SCOTUS sẽ thụ lý vụ kiện có thể công nhận quyền điều hành các cuộc bầu cử của cơ quan lập pháp tiểu bang
‘Học thuyết cơ quan lập pháp tiểu bang độc lập’ từ lâu đã rất phổ biến trong các nhà tư tưởng pháp lý theo phái bảo tồn truyền thống cũng như các thành viên Đảng Cộng Hòa
Hôm 30/06, Tối cao Pháp viện đã quyết định sẽ xét xử một vụ kiện mới quan trọng mà Đảng Cộng Hòa hy vọng sẽ trao lại quyền cho các cơ quan lập pháp tiểu bang đưa ra các quy định tái phân chia địa hạt bầu cử và điều hành các cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống.
Đảng Cộng Hòa cho biết Hiến Pháp Hoa Kỳ luôn trao quyền trực tiếp cho các cơ quan lập pháp tiểu bang đưa ra các quy định về việc tiến hành các cuộc bầu cử, kể cả các cuộc bầu cử tổng thống. Đảng Dân Chủ nói rằng ý tưởng này, được bao trùm bên trong học thuyết cơ quan lập pháp tiểu bang độc lập, là một lý thuyết pháp lý của phái bảo tồn truyền thống có thể gây nguy hại cho quyền bầu cử. Tối cao Pháp viện được cho là chưa bao giờ phán quyết về học thuyết này.
Học thuyết nói trên, nếu được Pháp viện tán thành, có thể cho phép các cơ quan lập pháp tiểu bang lựa chọn đại cử tri tổng thống trong các cuộc bầu cử tranh chấp, điều mà các nhà phê bình chỉ trích là một mối đe dọa đối với nền dân chủ.
Chuyên gia luật bầu cử J. Christian Adams, một cựu luật sư về quyền dân sự của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, người hiện đứng đầu nhóm bầu cử liêm chính Tổ chức Pháp lý Lợi ích Công cộng (Public Interest Legal Foundation), ca ngợi Tối cao Pháp viện vì đã đồng ý xét xử vụ kiện mà theo ông là “rất quan trọng” này.
“Điều đó có nghĩa là Pháp viện có thể sẽ giải quyết tất cả những điều vô nghĩa đã xảy ra trong 10 năm qua,” ông Adams nói với The Epoch Times qua thư điện tử.
Trong một loạt bài đăng trên Twitter, luật sư của Đảng Dân Chủ kiêm nhà hoạt động về luật bầu cử Marc Elias đã lên án quyết định xét xử vụ kiện của tòa án.
“Tối cao Pháp viện sẽ xét xử một vụ án vào nhiệm kỳ tới có thể phê chuẩn lý thuyết cơ quan lập pháp tiểu bang độc lập nguy hiểm,” ông viết.
“Quốc hội phải ban hành quyền bỏ phiếu toàn diện và luật chống lật đổ trước khi quá muộn,” ông viết. “Tương lai của nền dân chủ của chúng ta sắp bị đưa ra phân xử.”
Học thuyết này từng được đưa tin vì nhà hoạt động theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống của Đảng Cộng Hòa Ginni Thomas, vợ của Thẩm phán Tối cao Pháp viện Clarence Thomas, từng gửi các thư điện tử tới 29 nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa ở Arizona để kêu gọi họ chọn một “nhóm sạch” các đại cử tri của tiểu bang sau khi kết quả kiểm phiếu phổ thông gây tranh cãi cho thấy thành viên Đảng Dân Chủ Joe Biden đã chiến thắng ở tiểu bang, The Washington Post đưa tin hôm 10/06.
Các thư điện tử được gửi hôm 09/11/2020, sau khi các hãng thông tấn tuyên bố người chiến thắng cuộc đua ở Arizona là ông Biden. Những nỗ lực của Đảng Cộng Hòa nhằm thay đổi kết quả ở Arizona đã không thành công và cuối cùng, 11 phiếu bầu của tiểu bang trong Đại cử tri đoàn đã được trao cho ông Biden.
Trong các bức thư điện tử của mình, bà Ginni Thomas, một người ủng hộ Tổng thống đương thời Donald Trump, đã yêu cầu các nhà lập pháp tiểu bang Arizona “trụ vững khi đối mặt với áp lực chính trị và truyền thông” và khẳng định rằng trách nhiệm lựa chọn các đại cử tri là “thuộc về các vị và chỉ thuộc về riêng các vị mà thôi.” Bà viết, các nhà lập pháp có “sức mạnh chống lại gian lận” và “bảo đảm rằng một nhóm Đại cử tri sạch sẽ được lựa chọn.”
