Sinh viên Ấn Độ lần đầu tiên đông hơn sinh viên Trung Quốc ở các nước nói tiếng Anh
Trong những năm gần đây, Trung Quốc là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, năm nay, tình hình này đã có bước biến chuyển đáng kể, đó là Ấn Độ hiện đang trở thành quốc tịch phổ biến nhất đối với sinh viên quốc tế.
Theo tờ báo nổi tiếng về giáo dục bậc cao Chronicle of Higher Education có trụ sở tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, các lãnh sự quán Hoa Kỳ trên toàn thế giới đã cấp gần 282,000 thị thực F-1 (dành cho sinh viên quốc tế muốn theo học ở Hoa Kỳ) từ tháng Năm đến tháng Tám năm nay — tăng 2% so với cùng thời kỳ năm 2021 — và tăng 10% so với cùng thời kỳ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trong số đó, 84,000 thị thực F-1 đã được cấp cho sinh viên đến từ Ấn Độ — tăng gần 45% so với cùng thời kỳ năm ngoái và gấp gần 1.5 lần so với số lượng visa được cấp trong cùng thời kỳ năm 2019.
Sinh viên từ Trung Quốc chỉ nhận được khoảng 47,000 thị thực F-1 trong khoảng thời gian bốn tháng này — giảm khoảng 40,000 thị thực so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Theo số liệu do Opendoors cung cấp, số lượng công dân Trung Quốc du học tại Hoa Kỳ đã tăng 4.5 lần từ 67,800 lên 372,000 người từ niên khóa 2006-2007 đến niên khóa 2019-2020. Tuy nhiên, đến niên khóa 2020-2021, con số này đã giảm 15% xuống còn 317,000 du học sinh.
Theo tờ Chronicle of Higher Education, con số này tiếp tục giảm xuống còn khoảng 252,000 người trong tháng Chín năm nay — giảm thêm 20% so với năm học trước.
Trong những năm qua, Ấn Độ là nguồn sinh viên quốc tế lớn thứ hai tại Hoa Kỳ, với số lượng sinh viên Ấn Độ đạt mức cao khoảng 200,000 người trong khoảng thời gian từ niên khóa 2017-2018 đến 2019-2020. Con số này giảm xuống còn khoảng 168,000 người trong niên khóa 2020-2021, nhưng trong tháng Chín năm nay, số lượng sinh viên Ấn Độ tại Hoa Kỳ đã tăng đáng kể lên mức cao kỷ lục là 241,000 người.
Tình hình tương tự ở các nước nói tiếng Anh khác
Việc giảm sinh viên Trung Quốc và tăng sinh viên Ấn Độ cũng là một xu hướng ở các nước nói tiếng Anh khác.
Tại Vương quốc Anh, gần 487,000 thị thực giáo dục đã được cấp từ tháng 07/2021 đến tháng 06/2022, tăng 71% so với năm 2019 — một năm trước khi đại dịch bùng phát — thời điểm chỉ có 202,000 thị thực được cấp, theo dữ liệu được chính phủ Anh công bố hôm 23/09.
Trong số 487,000 thị thực giáo dục này, 118,000 đã được cấp cho sinh viên Ấn Độ: tăng hơn 80,000 thị thực so với năm 2019, tăng hơn hai lần. Trong khi đó, 115,000 visa du học đã được cấp cho công dân Trung Quốc, giảm 4% so với năm 2019.
Số liệu chính thức từ Canada cho thấy vào ngày 31/12/2021, có 217,000 sinh viên Ấn Độ có thị thực du học Canada. Trong khi đó, có 105,000 sinh viên đến từ Trung Quốc.
Úc cũng đang chứng kiến một xu hướng tương tự, nơi Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn sinh viên ngoại quốc lớn nhất ở tiểu bang Victoria.
Tháng 03/2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, sinh viên Trung Quốc chiếm hơn 25% dân số sinh viên quốc tế của Victoria, trong đó Ấn Độ đứng thứ hai với 24%.
Vào ngày 14/03/2022, có 96,300 sinh viên quốc tế có thị thực ở Victoria, trong đó du học sinh Ấn Độ chiếm 1/4 tổng số và đứng đầu bảng, trong khi Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ hai, chiếm gần 20%.
Sinh viên Ấn Độ ở Âu Châu cũng đang tăng lên
Hồi tháng Chín năm nay, một quan chức Ấn Độ đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng số lượng sinh viên Ấn Độ ở Đức đã tăng gấp ba lần trong vòng bảy năm qua. Người Ấn Độ hiện là nhóm sinh viên quốc tế lớn thứ hai ghi danh vào các trường đại học của Đức, trong đó có 33,753 sinh viên Ấn Độ hiện đang học tập tại Đức.
Hồi tháng Năm năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cùng đưa ra một tuyên bố, trong đó có nội dung: “Nhận thấy lợi ích của việc trao đổi sinh viên song phương, nên Pháp đã duy trì mục tiêu 20,000 sinh viên Ấn Độ vào năm 2025, điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mới, khởi nghiệp, và đổi mới giữa hai quốc gia. ”
Các chính sách hạn chế hơn đối với sinh viên Trung Quốc
Tại Hoa Kỳ, đã có những đề xướng cấm công dân Trung Quốc theo học sau đại học trong các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) và hạn chế những người tham gia trong Chương trình Ngàn Nhân tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hồi tháng 05/2020, hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã giới thiệu một dự luật cấm công dân Trung Quốc xin thị thực du học để nghiên cứu sau đại học trong các lĩnh vực STEM tại Hoa Kỳ, nhưng cũng cung cấp cho tổng thống quyền miễn thực hiện với lý do an ninh quốc gia để sử dụng trong từng trường hợp cụ thể.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) cho biết, “Từ lâu Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng các trường đại học của Mỹ để tiến hành hoạt động gián điệp đối với Hoa Kỳ. Điều tồi tệ hơn là những nỗ lực của họ đang lợi dụng các lỗ hổng trong luật hiện hành. Đã đến lúc điều đó phải kết thúc. Đạo luật KHUÔN VIÊN AN TOÀN sẽ bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta và duy trì tính toàn vẹn của doanh nghiệp nghiên cứu ở Mỹ quốc.”
Tương tự, Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) cho biết, “Bắc Kinh lợi dụng thị thực sinh viên và thị thực nghiên cứu để đánh cắp bí mật khoa học, công nghệ, kỹ thuật và sản xuất từ các cơ sở nghiên cứu và học thuật của Hoa Kỳ. Chúng ta đã tiếp sức cho cơn khát đổi mới của Trung Quốc bằng sự ngây thơ chân thật và tài năng cũng như bằng tiền đóng thuế của người dân Mỹ quá lâu; đã đến lúc phải bảo vệ cho doanh nghiệp nghiên cứu của Hoa Kỳ trước hoạt động gián điệp kinh tế của ĐCSTQ.”
Dự luật này vẫn chưa được thông qua.
Vào ngày 29/05/2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh cấm một số người Trung Quốc nhất định là sinh viên tốt nghiệp và các học giả thỉnh giảng trong các lĩnh vực STEM được đặt chân đến Hoa Kỳ nếu họ có bất kỳ mối liên hệ nào với các tổ chức Trung Quốc có liên quan đến quân sự, nhằm ngăn chặn việc chuyển giao tài sản trí tuệ (IP) và công nghệ của Hoa Kỳ cho nhà nước Trung Quốc. Thông báo này bày tỏ lo ngại đặc biệt rằng một số nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Trung Quốc có thể dễ dàng bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc cưỡng chế trở thành “người thu thập” tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times