Silicon Valley Bank được FDIC tiếp quản sau khi sụp đổ
Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FCIC) đã nắm quyền kiểm soát Silicon Valley Bank (SVB) để bảo vệ người gửi tiền tránh bị mất toàn bộ số tiền của họ sau khi ngân hàng này bị Sở Đổi mới và Bảo vệ Tài chính California (DFPI) đóng cửa.
Theo một thông cáo báo chí, hôm 10/03, các cơ quan quản lý ngân hàng liên bang đã tiếp quản ngân hàng lớn thứ 16 của đất nước, nguyên là một ngân hàng cho vay hàng đầu đối với các công ty công nghệ và khoa học đời sống, và các công ty khởi nghiệp của Mỹ.
Sự sụp đổ của ngân hàng ở California này là thất bại trong ngành ngân hàng lớn nhất kể từ vụ Washington Mutual vào năm 2008, trong cuộc đại khủng hoảng ngân hàng trước đây.
FDIC đã thành lập một định chế gọi là ngân hàng bắc cầu — Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia Santa Clara (DINB). FDIC đã chuyển tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của SVB đến DINB trong vai trò là bên tiếp nhận, và vì vậy tất cả tài sản được bảo hiểm, với giới hạn bảo hiểm lên đến 250,000 USD, đều được an toàn, và bắt đầu từ ngày 13/03, người gửi tiền sẽ có thể truy cập tài sản của họ.
Mặc dù văn phòng chính và tất cả các chi nhánh của SVB sẽ mở cửa trở lại vào đầu tuần tới (13-19/03), nhưng hiện tai DINB sẽ kiểm soát và quản lý hoạt động của SVB.
Giới hạn bảo hiểm chính thức là 250,000 USD cho mỗi người gửi tiền, cho mỗi ngân hàng được bảo hiểm, cho mỗi nhóm sở hữu tài khoản, vì vậy một số người gửi tiền có thể có hơn 250,000 USD được bảo hiểm.
Tuy nhiên, FDIC nói thêm rằng họ “sẽ trả trước cho những người gửi tiền không được bảo hiểm một khoản cổ tức trong tuần tới” và họ sẽ nhận được một giấy chứng nhận quyền thụ hưởng đối với số tiền còn lại trong số tiền không được bảo hiểm của họ.
Các khoản thanh toán cổ tức trong tương lai có thể được thực hiện cho những người gửi tiền không được bảo hiểm, trong khi FDIC bán tài sản của SVB.
Tổng giám đốc của Pershing Square, ông Bill Ackman, đã cảnh báo trong một tweet ngay trước khi ngân hàng này sụp đổ: “Sự thất bại của SVB Financial có thể phá hủy một động lực dài hạn quan trọng của nền kinh tế khi các công ty do các quỹ đầu tư mạo hiểm hậu thuẫn dựa vào SVB để vay và giữ tiền mặt lưu động của họ.”
Người cho vay ở Thung lũng Silicon đã gặp rắc rối trong một thời gian
Số tiền đã được rút ra khỏi SVB ngày hôm qua (10/03) chưa được xác nhận sau khi thông báo về kế hoạch bán cổ phần trị giá 2.25 tỷ USD của họ đã gây ra một cuộc tháo chạy ra khỏi ngân hàng này.
Việc tăng lãi suất ồ ạt trong năm qua đã khiến giá trị trái phiếu giảm xuống, đặc biệt là những trái phiếu phải mất nhiều năm mới đáo hạn, và buộc ngân hàng này phải tái đầu tư số tiền thu được từ việc bán trái phiếu vào tài sản ngắn hạn.
SVB đã chịu tổn thất đáng kể trong danh mục đầu tư của mình, vốn được đầu tư rất nhiều vào công khố phiếu Hoa Kỳ và chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp (TIPS), mà tất cả đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm hơn 60% sau thông báo ngày 08/03, xóa sạch 9.4 tỷ USD giá trị thị trường.
Các tổng giám đốc công khai tuyên bố rằng họ sẽ bán số cổ phần trị giá 21 tỷ USD với khoản lỗ 1.75 tỷ USD, đồng thời huy động 500 triệu USD từ công ty liên doanh General Atlantic để nhanh chóng bù đắp cho khoản tiền gửi đang giảm nhanh chóng của khách hàng và các khoản lỗ trái phiếu để cứu công ty.
Chỉ vài giờ sau khi công bố một thỏa thuận để đầu tư 500 triệu USD vào ngân hàng hiện đã phá sản này, General Atlantic vẫn chưa đưa ra một bình luận nào.
Hồi đầu tuần này (06-12/03), Tổng giám đốc của SVB, ông Greg Becker, đã nói với khách hàng rằng “hãy bình tĩnh. Đó là đề nghị của tôi. Chúng tôi đã hoạt động 40 năm, trợ giúp quý vị, trợ giúp các công ty đầu tư, trợ giúp các nhà đầu tư mạo hiểm.”
Tuy nhiên, nhiều người gửi tiền cùng nhiều nhà bảo trợ vốn đầu tư mạo hiểm của ngân hàng này đã hoảng sợ và rút tiền ra.
Các công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu như Coatue và Founders Fund đã khuyến khích các công ty trong danh mục đầu tư nghiêm túc xem xét việc rút tiền ra khỏi SVB, trong khi Sequoia Capital nhắc lại chiến lược đa dạng hóa của mình sau khi những lo ngại về sự ổn định của ngân hàng này đã gia tăng.
Tính đến cuối năm 2022, nhà cho vay ở California này đã có tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD và 175 tỷ USD tiền gửi.
Tuy nhiên, FDIC cho biết tổng số tiền gửi hiện tại của họ vào thời điểm này là “chưa xác định.”
Số tiền gửi được bảo hiểm và không được bảo hiểm là chưa xác định tại thời điểm đóng cửa và sẽ được xác định sau khi FDIC có thêm thông tin từ ngân hàng và khách hàng.
Các nhà kinh tế hy vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất sau sự sụp đổ của SVB
Thông tin về sự sụp đổ của SVB có thể khiến các ngân hàng ngần ngại hơn trong việc cho vay, trong đó có cả những đối thủ cho vay vốn có rất nhiều các khoản tiền gửi mới.
Một số nhà kinh tế hy vọng rằng tin tức này sẽ ngăn chặn Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất cao hơn.
Số lượng nhà đầu tư cho rằng khả năng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất 50 điểm căn bản đã giảm trong ngày hôm nay, nhưng báo cáo việc làm tháng Hai có thể lại là một yếu tố khác khiến họ có kỳ vọng như vậy.
Nhà kinh tế học Mohamed A. El-Erian cho biết trong một tweet: “Hôm nay có rất nhiều lời bàn tán về khả năng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ xảy ra căng thẳng trên diện rộng do những rắc rối của SVB. Chuyện này tóm tắt trong ba điều: Mặc dù hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ nói chung là vững chắc, và đúng là thế, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi ngân hàng đều như vậy.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times