TT Biden tuyên bố ủng hộ việc chấm dứt quyền tranh luận không giới hạn để thông qua luật cổ vũ phá thai
Ngày 30/06, Tổng thống (TT) Joe Biden tuyên bố sẽ ủng hộ việc chấm dứt quyền tranh luận không giới hạn (filibuster), vốn yêu cầu phải có 60 phiếu thuận của Thượng viện, để thông qua các dự luật cho phép phá thai ở cấp liên bang.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, TT Biden nói rằng ông muốn giữ lại quyền tranh luận không giới hạn ở Thượng viện. Khi nhậm chức, ông khẳng định ủng hộ quy tắc này của Thượng viện.
TT Biden đã được hỏi trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha hôm 30/06 về việc giữ nguyên quy tắc này trong bối cảnh Tối cao Pháp viện phán quyết lật lại vụ Roe kiện Wade. Ông nói rằng cách đáp lại duy nhất là Quốc hội thông qua một luật.
“Điều trước nhất mà chúng ta nên thực hiện là làm rõ phán quyết này đã gây phẫn nộ ra sao,” TT Biden nói. “Tôi tin rằng chúng ta phải soạn thảo vụ Roe kiện Wade thành luật, và cách thực hiện là bảo đảm rằng Quốc hội bỏ phiếu để làm điều đó.
Ông Biden, người từng nhiều lần đe dọa sử dụng quyền tranh luận không giới hạn cho một vài dự luật khi ông còn là thượng nghị sĩ, cho biết, “Và nếu quyền tranh luận không giới hạn này gây cản trở, chẳng hạn như quyền bỏ phiếu, thì chúng ta nên yêu cầu một ngoại lệ đối với quyền tranh luận không giới hạn dành cho hoạt động này.”
Hồi tháng Một, ông Biden cho biết ông sẽ ủng hộ việc chấm dứt quyền tranh luận không giới hạn để có thể thông qua những gì mà Đảng Dân Chủ đã mô tả như là một dự luật về quyền bỏ phiếu. Các thành viên Đảng Dân Chủ hiện chiếm đa số mỏng manh 50–50 tại Thượng viện, với Phó Tổng thống Kamala Harris là người phá vỡ thế cân bằng.
Sau phán quyết của Tối cao Pháp viện hôm 24/06, ông Biden kêu gọi Quốc hội soạn thảo thành luật cho vụ Roe kiện Wade và kêu gọi người Mỹ xuất hiện đồng loạt tại các điểm bỏ phiếu để bầu chọn cho các thành viên Đảng Dân Chủ nào ủng hộ việc cho phép phá thai.
Tối cao Pháp viện, trong một phán quyết với tỷ lệ 6–3, đã đảo ngược phán quyết của vụ Roe năm 1973, trong đó lập luận rằng phụ nữ có quyền phá thai theo Hiến Pháp. Viết cho phe đa số, hôm 24/06 Thẩm phán Samuel Alito nói rằng chỉ có các cơ quan lập pháp — chứ không phải tòa án — mới có quyền ra các luật về phá thai và lưu ý rằng Hiến pháp không đề cập đến thủ tục này.
Quyền tranh luận không giới hạn (filibuster), được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1837 và được thiết lập tại Thượng viện để bảo vệ lợi ích của bên thiểu số, tận dụng một quy tắc rằng cần 60 phiếu bầu để chấm dứt tranh luận về một dự luật. Tranh luận về một dự luật có thể kéo dài vô thời hạn.
Trong Quốc hội hiện tại, có vẻ như quyền tranh luận không giới hạn khó có khả năng sẽ bị xóa bỏ. Một số thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ, bao gồm cả các Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) và Kyrsten Sinema (Dân Chủ-Arizona), đã ra hiệu rằng họ không muốn quy tắc này bị xóa bỏ và không có thành viên Đảng Cộng Hòa nào nói rằng họ sẽ bỏ phiếu để chấm dứt quy tắc này. Tuy nhiên ông Manchin cho biết rằng ông ủng hộ việc soạn thảo thành luật vụ Roe kiện Wade nhưng không báo hiệu liệu ông có muốn xóa bỏ quyền tranh luận không giới hạn để làm vậy hay không.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.