Sách quý và sách vô giá trị: Tham quan thư viện
Mặc dù các thư viện cung cấp vô số tài nguyên để nuôi dưỡng sở thích đọc sách, nhưng đừng để điều này ảnh hưởng đến sự sáng suốt của bạn.
Nhà văn người Argentina Jorge Luis Borges đã viết, “Tôi luôn hình dung rằng Thiên đường sẽ giống như một thư viện.”
Cũng giống như ông Borges, có rất nhiều người chúng ta tìm thấy một góc thiên đường ở thư viện công cộng. Tại đây, hàng ngàn cuốn sách xếp hàng san sát thẳng tắp như những người lính trên kệ để chờ chúng ta: những cuốn truyện, [tiểu thuyết] phiêu lưu, sách hướng dẫn du lịch, sách lịch sử, và hàng chục ấn phẩm loại khác. Những cuốn sách bán chạy nhất nép sát vào các tác phẩm được yêu thích thời xưa. Các cuốn sách kinh điển như “Chiến Tranh và Hòa Bình” (War and Peace) và “Những Cuộc Phiêu Lưu của Huckleberry Finn” (Adventures of Huckleberry Finn) xếp chung hàng với tác phẩm của những tác giả ít được biết đến. Đó là những mỏ vàng đang chờ được khám phá.
Trong Thư viện Công cộng Samuels ở Front Royal, tiểu bang Virginia, độc giả tìm thấy một tiền sảnh rộng rãi, được chiếu sáng với các bức tường bằng kính, lý tưởng để làm việc hoặc dùng bữa. Bên trong thư viện là các giá sách được xếp ngăn nắp cùng rất nhiều bàn ghế, một phòng trẻ em lớn với khu vui chơi dành cho các bé, cùng nhóm nhân viên thân thiện và tận tình. Quận Warren là khu vực có nhiều gia đình giáo dục con tại gia. Trẻ em và các bậc cha mẹ ra vào thư viện suốt cả ngày, mang theo túi xách và ba lô chứa đầy những cuốn sách trả lại và mượn về. Một cửa hiệu nhỏ bán sách cũ do tổ chức bất vụ lợi Friends of the Library vận hành, có phục vụ cà phê và trà chào đón độc giả gần cổng vào, với một lịch trình đầy đủ các hoạt động dành cho trẻ em và người lớn càng tăng thêm bầu không khí náo nhiệt cho nơi đây.
Những cạm bẫy
Tất nhiên, thư viện Samuels không phải là thiên đường của chữ nghĩa. Chẳng hạn như, tiểu thuyết người lớn bao gồm hàng chục tiểu thuyết có vấn đề về đạo đức hoặc lễ nghĩa.
Người ta có thể đưa ra những lời phàn nàn tương tự đối với bộ phận sách dành cho trẻ em. Truyện manga, là những cuốn truyện tranh và tiểu thuyết hoạt hình Nhật Bản cũng như những cuốn sách tương tự của Mỹ quốc, lấp đầy toàn bộ bức tường ở đây, nhưng ít thu hút độc giả trẻ tuổi. Một vài cuốn sách ở khu vực sách dành cho Thanh Thiếu Niên phản ánh nền văn hóa lớn hơn của chúng ta với các chủ đề giới tính không chút che đậy, gồm có một số tác phẩm về đồng tính nam và chuyển đổi giới tính.
Nhóm sách về chuyển đổi giới tính đã khiến một vài bậc cha mẹ nổi giận. Giờ đây, một số cha mẹ rất cẩn trọng khi lựa chọn các cuốn truyện cho con, để chắc chắn rằng những cuốn sách này phù hợp với các giá trị gia đình của họ. Những bậc cha mẹ khác đi cùng con cái ở độ tuổi thanh thiếu niên đến thư viện để ngăn chặn các cháu vấp phải những cuốn sách phản cảm. Một số ít cha mẹ hoàn toàn không đến thư viện nữa.