Những bức thư điện tử này đã thu hút sự chú ý của Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Hoa Kỳ điều tra vụ xâm phạm an ninh ngày 06/01/2021 tại Điện Capitol Hoa Kỳ đã làm trì hoãn sự chứng nhận chính thức của Quốc hội về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 trong vài giờ. Đảng Dân Chủ cũng nói rằng có một sự xung đột lợi ích vì Thẩm phán Thomas sẽ tham gia vào vụ kiện về học thuyết cơ quan lập pháp tiểu bang độc lập của Pháp viện. Thông qua các luật sư của mình, bà Ginni Thomas đang chống lại việc ủy ban yêu cầu bà phải ra làm chứng trong cuộc điều tra đang diễn ra về ngày 06/01 mà nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa, trong đó có cựu Tổng thống Trump, nói là một cuộc điều tra trá hình.
Ông Tim Moore, thành viên Đảng Cộng Hòa là Chủ tịch Hạ viện tiểu bang North Carolina, đã giải thích lý do tại sao ông ủng hộ học thuyết này.
“Hiến Pháp Hoa Kỳ rất rõ ràng: các cơ quan lập pháp tiểu bang chịu trách nhiệm vẽ bản đồ Quốc hội, chứ không phải thẩm phán tòa án tiểu bang, và chắc chắn không cần sự hỗ trợ của các nhân viên chính trị đảng phái,” ông Moore nói hồi tháng Ba, khi ông kháng cáo lên Tối cao Pháp viện nhằm chống lại lệnh của Tòa án Tối cao North Carolina về việc vẽ lại bản đồ bầu cử của tiểu bang không theo ý nguyện của cơ quan lập pháp tiểu bang do Đảng Cộng Hòa chiếm đa số.
“Chúng tôi hy vọng rằng Tối cao Pháp viện sẽ tái khẳng định nguyên tắc căn bản này và sẽ hủy bỏ bản đồ bất hợp pháp mà Tòa án Tối cao của tiểu bang đã áp đặt lên người dân North Carolina. Đã đến lúc chúng ta phải giải quyết nghi vấn về điều khoản bầu cử một lần cho dứt khoát.”
Điều khoản bầu cử trong Điều 1 nêu rõ: “Thời gian, Địa điểm và Cách thức tổ chức Bầu cử cho các vị trí Thượng nghị sĩ và Dân biểu, sẽ do Cơ quan Lập pháp tương ứng quy định ở mỗi Tiểu bang.”
Điều khoản đại cử tri tổng thống tại Điều 2 trao cho mỗi tiểu bang quyền chỉ định các đại cử tri tổng thống “theo Cách thức như Cơ quan lập pháp của họ có thể chỉ thị.”
Ba thẩm phán của Tối cao Pháp viện đã nói rằng học thuyết này từng có hiệu lực trong án lệ Bush kiện Gore nhằm giải quyết cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 gây tranh cãi.
Trong một lệnh chưa ký được ban hành hôm 30/06, trong hồ sơ tòa án vụ Moore kiện Harper, số 21-1271, Tối cao Pháp viện đã đồng ý xét xử vụ án. Các thẩm phán không giải thích lý do tại sao họ quyết định xét xử vụ án, đó là thông lệ thường thấy của họ khi quyết định sẽ thụ lý đơn kháng cáo nào. Để một đơn kháng cáo như vậy được chấp thuận, ít nhất bốn trong số chín thẩm phán phải đồng ý. Vụ kiện dự kiến sẽ được tiến hành tranh luận bằng miệng trong nhiệm kỳ sắp tới của Pháp viện bắt đầu vào tháng Mười.
Ông Moore đã nộp đơn kháng cáo (pdf) của mình lên Pháp viện hôm 17/03.
Đơn kháng cáo được đệ trình sau một lá đơn kiến nghị khẩn cấp tìm cách tạm hoãn thi hành phán quyết ngày 14/02 của Tòa án Tối cao North Carolina yêu cầu tiểu bang sửa đổi các địa hạt bầu cử Quốc hội hiện hữu cho các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2022 và các cuộc tổng tuyển cử. Bị đơn Rebecca Harper là một thành viên của một nhóm gồm 25 cử tri ở North Carolina.
Hôm 07/03, Tối cao Pháp viện đã bác bỏ (pdf) đơn kiến nghị tạm hoãn thi hành phán quyết này. Trong một bản ý kiến đồng thuận bác bỏ kiến nghị tạm hoãn, Thẩm phán Brett Kavanaugh đã kích hoạt nguyên tắc tên là Purcell, viết rằng Pháp viện “đã nhiều lần ra phán quyết rằng các tòa án liên bang thông thường không được thay đổi luật bầu cử của tiểu bang trong thời gian gần sát một cuộc bầu cử.”
Ông Matthew Vadum là một ký giả điều tra từng đạt giải thưởng và là một chuyên gia được công nhận về hoạt động của cánh tả.