Rủi ro vỡ nợ tăng trong hầu hết các ngành của Hoa Kỳ trong quý 2
Lãi suất cao hơn và lo ngại suy thoái có thể tăng thêm áp lực vỡ nợ
Theo một báo cáo mới của S&P Global Market Intelligence, rủi ro vỡ nợ trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của Hoa Kỳ đã tăng lên trong quý 2/2022.
Nghiên cứu này cho thấy rằng mọi lĩnh vực, ngoại trừ các tổ chức tài chính, đều đưa ra tín hiệu thị trường trung bình cao hơn — điểm xác suất vỡ nợ cho một năm vào cuối giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu — so với quý đầu tiên.
Y tế đứng đầu danh sách với 7.3%, tăng từ 4.6%. Dịch vụ thông tin liên lạc đứng thứ hai, tăng từ 3.2% lên 4.9%. Hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tùy ý (do người tiêu dùng mua bằng thu nhập tùy ý, là thu nhập còn lại sau thuế và chi tiêu thiết yếu) nhích lên cao hơn, từ 2.5% lên 3.8%. Hai ngành còn lại cùng với ba ngành trên tạo thành năm ngành hàng đầu là công nghệ thông tin và các mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng, đạt lần lượt ở mức 2.7% và 1.7%.
Dữ liệu của S&P Global Market Intelligence chỉ ra rằng tỷ lệ vỡ nợ trong lĩnh vực tài chính đã giảm xuống 0.2%, từ 0.3% trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Ba.
Thị trường tiện ích đứng cuối danh sách với 0.2%.
Khi đánh giá rủi ro vỡ nợ theo ngành, báo cáo đã xác định các cơ sở y tế, công nghệ y tế, quảng cáo, phát thanh truyền hình, và các dịch vụ trong ngành y tế là dễ bị tổn thương nhất. Dữ liệu nhấn mạnh rằng ít bị tổn thương nhất là các ngân hàng quản lý và lưu ký tài sản, các công ty đa tiện ích, công ty tiện ích về điện, đường sắt, và tiện ích về nước.
Báo cáo cho thấy, “Giải trí tương tác tại nhà, nhà phân phối và cửa hàng bán hàng tổng hợp là những ngành có xác suất vỡ nợ giảm nhiều nhất kể từ ngày 30/06.”
Rủi ro vỡ nợ sẽ gia tăng?
Trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc hôm 31/03, số hồ sơ phá sản đã giảm 16.5%, theo dữ liệu do Văn phòng Hành chính của Hệ thống Tòa án Hoa Kỳ công bố. Tổng số hồ sơ phá sản hàng năm trong tháng 03/2022 là 395,373, so với 473,349 trường hợp của năm trước đó (2021).
Đã có những dự đoán rằng tỷ lệ vỡ nợ thấp sẽ tăng lên trong bối cảnh lạm phát giá cả tràn lan và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Đồng thời, theo ông George Curtis, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại TwentyFour Asset Management, tỷ lệ vỡ nợ sẽ tiếp tục thấp hơn so với các chu kỳ kinh tế trước đó.
Ông Curtis viết trong một báo cáo nghiên cứu hồi tháng Năm: “Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng tỷ lệ vỡ nợ sẽ vẫn ở mức thấp so với các chu kỳ trước (ước tính tại Hoa Kỳ từ JPMorgan thấp hơn khoảng 175 điểm cơ bản so với mức trung bình dài hạn) và sẽ chủ yếu được giới hạn ở các công ty thâm dụng năng lượng, có quyền định giá giới hạn, hoặc có rủi ro cao với Nga/Ukraine.”
Tháng trước (06/2022), Fitch Ratings đã tăng dự báo vỡ nợ cho năm 2023. Theo Giám đốc cao cấp của Fitch Eric Rosenthal, có thể mất một thời gian để số lượng các vụ vỡ nợ trở nên phổ biến trong nền kinh tế Hoa Kỳ.