Tại đây, có một số câu hỏi được đặt ra. Các bậc cha mẹ làm thế nào để có thể xoay xở giữa tác phẩm văn học lành mạnh và có hại? Tất cả chúng ta có thể tác động như thế nào đến các thư viện công cộng? Và trên hết, chúng ta có cách nào để có thể sử dụng thư viện nhằm hướng con cái đến với các tác phẩm văn học và việc đọc sách?
Sách và danh mục sách
Có rất nhiều nguồn [thông tin] chất lượng có thể hướng dẫn các bậc cha mẹ và các bé lớn tìm đến những cuốn sách hay ở thư viện.
Đối với nhóm trẻ em từ tuổi mới tập đi đến 12 tuổi, cuốn sách “Mật Ong cho Trái Tim Trẻ Thơ” (Honey for a Child’s Heart) của tác giả Gladys Hunt mang lại hàng trăm lựa chọn kèm theo các đoạn mô tả nội dung sách. Cùng với tác giả Barbara Hampton, ông Hunt cũng viết cuốn sách “Mật Ong cho Trái Tim Thanh Thiếu Niên” (Honey for a Teen’s Heart), với hàng trăm lựa chọn cho độc giả và một số bài luận viết rất hay để truyền cảm hứng đọc sách cho thanh thiếu niên.
Gõ trên mạng từ khóa “lists of books for kids” (danh sách sách thiếu nhi), và bạn sẽ thấy vô vàn gợi ý. Để thu hẹp phạm vi tìm kiếm, hãy tra cứu kèm độ tuổi của con. Cuốn sách “Gia Đình Đọc Thành Tiếng” (The Read-Aloud Family) của tác giả Sarah Mackenzie có một danh sách tuyệt vời các tác phẩm văn học từ tuổi thơ đến thanh thiếu niên, bên cạnh việc ca ngợi những niềm vui và lợi ích khi chia sẻ những cuốn sách.
Khi thư viện mà không có người hướng dẫn, và bạn không chắc con mình lựa chọn cuốn sách nào đó có phù hợp hay không, thì hãy nhớ rằng bạn có thể dễ dàng dùng điện thoại kiểm tra các bài đánh giá về cuốn sách đó.
Mượn và đặt sách liên thư viện
Hầu hết độc giả đều biết rằng, nếu thư viện công cộng của họ thiếu cuốn sách nào đó, thì họ có thể yêu cầu mượn sách liên thư viện. Chẳng hạn như, nếu thư viện của bạn không có cuốn “Tuyển Tập Các Bài Thơ, Bài Hát, và Khúc Hát Ru của Julie Andrews” (Julie Andrews’ Collection of Poems, Songs, and Lullabies), thì hãy điền vào đơn yêu cầu tại quầy, và bạn sẽ sớm có được cuốn sách tuyệt vời này trong tay.
Tùy vào chủ đề của cuốn sách — một cuốn sách phải có sức lôi cuốn ở mức độ nào đó đối với công chúng hơn là những sở thích của bạn — các thư viện của chúng tôi cũng đặt sách cho bạn đọc, và sau đó những cuốn sách này sẽ được đưa vào bộ sưu tập cố định của thư viện. Nếu bạn chưa bao giờ đọc tác phẩm phê bình đáng yêu của cô Yeonmi Park, người đào thoát khỏi Bắc Hàn, viết về Mỹ quốc và tình trạng chúng ta bị dạt vào “chế độ độc tài tâm trí,” thì hãy nhờ thủ thư đặt cuốn sách này từ nhà xuất bản và đưa nó lên các kệ sách nhé.
Lời gợi ý đặc biệt cho thanh thiếu niên
Mặc dù thanh thiếu niên có thể có khuynh hướng lướt qua các kệ có bộ sưu tập sách cho Thanh Thiếu Niên, nhưng thay vào đó, các bậc cha mẹ và các em nên cân nhắc lùng sục kệ tiểu thuyết người lớn để [tìm kiếm] những cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn, nhất là những tác phẩm sáng tác trước năm 1970. Nhiều thư viện lưu giữ một vài tác phẩm cổ xưa này, tiểu thuyết nổi tiếng của thời đó, và những câu chuyện tuyệt vời này vẫn giữ được sức mạnh của chúng. Tác phẩm “Một Gốc Cây Lớn Lên ở Brooklyn” (A Tree Grows in Brooklyn) của Betty Smith, “Sao Mai Marjorie” (Marjorie Morningstar) của Herman Wouk, những câu chuyện của Kenneth Roberts về Cuộc chiến tranh giữa Pháp và Người thổ dân và Cách mạng Mỹ quốc, cùng những tiểu thuyết Tây phương của Louis L’Amour — thường thì các tác phẩm này và những cuốn truyện tuyệt vời khác đang [nằm trên kệ] chờ những độc giả mới.
