Sinh viên Trung Quốc nhớ lại dịch bệnh COVID: Ba đám tang được tổ chức trong phạm vi một km
Khi tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc tiếp tục nóng lên trở lại, anh Nhan Ninh (Yan Ning, bí danh), một sinh viên đại học ở miền nam Trung Quốc, đã nhiễm COVID-19 lần thứ hai và sau đó khỏi bệnh. Tuy nhiên, điều anh không thể quên là cảnh tượng bi thảm khi ở quê nhà có đến hai hoặc ba đám tang trong phạm vi một km, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bất ngờ dỡ bỏ lệnh phong tỏa hồi năm ngoái.
Hôm 03/09, anh Nhan Ninh nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng gần đây anh lại bị nhiễm COVID-19, và đây là lần thứ hai anh nhiễm virus này trong hơn ba năm xảy ra dịch bệnh.
Sau khi nhiễm dịch, miệng như cành khô
“Toàn thân rất nóng, môi bong tróc, không có hơi ẩm,” anh Nhan Ninh nói. “Khô và nóng, giống như cành cây khô. Giống như cành cây vừa mới thoát ra khỏi đám cháy rừng.”
Theo mô tả của anh Nhan, anh bắt đầu bị ngứa họng hôm 20/08. Đêm đó anh cảm thấy mệt và sốt cao 38°C. Sau đó anh phát hiện mình bị dương tính với COVID-19. Hôm 21/08, anh sốt gần 40°C và tình trạng này kéo dài suốt một tuần, cơn sốt không thuyên giảm cho đến ngày 26/08.
Anh Nhan cảm thấy toàn thân yếu ớt và đau nhức, đặc biệt là vùng eo. Anh cũng nhận thấy nước tiểu của mình có màu xám, giống như nước có chất bẩn trong đó. “Nước tiểu rất đục, giống như nước thải, như nước đen,” anh nói thêm.
Sau khi được người thân chăm sóc và mua thuốc uống thông qua hình thức trực tuyến, anh Nhan dần bình phục.
Anh cho biết, điều kỳ diệu là lần này dù người nhà tiếp xúc với anh nhưng họ không bị nhiễm bệnh.
Ngoài trường hợp của bản thân, anh Nhan còn thấy một số bạn cùng lớp và nhiều người khác đăng trên WeChat nói rằng họ cũng bị “dương tính” trở lại, và tình trạng này bắt đầu vào khoảng tháng Sáu.
Gần đây, nhiều cư dân mạng Hoa lục để lại tin nhắn trên weibo nói rằng họ bị “tam dương” (dương tính lần thứ 3 với COVID-19), hoặc xung quanh có người nào đó bị “tam dương.” Hôm 31/08, một bác sĩ ở Trùng Khánh cũng xác nhận với Epoch Times rằng hầu như ngày nào cũng có trường hợp dương tính với COVID-19, nhiều hơn so với những tháng trước. Một số bác sĩ ở thành phố Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, cũng cho biết giờ đây họ có thể gặp những bệnh nhân “dương tính lần 2” và “dương tính lần 3” tại các phòng khám ngoại trú.
“Tôi thực sự bàng hoàng trước cảnh tượng này”
Trong cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, anh Nhan Ninh đã chia sẻ trải nghiệm của mình. Những cảnh tượng mà anh chứng kiến khi trở về quê nhà trong kỳ nghỉ đông năm ngoái (tháng 12/2022 đến tháng 01/2023) khiến anh không thể nào quên.
Miền Nam Trung Quốc không có lò sưởi, mùa đông rất lạnh, mọi người đều ở nhà, đường phố yên tĩnh và có chút hoang vu. Thế nhưng, sau khi đi vào góc đường, anh nghe có tiếng chiêng trống vang lên.
“Quý vị có biết cảnh tượng này khiến tôi bàng hoàng thế nào không?” anh Nhan kể lại. Khi đi qua một khu vực ở ngoại ô, anh nhìn thấy có nhiều người đang tổ chức tang lễ trên đường.
“Đột nhiên tiếng chiêng trống vang lên, tấu loại nhạc tang lễ đó, rất nhiều người đang bày rượu cúng,” anh nói, và cho biết anh thấy trước nhà của những người dân này dựng lên những chiếc lều bằng nhựa xanh, có chữ “Điện” ở tiền sảnh. Ngoài sân và trên đường đầy pháo đỏ.
“Trong vòng một km có thể có hai hoặc ba nhà [đang tổ chức tang lễ]. Càng đi xa thì càng thấy nhiều, những cảnh tương tự sẽ tiếp tục xuất hiện,” anh nói.
Nếu không có dịch bệnh, có lẽ một số người cao niên vẫn sống khỏe mạnh đến mùa đông năm nay. Nhưng khi dịch bệnh ập đến, họ lại lần lượt ra đi. Anh Nhan cảm thấy tiếc cho họ.