Ông nói: “Các vụ vỡ nợ sẽ cần thời gian để thành hiện thực do lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế chậm hơn ảnh hưởng xấu đến doanh thu và biên lợi nhuận của các tổ chức phát hành chứng khoán ở cấp độ đầu cơ, vốn kéo dài thời gian đáo hạn và tăng tính thanh khoản trong thời kỳ đại dịch.”
Mặc dù tỷ lệ phá sản của các công ty đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm trong quý đầu tiên, và tỷ lệ các công ty gặp khó khăn của Hoa Kỳ đang ở mức 2.4% lành mạnh, các hồ sơ đã bắt đầu tăng lên trong bối cảnh nhiều áp lực kinh tế, trong đó các ngành công nghiệp đang dẫn đầu. Ngoài ra, Fitch Ratings đã tuyên bố trong một báo cáo vào mùa xuân vừa qua rằng “sự tụt hạng hiện đang vượt quá tốc độ thăng cấp” với biên độ 1.3-1 khi động lực tín dụng tích cực giảm dần trong bối cảnh chi phí đi vay ngày càng tăng.
Lĩnh vực công nghiệp, bao gồm hàng không vũ trụ và quốc phòng, xây dựng và kỹ thuật, và vận tải đường bộ, đã chứng kiến hàng chục vụ phá sản. Một số công ty bao gồm MD Helicopters, Guildworks, Scungio Borst & Associates, và Fore Machine.
Trong khi đó, vụ phá sản đáng chú ý nhất trong năm cho đến nay xảy ra trong tháng trước, khi Revlon, hãng mỹ phẩm đa quốc gia, đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 (Luật Phá sản Hoa Kỳ). Thương hiệu có trụ sở tại New York đã trở thành một trong những thương hiệu lớn đầu tiên làm như vậy trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Trước đây, công ty 90 năm tuổi đời này đã ngăn chặn phá sản hồi năm 2020 bằng cách thuyết phục các trái chủ doanh nghiệp gia hạn nợ đáo hạn. Nhưng với mức nợ khổng lồ và vô số thách thức trong chuỗi cung ứng, điều đó trở nên quá sức đối với Revlon.
Celsius, một trong những công ty cho vay tiền điện tử lớn nhất, cũng đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 tại Tòa án Phá sản Hoa Kỳ cho Địa hạt phía Nam của New York.
Tháng 10/2021, công ty duy trì khoảng 25 tỷ USD tài sản được quản lý (AUM). Con số đó đã bị cắt giảm xuống còn 11.8 tỷ USD hồi tháng Năm do sự sụp đổ trong giá tiền điện tử. Celsius cũng sở hữu 8 tỷ USD cho vay khách hàng. Ngày nay, công ty có khoảng 167 triệu USD “tiền mặt” để mang lại “tính thanh khoản dồi dào” trong quá trình tái cơ cấu.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước với Câu lạc bộ Chủ sở hữu Tesla của Thung lũng Silicon, giám đốc điều hành hãng Tesla Elon Musk đã đề cập đến khả năng phá sản.
“Phần khó nhất đối với một công ty xe hơi là làm thế nào để có được doanh thu cao hơn chi phí để quý vị không bị phá sản,” ông nói. “Một công ty xe hơi đang cố gắng phá sản bất cứ lúc nào một cách tuyệt vọng.”
“Hai năm qua là một cơn ác mộng tuyệt đối về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, hết việc này đến việc khác,” ông nói thêm. “Chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi nó. Đó là mối quan tâm lớn của chúng tôi: làm thế nào để chúng tôi giữ cho các nhà máy hoạt động để có thể trả tiền cho mọi người và không bị phá sản?”
Ông Musk lưu ý rằng các nhà máy của công ty ở Austin, Texas, và Berlin “hiện giờ là những lò đốt tiền khổng lồ,” nói thêm rằng “có một âm thanh gầm rú khổng lồ, đó là âm thanh của tiền cháy,” vì các cơ sở này đã thua lỗ hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các công ty có bảng cân đối kế toán và dòng tiền mạnh có thể tồn tại trong thời kỳ bất ổn kinh tế.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).