Bên cạnh giá trị giải trí và giáo dục, những cuốn sách cũ này mang đến một lợi ích đặc biệt nữa cho thanh thiếu niên: Từ vựng và các mẫu câu phức tạp hơn được tác giả thời đó sử dụng sẽ giúp vun bồi kỹ năng để làm các bài thi như SAT và nâng cao kỹ năng đọc ở bậc đại học.
Thời điểm tiệc tùng
Hãy tụ tập với một số bạn bè tại thư viện, dành thời gian để lướt qua các kệ sách, mang theo một vài cuốn sách bên mình, và ra ngoài để thưởng thức cà phê hoặc dùng bữa, hay nếu bạn gặp gỡ những gia đình có trẻ em, thì hãy đến nhà của một người nào đó để hồi sức. Trong khi bạn thưởng thức các món ăn và thức uống, hãy so sánh những cuốn sách của bạn và nói về lý do tại sao bạn muốn đọc chúng. Đó là một cách tuyệt vời để đào sâu hiểu biết của chúng ta về bạn bè, và để cho trẻ em thấy rằng những người khác yêu thích đọc sách.
Các thư viện trực tuyến
Giống như một số người yêu sách, tôi thích những cuốn sách được làm từ giấy, mực, và keo dán, tuy nhiên nhiều người khác, bao gồm nhóm người trẻ tuổi, chắc chắn đã được rèn luyện việc đọc sách kỹ thuật số.
Hãy tìm kiếm trên thiết bị của bạn với từ khóa “free books online” (những cuốn sách trực tuyến miễn phí), và vô số tài nguyên sẽ xuất hiện — các công cụ như Project Gutenberg hoặc Open Library — tất cả những trang này đều cung cấp một kho sách lớn về văn học, tiểu sử, khoa học, lịch sử, v.v. Trên trang trực tuyến OpenLibrary.org, hãy nhấp vào “Browse” (Tìm kiếm), và bạn sẽ thấy hàng ngàn cuốn sách điện tử được liệt kê theo cấp học và trình độ đọc cho các học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12. Đối với những học sinh gặp khó khăn trong việc đọc, nhiều lựa chọn trong số này cũng có sẵn định dạng audio.
Rèn luyện khả năng nhận biết
Chúng ta không thể xa lánh hoặc từ bỏ các thư viện của mình. Các thư viện thuộc về tất cả chúng ta. Mặc dù có một số cuộc chiến đang diễn ra trong lĩnh vực văn hóa và sự lên ngôi của việc học tập kỹ thuật số, nhưng các thư viện vẫn là nhân tố nền tảng trong nền cộng hòa của chúng ta. Cũng tương tự như ở cửa hiệu bán sách, chúng ta phải biết được rằng mình muốn con cái đọc những cuốn sách nào và chỉ cho các em thanh thiếu niên lựa chọn các cuốn sách mà sẽ giúp các cháu phát triển lành mạnh. Bằng cách dạy cho con cái nghệ thuật nhận biết này, các cháu sẽ hiểu được sự khác biệt giữa những cuốn sách quý và những cuốn không có giá trị trên những kệ sách đó, và sẽ truyền lại những bài học này cho con cái.
“Các thư viện cho phép trẻ em đặt những câu hỏi về thế giới này và tìm kiếm các câu trả lời,” như Đệ nhất Phu nhân Laura Bush kiêm thủ thư trường học từng chia sẻ. “Điều tuyệt vời là ngay khi một đứa trẻ học được cách sử dụng thư viện, thì những cánh cổng dẫn đến hiểu biết sẽ luôn rộng mở.”
Bảo An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times