Anh nói: “Những lão nhân này đã trải qua Đại nhảy vọt, nạn đói lớn (kéo dài ba năm), thậm chí đã trải qua Đại Cách mạng Văn hóa, kế hoạch hóa gia đình, v.v., nhưng cuối cùng họ cũng không có một kết cục an lành. Họ đã hợp tác với ĐCSTQ để làm những nhiệm vụ và hoạt động chính trị đó, nhưng cuối cùng kẻ sát hại họ lại chính là ĐCSTQ. Bao nhiêu người tử vong như vậy vẫn không thể khiến ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ nhận ra sai lầm. Những người này đã ra đi một cách vô ích, cũng không được tính vào các trường hợp tử vong (vì dịch bệnh), không có ai quan tâm.”
Anh giải thích: “Cảm giác trực quan nhất là cảm thấy những người này thực sự đáng thương, thực sự rất đáng thương.”
Anh cho biết những người xung quanh anh đều chết lặng trước những cảnh tượng này.
“Có vẻ như họ không còn cảm thấy ngạc nhiên nữa, bởi vì sau quá nhiều trò hề hoặc bi kịch như vậy xảy ra, dường như họ đã chết lặng,” anh Nhan nói. “Họ không còn có nhiều cảm xúc để bày tỏ, có lẽ nước mắt của họ đã cạn rồi.”
Vào đầu tháng 12 năm ngoái, ĐCSTQ dỡ bỏ chính sách “zero COVID” trên toàn Trung Quốc sau 3 năm thực hiện. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã không chuẩn bị đầy đủ về y tế và các biện pháp phòng ngừa khác, dẫn đến một số lượng lớn người tử vong. Đầu năm nay, Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, cho rằng ĐCSTQ đã che đậy tình hình dịch bệnh, 400 triệu người dân ở Trung Quốc đã tử vong vì dịch bệnh.
Không sợ bản thân nhiễm virus, chỉ sợ chiến dịch chính trị của ĐCSTQ
Anh Nhan Ninh cho biết nhiều người dân ở Hoa lục không được tự do tiếp cận thông tin mà chỉ theo dõi các hãng truyền thông chính thức của nhà nước, dẫn đến việc nhiều người chịu thiệt thòi, chẳng hạn như họ không mua được thuốc.
Anh nói: “Tôi biết rằng một ngày nào đó, họ (ám chỉ ĐCSTQ) chắc chắn sẽ không ngăn chặn được. Họ (ĐCSTQ) chắc chắn sẽ đá bay nó [dịch bệnh] và thả nó ra một cách đột ngột. Lúc đó, khẳng định sẽ không mua được thuốc.” Anh cho biết điều anh lo lắng đã xảy ra hồi tháng 12/2022.
Anh Nhan là một trong số rất ít người tự chuẩn bị thuốc cho mình. Anh cũng cố gắng hết sức để khuyên người thân, bằng hữu chuẩn bị thuốc. Khi đó, cộng đồng nơi anh sinh sống yêu cầu mọi người ghi danh xem có thiếu thuốc hay không. Danh sách cho thấy nhiều người không có thuốc, trong đó có cả phụ nữ mang thai bị sốt cao và người mắc bệnh nền. “Họ không thể mua thuốc ibuprofen hay bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào, chỉ có thể tự chống chọi,” anh nói.
Tháng 12 năm ngoái, một người bạn cùng lớp của anh Nhan Ninh bị sốt 41°C, nằm trong căn phòng thuê. Sau khi được anh thuyết phục thì người bạn này mới đến bệnh viện.
“Cậu ấy nói cậu ấy vừa bò vừa lăn đến bệnh viện, nhưng bệnh viện nói ở đây quá nhiều người, không thể tiếp nhận, bảo cậu ấy phải đợi thêm.” Anh Nhan nhấn mạnh, tình trạng của người bạn này đã rất nguy kịch. Lúc đó cậu ấy bị rất nặng, sốt cao, ho ra máu, nhưng bệnh viện không tiếp nhận.
“Họ đã chống dịch trong suốt ba năm, nhưng cuối cùng lại có kết thúc như vậy. Tôi nghĩ đó chính là ĐCSTQ, điều đó thực sự mang đặc tính ĐCSTQ,” anh tỏ vẻ tức giận nói.
Anh Nhan nhiều lần nhấn mạnh rằng anh không sợ virus, mà chỉ sợ các biện pháp chống dịch của ĐCSTQ.
Anh nói: “Điều tôi sợ hãi là hết lần này đến lần khác họ bày ra các chiến dịch chính trị, bày ra các chính sách vô lý.” Anh nói rằng không có ai thảo luận liệu các chính sách do ĐCSTQ đưa ra có hợp lý hay không, “Nếu phạm sai lầm, tất cả người dân Trung Quốc phải chịu trách nhiệm thay cho ông ấy (đặc biệt là ông Tập Cận Bình). Đây là điều tôi lo sợ nhất.”
Anh Nhan Ninh từng hiểu chưa đầy đủ về ĐCSTQ. Khi thấy Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Olympic năm 2008, anh nghĩ rằng Trung Quốc đang hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, khi lớn lên và quan sát, anh phát hiện bản thân hệ thống ĐCSTQ này có vấn đề không ổn.
Anh nói: “Việc phòng dịch thiếu khoa học trong 3 năm qua thực chất là hệ quả tất yếu (dưới sự cai trị của ĐCSTQ), nhưng nhiều người chưa nhận thức được vấn đề này.”
Tiêu Luật Sinh thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