Dân biểu Gallagher: Hoa Kỳ nên ‘ngay lập tức’ cắt đứt dòng vốn của Mỹ chảy vào các công ty AI của Trung Quốc
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch của Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược của Hạ viện, đã kêu gọi Hoa Kỳ ngay lập tức ngừng tài trợ cho các công ty ở Trung Quốc đang phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mang lại sự biến đổi và đột phá trên toàn thế giới.
Ông Gallagher, một cựu chiến binh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, người đã tiên phong trong việc công khai và thúc đẩy luật pháp nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa mà Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền của họ gây ra cho nước Mỹ, đang yêu cầu đóng cửa tiến trình tài chính này vì một số các công ty đầu tư mạo hiểm (VC) lớn nhất và mạnh nhất của Mỹ, trực tiếp hoặc gián tiếp, đang đầu tư đáng kể vào các doanh nghiệp AI của Trung Quốc.
Vị dân biểu này cũng đưa ra yêu cầu này khi các nhà lãnh đạo tư tưởng và kinh doanh toàn cầu — trong số đó có ông trùm công nghệ Elon Musk, đồng sáng lập Apple Steve Wozniak, và đồng sáng lập Pinterest Evan Sharp — đã công khai kêu gọi tạm dừng phát triển AI vì những rủi ro và nguy hiểm mà công nghệ này gây ra nếu không được kiểm tra và không được kiểm soát.
Trong một tuyên bố của mình gửi cho The Epoch Times, ông Gallagher cho biết, “Trong những tháng vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ mang tính cách mạng về trí tuệ nhân tạo ở Mỹ, nhưng chúng ta vẫn ngang hàng với Đảng Cộng sản Trung Quốc khi nói đến công nghệ quan trọng này, vốn là thứ có thể quyết định sự thống trị địa chính trị trong thế kỷ 21.”
“Mặc dù vẫn còn những câu hỏi nghiêm túc về các biện pháp bảo vệ phù hợp để áp dụng AI ở Mỹ, nhưng chúng tôi biết rằng ĐCSTQ sẽ sử dụng công nghệ này để tiếp tục đàn áp công dân của chính họ và xuất cảng mô hình kiểm soát toàn trị kỹ trị của họ ra khắp thế giới. Bước tiếp theo rõ ràng nhất là ngay lập tức cắt đứt dòng vốn của Mỹ cho các công ty AI của Trung Quốc.”
Các công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng có trụ sở tại Mỹ với phạm vi tiếp cận toàn cầu và đang tài trợ cho các công ty trong lĩnh vực AI của Trung Quốc bao gồm Tiger Global Management, Silver Lake, và IDG Capital. Công ty Sequoia Capital China, một chi nhánh của Sequoia Capital có trụ sở chính tại Thung lũng Silicon, đang hậu thuẫn cho các công ty AI của Trung Quốc. Tiền có nguồn gốc từ Mỹ giúp tài trợ cho các công ty đầu tư mạo hiểm Trung Quốc, gồm Qiming Venture Partner và Matrix Partners China, vốn đang nắm giữ cổ phần trong ngành AI Trung Quốc.
Đề cập đến Sequoia Capital, ông Gallagher cho biết: “Chắc chắn Sequoia có thể tìm những cách khác để kiếm tiền hơn là tài trợ cho sự kết thúc của tự do.”
Mối đe dọa của ĐCSTQ và AI
Các thành viên của Quốc hội, từ cả hai đảng, đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm mà Hoa Kỳ gặp phải khi tài trợ cho việc phát triển AI ở một quốc gia do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cai trị, một đối thủ ngày càng lớn của Hoa Kỳ, và đang có hành động ngày càng đe dọa các nước láng giềng của họ ở Thái Bình Dương.
ĐCSTQ còn sử dụng AI để theo dõi và truy nã công dân của mình.
Trung Quốc đã đặt ra một mốc thời hạn cho quốc gia là năm 2030 để nước này dẫn đầu thế giới về AI.
Chính phủ ông Biden đang soạn thảo một sắc lệnh mà họ có thể sẽ sớm ban hành nhằm hạn chế và thắt chặt các quy định về đầu tư của Hoa Kỳ vào các ngành công nghệ có thể được vũ khí hóa của Trung Quốc.
Tháng 10/2022, chính phủ ông Biden đã áp đặt các quy tắc thông qua Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại nhằm cắt đứt quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các vi mạch được sử dụng trong các hệ thống vũ khí và công nghệ cho mục đích dân sự.
Từ tháng 10/2021 đến tháng 08/2022, Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt (SCSP), một quỹ tư nhân đặt tại Arlington, Virginia, đã thực hiện các cuộc phỏng vấn và thảo luận với “225 chuyên gia, bao gồm các quan chức chính phủ, nhà công nghệ, nhà lãnh đạo học thuật, và nhiều người khác,” để làm một báo cáo nghiên cứu có nhan đề, “Những thách thức giữa thập niên đối với năng lực cạnh tranh quốc gia,” tập trung vào cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và gây chú ý đáng kể đến cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia này về ưu thế AI.
“Hai diễn biến đang định hình môi trường an ninh quốc tế ngày nay phản ánh tình hình mà Dự án Nghiên cứu Đặc biệt đã tiến hành công việc của mình,” ông Henry Kissinger đã viết trong một bức thư trước phần chính của báo cáo này. “Thứ nhất, có một cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc giành lợi thế chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và, thứ hai, những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi khác hứa hẹn sẽ mang lại những tác động to lớn đối với khả năng cạnh tranh cả về kinh tế và quân sự, cũng như xã hội của chúng ta.”
Một ví dụ về một loại nguy cơ mới và tấn công vào sự tự do — nhắm mục tiêu vi mô (microtargeting) — mà AI có thể thực hiện được mô tả trong phần báo cáo này, vốn tập trung vào các thách thức quốc phòng mà Hoa Kỳ phải đối mặt.
Báo cáo này viết rằng, “Sự phổ biến của các cảm biến thu thập dữ liệu mà các cá nhân để lại trên Internet thông qua thói quen tìm kiếm, đọc, xem, mua sắm, và hẹn hò hàng ngày, và tốc độ mà các hệ thống do AI điều khiển có thể phân tích một lượng lớn dữ liệu được thu thập có thể định vị các lực lượng quân đội để có thể nhắm mục tiêu vi mô vào các cá nhân.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times