khi anh ấy không còn được gặp gia đình của mình. Ông thậm chí còn cảm nhận được nỗi đau kéo dài liên tiếp nhiều năm của gia đình viên sĩ quan khi họ nghe tin về cái chết của anh. Khi nhìn lại các sự việc này, ông rơi vào trạng thái ân hận và xấu hổ, cảm thấy không thể tha thứ cho bản thân. Vì vậy, sau khi trở lại nhân thế, ông đã hoàn toàn thay đổi bản thân, làm mọi thứ trong khả năng của mình để giúp đỡ người khác.
5% người Mỹ đã từng trải qua trải nghiệm cận tử
Trải nghiệm cận tử là hiện tượng mà một số người trải qua khi họ cận kề cái chết, thuật ngữ này được đề xuất bởi Tiến sĩ Raymond Moody, một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ kiêm giáo sư tại Đại học Nevada. Ông Moody đã xuất bản cuốn sách “Life After Life” vào năm 1975 sau khi nghiên cứu 100 trường hợp “chết lâm sàng” và sống lại, cũng như những lời kể của chính họ về thế giới sau khi tử vong. Kể từ đó, ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học về trải nghiệm cận tử đã được tiến hành.
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí “Frontiers in Human Neuroscience” vào năm 2014, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu 190 trải nghiệm cận tử với các đặc điểm khác nhau, bao gồm các trải nghiệm cận tử xảy ra sau các sự kiện không nguy hiểm đến tính mạng như ngủ, thiền và ngất xỉu, cho đến các trải nghiệm cận tử xảy ra trong tình trạng hôn mê do thiếu oxy, chấn thương hoặc bệnh tật v.v.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các trường hợp khác nhau này đều có rất nhiều điểm tương đồng, bao gồm nhìn thấy ánh sáng rực rỡ trước mắt, cảm giác thoát ra khỏi cơ thể của mình, và những mảnh vỡ ký ức lóe lên v.v. Có 89% đến 93% số người trong các loại trường hợp khác nhau cho biết họ có cảm giác bình yên hoặc thoải mái.
Điều đáng ngạc nhiên là, có không ít người từng có trải nghiệm cận tử. Một cuộc thăm dò vào năm 1992 của công ty Gallup cho thấy có 13 triệu người Mỹ, hay 5% dân số Mỹ quốc đã từng trải qua trải nghiệm cận tử. Một nghiên cứu của Hà Lan được công bố trên tạp chí The Lancet vào năm 2001 cho thấy, trong số 344 bệnh nhân tim được hồi sức thành công sau khi tim ngừng đập, thì có 62 bệnh nhân (18%) đã trải qua trải nghiệm cận tử.
Nhà văn Đào Kiệt nói về trải nghiệm cận tử kỳ diệu của mình
Vào năm 2022, ông Đào Kiệt (Chip Tsao), nhà văn người Hồng Kông, đã nói về trải nghiệm cận tử kỳ diệu của mình trong một chương trình phỏng vấn trên kênh YouTube của Trần Chí Vân (Chen Zhiyun), cố vấn trưởng kiêm người dẫn chương trình của Đài phát thanh Thương mại Hồng Kông.
Đào Kiệt nhớ lại rằng vào năm 1994 khi ông 36 tuổi, ông đã bị tai nạn xe cộ nghiêm trọng, sau khi được đưa đến bệnh viện, ông đã trong tình trạng hấp hối. Sau 15 tiếng đồng hồ phẫu thuật cấp cứu, bác sĩ cho ông biết: Các phương pháp y học đã dùng hết, “hiện tại cần dựa vào ý chí của anh rồi”. Ông Đào Kiệt nói rằng khi đang hấp hối, ông nhìn thấy một đại dương rất lớn trước mặt, trên mặt nước có những bông sen màu vàng và hồng lớn cỡ một chiếc bàn tròn trôi nổi, ông còn nghe thấy ai đó đang tụng Kinh bên tai.
Ông Đào Kiệt nói rằng trải nghiệm này rất rõ ràng và sống động, vào thời điểm đó, dường như có một sức mạnh nào đó đang đẩy ông đi, nhưng cũng có một giọng nói trong nội tâm nói với ông rằng không thể đi, bởi vì có rất nhiều điều chưa được thực hiện. Ông nói: “Cảm giác đó có nỗi sợ hãi, nhưng cũng có sự an tường. Tôi luôn tự hỏi mình, bước qua đó kỳ thực sẽ rất thoải mái, những đóa sen kia sẽ như con thuyền đưa tôi đến một nơi khác.”
Vào thời điểm đó, ông cũng trải qua một số điều mà khoa học không thể giải thích được. Đào Kiệt lúc đó đang nằm trong phòng ICU, ông nghe thấy cha mẹ đang thảo luận về kế hoạch điều trị cho ông, nói về việc có nên mời một bác sĩ phổi khác tham gia vào đội ngũ y tế hay không, và còn nghe thấy tiếng khóc của cha mẹ ông.
Nửa tháng sau, Đào Kiệt được chuyển từ ICU đến phòng bệnh bình thường. Khi cha mẹ của ông đến thăm, Đào Kiệt nói rằng khi ông hôn mê, hình như ông nghe thấy cha mẹ thảo luận để tìm một bác sĩ chuyên khoa. Cha anh nói đúng vậy, nhưng cảm thấy kỳ lạ vì hai người họ thảo luận về điều đó trong một phòng khách sạn bên ngoài bệnh viện, “Làm sao con có thể nghe được khi ở xa như vậy?”. Đào Kiệt khẳng định đó không phải ảo giác, ông nghe rất rõ ràng và còn có thể kể lại nội dung cuộc nói chuyện.
Khi Đào Kiệt vẫn còn nằm trong phòng ICU, một ngày nọ, ông nhìn thấy có 2-3 người bạn đến thăm ông. Sang ngày hôm sau, quả thực có những người bạn mặc quần áo giống như vậy, nói những lời giống như vậy đến thăm ông. Trong lòng Đào Kiệt cảm thấy rất kỳ lạ, hỏi ra mới biết thì ra khi ông đang trong tình trạng hấp hối, ông đã nhìn thấy trước cảnh tượng bạn mình sẽ đến thăm vào ngày hôm sau.
Những trải nghiệm này đã giúp ông Đào Kiệt nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của sinh tử. Ông nói, “Tôi đã nhìn thấy tương lai và rời khỏi không gian này, [bởi vậy] một người sau khi chết hẳn là sẽ có một nơi khác để đến”. Sau này, ông Đào Kiệt có thêm hai lần chạm trán với cái chết, điều này đã cho ông một cái nhìn mới về sinh mệnh, thời gian và không gian cũng như thế giới bên kia, đồng thời cũng khiến ông tin rằng bên trên nhân loại có sinh mệnh cao cấp hơn.
Ngô Mật Thần thực hiện
Liên Thư Hoa biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