Máy tính và thư viện thời cổ đại
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, máy tính điện tử ra đời, iPad và sách điện tử đang dần thay thế sách giấy. Tuy nhiên, ở Trung Quốc cổ đại, máy tính đầu tiên – bàn tính, được phát minh vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên; còn Thư viện Quốc gia thì có từ thời nhà Chu. Tiếp cận với cuộc sống của người xưa, kết tinh trí tuệ của các nền văn minh cổ đại dường như đang tỏa sáng trước mắt chúng ta…
Máy tính cổ đại đã khai sinh ra nguyên mẫu và ý tưởng thiết kế của máy tính điện tử hiện đại ngày nay. Sự phát triển của các công cụ số học đã trải qua các giai đoạn khác nhau từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, chẳng hạn như từ “thắt nút ghi nhớ” đến que đếm, bàn tính, thước loga, cỗ máy Antikythera v.v. Chúng đều trong các thời kỳ lịch sử khác nhau mà đã phát huy vai trò của mình.
Tổ tiên của người Trung Quốc đã dựa vào những thanh gỗ nhỏ để tính số pi. Vào thời Tam Quốc, nhà toán học Lưu Huy đã sáng tạo ra một thuật toán để tính số pi (Thuật toán π của Lưu Huy), và tính ra được số pi là 3.1410. Tổ Xung Chi, một nhà toán học kiệt xuất trong thời đại Lưu Tống, đã tính được số pi đến chữ số thập phân thứ bảy.
Tại xã hội nguyên thủy, phương pháp đếm của tổ tiên loài người là đếm bằng đá và vỏ sò. Họ cho đá vào túi da hoặc xâu vỏ sò thành chuỗi hạt, rồi đếm những thứ cần đếm. Thuận theo thời gian trôi qua, họ nghĩ ngày nào cũng phải xách một túi đá, làm gì cũng bất tiện.
Tương truyền Toại Nhân thị thời thượng cổ đã phát minh ra kỹ thuật vặn dây thừng, sáng tạo ra cách “thắt nút ghi nhớ”, thắt nút lớn cho những sự kiện lớn và thắt nút nhỏ cho những việc nhỏ. Tuy nhiên, phải đi ra ngoài với một sợi dây đầy các nút thắt, họ cảm thấy ngày càng phiền phức, để buộc dây cũng phải mất nửa ngày. Họ đột nhiên nghĩ đến, mười ngón tay của con người là một “bộ đếm” tự nhiên. Người ta suy đoán rằng, “hệ thập phân” được sử dụng rộng rãi ngày nay có lẽ có liên quan đến việc đếm ngón tay này.
Người nguyên thủy không mang giày và tất, cộng với mười ngón chân, phạm vi đếm thậm chí còn lớn hơn. Mặc dù đếm bằng đầu ngón tay rất tiện lợi nhưng vẫn chưa đủ khi gặp phải số lượng lớn. Vì vậy người xưa đã nghĩ ra việc dùng gỗ, tre, nứa, xương… làm thành những que nhỏ để đếm, ở Trung Quốc gọi là “thẻ đếm”. Nó có thể di chuyển và sắp xếp theo ý muốn, ưu việt hơn các biện pháp tính toán trên, nên đã được sử dụng trong thời gian khá dài.
Vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, người Trung Quốc đã phát minh ra bàn tính, nó được coi là chiếc máy tính sớm nhất, không tốn năng lượng và có thể mang đi bất cứ đâu. Tính bằng bàn tính (cũng gọi là Châu toán – Zhusuan) là một phương pháp tính toán chữ số dùng bàn tính làm công cụ. Bàn tính thay thế “que đếm” bằng các hạt tròn và liên kết chúng thành chỉnh thể, giúp đơn giản hóa quá trình thao tác và thuận tiện hơn khi sử dụng. Đây là một phương pháp tính toán truyền thống có lịch sử lâu đời. Nó “manh nha vào thời nhà Thương và Chu; bắt đầu vào thời Tần và Hán; phát triển trong thời Đường và Tống, và thịnh vượng trong các thời Nguyên và Minh”.
