WEF: 14 triệu việc làm sẽ bị mất trên toàn cầu vào năm 2027 do AI và các tiêu chuẩn ESG
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã cảnh báo rằng bối cảnh việc làm sẽ thay đổi mạnh mẽ trong 5 năm tới do trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được sử dụng rộng rãi, việc chuyển đổi sang các tiêu chuẩn năng lượng xanh, môi trường, xã hội và quản trị (ESG), cũng như tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
Theo “Báo cáo Việc làm Tương lai năm 2023” của WEF, khoảng 23% công việc dự kiến sẽ thay đổi vào năm 2027, với khoảng 69 triệu việc làm mới được tạo ra và 83 triệu việc làm bị loại bỏ, dẫn đến giảm 14 triệu việc làm, tương đương 2% của việc làm hiện tại.
Báo cáo trên đã khảo sát 803 công ty sử dụng chung hơn 11.3 triệu nhân viên trong 27 cụm ngành và 45 nền kinh tế trên toàn cầu, về các xu hướng vĩ mô và công nghệ cũng như tác động của chúng đối với việc làm, kỹ năng, và “các chiến lược chuyển đổi lực lượng lao động” mà doanh nghiệp dự trù thực hiện từ nay đến năm 2027.
Báo cáo phát hiện ra rằng các vai trò văn phòng hoặc thư ký, bao gồm giao dịch viên ngân hàng, thủ quỹ và nhân viên bán vé, nhân viên nhập dữ liệu, thư ký dịch vụ bưu chính, và thư ký hành chính và điều hành có thể sẽ bị giảm nhanh nhất trong 5 năm tới so với quy mô của họ hiện nay, ít hơn khoảng 26 triệu việc làm vào năm 2027.
Trong khi đó, một số công việc công nghệ nhất định, trong đó có những công việc tập trung vào trí tuệ nhân tạo và máy học, chuyên gia về tính bền vững, nhà phân tích tình báo kinh doanh, chuyên gia bảo mật thông tin và kỹ sư ngành công nghệ tài chính, dự kiến sẽ có sự gia tăng việc làm.
Theo báo cáo, nhìn chung, mức tăng trưởng việc làm lớn nhất có thể sẽ được chứng kiến trong các lĩnh vực giáo dục (10%, với 3 triệu việc làm bổ sung), nông nghiệp (30%, hoặc 3 triệu việc làm bổ sung) và mậu dịch và thương mại điện tử (4 triệu việc làm bổ sung).
Năng lượng tái tạo, ESG thúc đẩy thay đổi công việc
WEF trích dẫn các xu hướng như chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, các tiêu chuẩn ESG — được các công ty sử dụng trong quá trình ra quyết định đầu tư để đo lường các tác động bền vững và đạo đức — thúc đẩy áp dụng công nghệ, và nội địa hóa chuỗi cung ứng như là “những động lực hàng đầu của tăng trưởng việc làm,” trong khi những thách thức kinh tế như lạm phát cao đang diễn ra, tăng trưởng kinh tế chậm hơn và thiếu hụt nguồn cung cấp là “mối đe dọa lớn nhất” đối với việc tạo việc làm.
Báo cáo nêu rõ, “Tác động loại bỏ và tạo việc làm lớn nhất đến từ các xu hướng môi trường, công nghệ và kinh tế. Trong số các xu hướng vĩ mô được liệt kê, các doanh nghiệp dự đoán hiệu quả tạo việc làm ròng mạnh nhất sẽ được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, áp dụng rộng rãi hơn các tiêu chuẩn ESG, và chuỗi cung ứng trở nên địa phương hóa hơn, mặc dù cũng có những việc làm bị loại bỏ trong từng trường hợp.”
Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo rằng các công ty áp dụng các tiêu chuẩn ESG có nguy cơ cắt giảm lợi nhuận đầu tư và cản trở tăng trưởng kinh tế, điều này có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền trên toàn nền kinh tế.
“Việc thích ứng với biến đổi khí hậu và lợi tức nhân khