S&P Global: Tỷ lệ vỡ nợ của các công ty sẽ tăng hơn gấp đôi ngay cả khi suy thoái nhẹ
Các nhà phân tích của S&P Global đã cảnh báo hôm 21/11 rằng tỷ lệ vỡ nợ của các công ty ở Hoa Kỳ có thể tăng cao nếu nền kinh tế rơi vào tình trạng “suy thoái nông.”
Theo S&P Global Ratings, tỷ lệ vỡ nợ của các công ty Mỹ có thể lên tới 3.75% vào tháng 09/2023 nếu chính sách tăng lãi suất mạnh của Cục Dự trữ Liên bang gây ra suy thoái kinh tế nông hoặc nhẹ.
Các nhà phân tích cho biết, trong một kịch bản tồi tệ hơn nhiều, trong đó suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn xảy ra, tỷ lệ vỡ nợ của các công ty có thể lên tới 6%, mức cao nhất kể từ tháng 03/2021.
“Nhiều điều sẽ phụ thuộc vào độ dài, rộng, và sâu của một cuộc suy thoái nếu có và liệu Fed có tiếp tục tăng lãi suất trong thời kỳ suy thoái hay không,” các nhà phân tích của S&P viết hôm 21/11. “Tốc độ mở rộng lãi suất hiện tại ở các thị trường thứ cấp sẽ tiếp tục, trong khi mức tiêu thụ sẽ giảm, buộc các doanh nghiệp phải đào sâu vào lượng tiền mặt nắm giữ để vượt qua suy thoái kinh tế sâu hơn.”
Ngoài ra, hôm 21/11, Deutsche Bank đã cho biết tỷ lệ vỡ nợ đối với các khoản vay có đòn bẩy của Hoa Kỳ — những khoản do ngân hàng thực hiện đối với các công ty hoặc cá nhân có số nợ đáng kể — sẽ đạt mức cao gần kỷ lục là 11.3% vào năm 2024, trong khi tỷ lệ vỡ nợ đối với các khoản vay có đòn bẩy bằng đồng euro sẽ đạt 7.1%.
Các nhà phân tích tại ngân hàng này cho biết nền kinh tế Hoa Kỳ có thể sẽ rơi vào suy thoái vào nửa cuối năm 2023, và các công ty sẽ bị ảnh hưởng đáng kể đến tỷ suất lợi nhuận dẫn đến việc chậm trả lãi, và khiến tỷ lệ vỡ nợ tăng lên.
Tuy nhiên, Deutsche Bank không dự đoán tỷ lệ vỡ nợ sẽ tăng vọt vào năm 2023.
Fed sẽ có thể phải tăng lãi suất cao hơn
Cảnh báo trên được đưa ra ngay sau khi ông James Bullard, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, cảnh báo rằng Fed có thể phải tăng lãi suất lên tới 7% để hạ nhiệt lạm phát cao.
Làm như vậy sẽ làm tăng chi phí nợ đối với người Mỹ, bao gồm nợ thẻ tín dụng, nợ mua nhà, và nợ vay mua xe hơi, trong số những khoản khác.
Trình bày tại một sự kiện ở Louisville, Kentucky, hôm 17/11, ông Bullard lưu ý rằng chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương cho đến nay “chỉ có tác dụng hạn chế đối với lạm phát quan sát được, nhưng giá cả thị trường cho thấy tình trạng thiểu phát (lạm phát rất thấp) dự kiến sẽ xảy ra vào năm 2023.”
Tuy nhiên, cuối cùng, ông Bullard cho biết quyết định cuối cùng về lãi suất thuộc về Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Ông nói thêm, “Nếu bây giờ quý vị làm nhiều hơn, quý vị sẽ có ít việc phải làm hơn trong quý đầu tiên [của năm 2023]. Nếu bây giờ quý vị làm ít hơn, thì quý vị sẽ có nhiều việc phải làm hơn trong quý đầu tiên. Nói chung, những lựa chọn như vậy có thể không tạo ra nhiều khác biệt về mặt kinh tế vĩ mô.”
Tháng 11/2022, các quan chức của Fed đã bỏ phiếu đồng thuận bắt đầu tăng thêm 75 điểm cơ bản nữa, lên mức mục tiêu là 3.75–4.00%, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ sáu trong năm nay và lần tăng 75 điểm thứ tư liên tiếp vào năm 2022.
Bản tin có sự đóng góp của Bryan Jung
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times