Châu toán không chỉ có thể thực hiện bốn phép tính cơ bản cộng, trừ, nhân và chia, mà còn tính được lũy thừa và khai căn. Nó được sử dụng rộng rãi trong thương mại, được thế giới ca ngợi là phát minh vĩ đại thứ 5 của Trung Quốc, là đóng góp to lớn của dân tộc Trung Hoa cho nhân loại. Vào năm 2013, UNESCO đã chính thức đưa Châu toán vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể.
Châu toán là một biểu tượng quan trọng của văn hóa truyền thống Trung Quốc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua khẩu truyền hoặc tự học. Nó có thể cải thiện khả năng tính toán và trau dồi sự hiểu biết, sau khi được đào tạo cơ bản, những người mới học đã có thể thực hiện các phép tính nhanh, những người luyện thành thục có thể bồi dưỡng nên trí óc nhanh nhẹn. Huấn luyện tính nhẩm dựa trên Châu toán làm cơ sở, có thể cải thiện khả năng tập trung, lực ghi nhớ và trí thông minh của trẻ. Nó giúp cải thiện kỹ năng tính toán, mô hình nhận thức, tâm lý giáo dục và phát triển trí lực. Bàn tính đã thể hiện trí tuệ của người Trung Quốc cổ đại.
Từ năm 200-100 trước Công nguyên, người Hy Lạp cổ đã tạo ra cỗ máy Antikythera, đây được cho là chiếc máy tính đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Cỗ máy này bao gồm 37 bánh răng và mặt số bằng đồng ăn khớp với nhau, trong đó có một bộ bánh răng thậm chí còn mô phỏng chuyển động của Mặt trăng.
Đến khoảng năm 1620-1630, nhà toán học người Anh Edmund Gunter, đã phát minh ra “thang đo Gunter” – là tiền thân của thước loga, được sử dụng trong một số phép toán đặc biệt, giúp tính toán nhanh chóng và tiết kiệm thời gian.
Vào năm 1642, nhà toán học người Pháp Blaise Pascal đã chế tạo ra chiếc máy tính có tay quay đầu tiên. Nó sử dụng các bánh răng để biểu thị các con số và cơ cấu ăn khớp giữa các bánh răng để tiến vị, bánh răng thấp quay mười vòng thì bánh răng cao sẽ quay một vòng. Sau khi cải thiện dần dần, nó không chỉ làm được các phép tính cộng trừ mà còn có thể nhân chia, thao tác thực hiện cũng đơn giản và nhanh chóng hơn.
Thư viện thời cổ đại
Các thư viện cổ đại đã bồi dưỡng ra rất nhiều học giả và nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Thư viện Alexandria được xây dựng từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên có thể được coi như nơi tập hợp của những bậc thầy: Archimedes (cha đẻ của hình học), Eratosthenes (nhà địa lý đã tính ra chu vi Trái đất chỉ bằng những công cụ đo lường đơn giản), Aristarchus (nhà thiên văn học đầu tiên đưa ra luận cứ rõ ràng cho Thuyết nhật tâm) v.v.
Việc thư viện Alexandria bị phá hủy được mô tả là “một ngày mà lịch sử mất đi ký ức”, đã cản trở sự phát triển và tiến bộ của khoa học, triết học, y học và văn học trong hàng nghìn năm.
Các thư viện cổ ở Trung Quốc đã bồi dưỡng ra những thủ thư nổi tiếng: Lão Tử (người sáng lập ra Đạo gia, một trong những nhà tư tưởng và triết học vĩ đại thế giới) từng trưởng quản Thư viện Quốc gia nhà Chu; Tư Mã Thiên (nhà sử học, nhà văn và nhà tư tưởng vĩ đại ở Trung Quốc) là trưởng quản Thư viện thời Tây Hán, cuốn “Sử Ký” của ông là bộ thông sử thế kỷ truyện đầu tiên ở Trung Quốc, có ảnh hưởng sâu rộng đến sử học sau này.
Mặc dù trong những năm gần đây, sách vở đã dần bị thay thế bởi iPad và sách điện tử, nhưng thư viện vẫn là một điểm đến tuyệt vời. Đặc biệt, những thư viện đẹp như thiên đường không chỉ có một bộ sưu tập sách khổng lồ, mà kiến trúc của thư viện còn rất phong cách, trang trí bên trong cũng mang tính nghệ thuật cổ điển. Jorge Luis Borges, nhà văn nổi tiếng người Argentina từng nói: “Nếu như có thiên đường, nó có lẽ là giống một thư viện!”
Nhà tư tưởng, khoa học gia tự nhiên, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng người Đức – Johann Wolfgang von Goethe nói rằng: “Những người có kinh nghiệm phong phú dùng hai con mắt để đọc sách, một mắt nhìn dòng chữ trên tờ giấy và mắt còn lại nhìn mặt sau của tờ giấy”. Như vậy, sách điện tử sao có thể thay thế cho những cuốn sách trong thư viện?
Đế chế Byzantine (tức Đế chế Đông La Mã, 395-1453) tồn tại hơn một nghìn năm và đã thành lập rất nhiều tu viện và thư viện nhà thờ, tuy quy mô nhỏ, nhưng vẫn bảo tồn thành công không ít kinh sách quý giá của Cơ Đốc giáo và những tác phẩm kinh điển của La Mã, Hy Lạp cổ đại, có ảnh hưởng lớn đến thời kỳ Phục hưng sau này. Các thư viện tôn giáo cũng nổi bật vào thời Trung cổ tăm tối, lúc đó các tu viện lần lượt được xây dựng ở khắp nơi.
Các thư viện tôn giáo luôn có ảnh hưởng quan trọng đối với nền văn minh phương Tây, dưới đây là ba thư viện đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền văn minh thế giới:
Kỳ quan cổ đại – Thư viện Ashurbanipal
Ashurbanipal là vị vua cuối cùng của đế quốc Assyria. Ông là vị vua coi trọng văn hóa, bác học đa tài và đam mê sách. Trên một phiến đất sét tại tàn tích của thư viện Ashurbanipal có một đoạn tự thuật của ông rằng: “Tôi, Ashurbanipal, được truyền cảm hứng bởi Nabu – vị Thần thông thái, cảm thấy cần phải đọc nhiều sách. Tôi có thể học các kỹ năng điều hành đất nước từ sách… Đọc sách không chỉ có thể mở mang kiến thức và kỹ nghệ, mà còn có thể dưỡng thành một loại khí chất cao quý”.
Dưới thời trị vì của ông (cuối thế kỷ 8 trước Công nguyên), thư viện Ashurbanipal đã được xây dựng tại cố đô Nineveh. Nó được xây sớm hơn thư viện Alexandria 400 năm, và vì đặc thù là sách đất sét nên nó không bị chiến tranh phá hủy, phần lớn vẫn được bảo tồn.
Vào thời cổ đại, con người theo đuổi sự tiến bộ của tri thức, những ngôi đền không chỉ là nơi lưu trữ những phiến và cuộn bằng đất sét mà còn là một trung tâm của tri thức và văn hóa. Vào thời điểm đó, kiến thức được coi là điều vô cùng thiêng liêng, vì vậy các lớp dạy học cao cấp và thư viện đều được thiết lập trong các đền thờ linh thiêng, và được bảo vệ bởi các tư tế chuyên trách.
Thư viện Ashurbanipal là thư viện được bảo tồn đầy đủ nhất, với quy mô lớn nhất và nhiều sách nhất trong số các di chỉ văn minh cổ đại được khai quật cho đến ngày nay. Đáng ngạc nhiên là gần 30,000 cuốn sách được khai quật đều là làm từ đất sét! Trên đất sét được khắc các sử thi, lời cầu nguyện, hồ sơ giao dịch, danh sách cống phẩm, mệnh lệnh hành chính, dữ liệu thiên văn, v.v. có hơn 25,000 khối đất sét như thế.
