Quốc hội Hoa Kỳ tìm hiểu để cập nhật thông tin về trí tuệ nhân tạo
Các thành viên của Quốc hội có thể chậm trễ trong việc tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng các nhà lập pháp cam kết sẽ bắt kịp.
Các nhà lập pháp đang tìm hiểu và suy nghĩ về AI, những lợi ích hiện tại và tương lai của công nghệ này, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Họ đang tìm hiểu xem Chú Sam (biệt danh của Hoa Kỳ) có thể đóng vai trò gì trong việc phát triển và sử dụng công nghệ cũng như hiện tượng này.
Dân biểu Don Beyer (Dân Chủ-Virginia), 72 tuổi, đã trở lại trường học với tư cách là một sinh viên bán thời gian tại Đại học George Mason để tự học về AI và giúp bản thân bắt kịp với sự phát triển của công nghệ máy điện toán.
Ông Beyer nói với WTOP News: “Tôi đang theo đuổi một tấm bằng tốt nghiệp về khoa học máy điện toán, tập trung vào lĩnh vực học máy, và theo học tại Đại học George Mason, đó là ngành gần nhất với ‘mở ngoặc đóng ngoặc’ trí tuệ nhân tạo.”
Ông Beyer là một thành viên thuộc Nhóm họp kín của Quốc hội về AI (Congressional AI Caucus) gồm khoảng 40 thành viên, nhưng ông tin rằng con số đó có thể tăng lên 100 thành viên vào mùa hè này.
Các nhà phát triển AI và người dùng doanh nghiệp đang thận trọng và chăm chú theo dõi hoạt động chính trị và lập pháp ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Đồng thời các doanh nghiệp đang sử dụng quyền vận động hành lang và vận động chính sách của họ trên Capitol Hill để ngăn chặn sự xâm nhập và quy định quá mức của chính phủ, ngay cả khi họ thừa nhận rằng Quốc hội không những có một tiếng nói và vai trò trong việc khai triển AI mà quả thực sự tham gia có chừng mực và hạn chế của họ còn có thể là tối ưu và mang lại lợi ích cho ngành công nghệ cao này cũng như cho công chúng.
Trên thực tế, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, từ lâu đã ủng hộ ít quy định hơn và ít sự can thiệp của chính phủ hơn thay mặt cho các doanh nghiệp, đang kêu gọi Quốc hội đóng một vai trò quan trọng trong việc giới thiệu và khai triển AI.
Trong một báo cáo do Ủy ban về Khả năng cạnh tranh, Hòa nhập, và Đổi mới Trí tuệ Nhân tạo của phòng này công bố hồi tháng trước, một trong những ưu tiên hàng đầu được liệt kê là “Các chính sách thúc đẩy AI có trách nhiệm phải là một ưu tiên hàng đầu của chính phủ và Quốc hội trong tương lai.”
Quốc hội bắt đầu gây ảnh hưởng
Dân biểu Jay Obernolte (Cộng Hòa-California) là một thành viên của Hạ viện có nhiều hiểu biết về AI và luôn cập nhật về tiến độ khai triển của công nghệ này. Là chủ một công ty trò chơi điện tử chuyên phát triển các sản phẩm bán chạy nhất và đạt giải thưởng, Dân biểu Obernolte sở hữu một bằng thạc sĩ về AI tại Đại học California Los Angeles (UCLA), một bằng cử nhân Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng tại Viện Công nghệ California (Caltech), và một bằng tiến sĩ Quản lý Công tại Đại học Baptist California.
Gần hai năm trước, vào tháng 06/2021, khi Đảng Cộng Hòa là đảng thiểu số trong Hạ viện, ông Obernolte đã giới thiệu Đạo luật Học bổng và Thực tập sinh dành cho các Nhà nghiên cứu AI Mới vào nghề (Fellowships and Traineeships for Early-Career AI Researchers Act), chỉ thị “Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) trao các khoản tài trợ và học bổng để trợ giúp các sinh viên và nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo.”
Trong một thông cáo báo chí phát hành hôm 16/06/2021, thông báo rằng dự luật này đã được Ủy ban Khoa học, Không gian, và Công nghệ Hạ viện thông qua, ông Obernolte cho biết: “Khoa học máy điện toán sẽ là rất quan trọng đối với tương lai của việc làm ở đất nước chúng ta cũng như sẽ là một khía cạnh quan trọng trong an ninh quốc gia của chúng ta, đặc biệt là khi quốc gia chúng ta phải đối mặt với một làn sóng tấn công mạng từ các tác nhân ngoại quốc.”
“Hoa Kỳ tụt hậu hơn so với các quốc gia khác như Trung Quốc trong việc đào tạo các chuyên gia khoa học máy điện toán có kỹ năng cao. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa với tư cách là một quốc gia để chủ động củng cố lực lượng nhân công trong ngành khoa học máy điện toán của mình nhằm bảo đảm tương lai của nền kinh tế, sức mạnh của lực lượng nhân công công nghệ, và an ninh của quốc gia chúng ta.”
Tháng trước (03/2023), ông Obernolte và Dân biểu Jimmy Panetta (Dân Chủ-California) đã giới thiệu Đạo luật Trí tuệ nhân tạo cho An ninh Quốc gia (Artificial Intelligence for National Security Act) nhằm đưa AI vào ứng dụng để có được cũng như bảo vệ tốt hơn các hệ thống máy điện toán an ninh và quốc phòng của quốc gia.
Học hỏi liên tục
Có một thị trường dạy học cho các nhân viên chính phủ, bao gồm cả những người làm việc trong đội ngũ nhân viên của các chính trị gia, về AI.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times