Thư viện đất sét này có một bộ sưu tập đầy đủ các loại sách, bao gồm các tác phẩm triết học, toán học, ngôn ngữ học, y học, văn học và chiêm tinh học v.v. gần như là toàn bộ kiến thức thời bấy giờ. Điều đặc biệt quý giá là nó chứa đựng thiên anh hùng ca vĩ đại đầu tiên trên thế giới – cuốn “Sử thi Gilgamesh”. Việc sản xuất và sử dụng sách đất sét đã được tiếp tục cho đến thế kỷ 1 sau Công nguyên, khi chúng được thay thế bằng giấy da.
Thư viện Alexandria
Thư viện Alexandria ở Ai Cập là thư viện cổ đại nổi tiếng nhất. Tướng Vua Ptolemaios I Soter đã cố gắng biến Alexandria thành trung tâm học thuật của thế giới vào thời điểm đó, vì vậy ông đã thành lập Thư viện Alexandria.
Thư viện này được biết đến là thư viện có bộ sưu tập sách lớn nhất thời cổ đại, được bao phủ bởi tầng tầng lớp lớp bí ẩn, và là viên ngọc sáng nhất đại biểu cho trí tuệ thời cổ đại. Vào thời kỳ đỉnh cao, nó chứa ít nhất 500,000 cuộn giấy cói, bao gồm nội dung của rất nhiều môn như văn học, lịch sử, luật, toán học, khoa học tự nhiên, v.v.
Các vị vua của vương quốc Ptolemaic cũng chi những khoản tiền khổng lồ để hỗ trợ cho 30 – 50 học giả đến làm việc và sinh sống tại Thư viện Alexandria. Hầu hết các học giả nổi tiếng nhất ở thời cổ đại đều từng làm việc trong thư viện này, như Archimedes, Eratosthenes, Aristarchus v.v.
Vào năm 48 trước Công nguyên, thư viện Alexandria đã bị biến thành tro tàn bởi một trận chiến. Đây là một trong những sự kiện ảm đạm nhất trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, ngăn trở sự phát triển và tiến bộ của khoa học, triết học, y học và văn học thời bấy giờ.
Thư viện Quốc gia nhà Chu – nơi những cuốn sách biến mất một cách bí ẩn
Trung Quốc là một nền văn minh cổ đại có lịch sử lâu đời, các thư viện ở đây xuất hiện không hề muộn hơn so với phương Tây, thậm chí còn có lịch sử lâu đời hơn. Theo khảo cổ học, xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc là bộ sưu tập sách của hoàng tộc nhà Thương, và bằng chứng hùng hồn nhất là chữ giáp cốt ở Ân Khu, An Dương, Hà Nam.
Từ thời nhà Chu đã có thư viện Quốc gia, nơi thu thập rất nhiều sách, hồ sơ lưu trữ và điển tịch văn hiến. Tuy nhiên, do cuộc nội chiến giành quyền kế vị của hoàng gia nhà Chu, những cuốn sách và tài liệu vô giá này đã biến mất không dấu vết. Một số người đặt nghi vấn rằng phải chăng Lão Tử – người giữ chức “Tàng thất sử” thời nhà Chu đã giấu sách và điển tịch ở đâu đó trong chuyến hành trình của mình?
Nói chung những cuốn sách đã biến mất một cách bí ẩn, và nền văn minh, văn hóa của lịch sử Trung Quốc cổ đại được ghi lại trong đó cũng biến mất theo. Điều khiến người ta khó hiểu là trong 2,500 năm sau đó, không một văn học gia hay học giả nào tìm kiếm tung tích của các tác phẩm kinh điển thời nhà Chu, những báu vật vô giá trong lịch sử văn minh nhân loại này cứ thế đã bị người Trung Quốc quên lãng.
Chức “Tàng thất sử” vào thời nhà Chu do Lão Tử nắm giữ, kỳ thực chính là chức Trưởng quản Thư viện Quốc gia. Trong thời gian làm “Tàng thất sử”, Lão Tử đã đọc hết các tàng thư về hoàng tộc nhà Chu, đồng thời từng chỉ dạy cho Khổng Tử – người sáng lập Nho gia. Lão Tử là một trong những nhà tư tưởng và triết học vĩ đại nhất trên thế giới, và được biết đến là người sáng lập Đạo gia.
Biệt danh của thư viện thời Trung Quốc cổ đại
Vào thời nhà Hán, triều đình lại bắt đầu xây dựng thư viện, thư viện Quốc gia là do Hoàng đế Lưu Bang cho xây dựng, cách đây hơn 2,000 năm.
Thư viện ở Trung Quốc có lịch sử rất lâu đời. Ban đầu chúng không được gọi là thư viện, mà có rất nhiều biệt danh tao nhã: “phủ, các, quán, đài, điện, viện, đường, trai, lâu”, chúng đều đại diện cho nơi tàng trữ sách. Chẳng hạn như Minh phủ ở thời Tây Chu; Thạch cự các, Đông quán và Lan đài vào thời nhà Hán; Quán văn điện vào thời nhà Tùy; Sùng văn viện vào thời Tống; Đạm sinh đường ở thời Đường; Tứ khố toàn thư thất các vào thời nhà Thanh v.v. Các triều đại và vương triều của Trung Quốc đều đã xây dựng những nơi lưu giữ sách đặc biệt, tất cả đều do các quan chức phụ trách quản lý.
Tư Mã Thiên từng là Thái sử lệnh, tức trưởng quản thư viện, phụ trách quản lý sách của hoàng gia và thu thập tư liệu lịch sử. Đặc biệt vào bốn thời Đường, Tống, Minh và Thanh, thư viện đã đạt đến sự phát triển vượt bậc. Vào thời nhà Đường, Ngụy Trưng đã giúp Đường Thái Tông khai sáng ra “Trinh Quán chi trị”, trở thành “nhất đại danh tướng”, từng đảm nhận Trưởng quản thư viện và các chức vụ khác, chuyên môn chịu trách nhiệm thu mua sách của thiên hạ, đồng thời tổ chức mọi người sao chép, sao lưu. Vào thời điểm đó, thư viện cũng đặc biệt tuyển dụng các nữ thủ thư. Cho đến cuối triều đại nhà Thanh, thư viện vẫn chưa bao giờ biến mất.
Thiên Nhất Các ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang là thư viện tư nhân tồn tại sớm nhất ở Trung Quốc, cũng là thư viện lâu đời nhất ở châu Á do Phạm Khâm, một nhà sưu tập sách nổi tiếng thời nhà Minh kiêm Binh bộ Hữu thị lang chủ trì việc xây dựng. Bộ sưu tập của ông có gần 300,000 cổ tích các loại, trong đó có 80,000 quyển sách quý hiếm, đặc biệt là biên niên sử địa phương và ghi chép khoa cử vào triều nhà Minh.
Tứ Khố Thất Các ở Trung Quốc là thuật ngữ chung cho bảy tòa thư viện đã thu thập “Tứ khố toàn thư” trong triều đại nhà Thanh, được chia thành bốn các phía bắc là: Văn Tân Các ở Tị Thử Sơn Trang, huyện Thừa Đức, Văn Uyên Các trong Văn Hoa điện ở Tử Cấm Thành, Văn Nguyên Các ở trong vườn Minh Viên và Văn Tô Các ở Cố cung Thẩm Dương. Về sau đã xây dựng thêm ba các ở Giang Nam, tức là Văn Hội Các ở Dương Châu, Văn Tông Các ở Trấn Giang và Văn Lan Các ở Hàng Châu. “Tứ Khố Thất Các” có một bộ sưu tập sách đồ sộ, với tổng số 294,000 quyển, bao gồm cả những tác phẩm quan trọng của Trung Quốc cổ đại trước thời Càn Long.
Tái bản từ “Tân Kỷ Nguyên”
Tác giả: Lý Thiên Vận
Vương Cận biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: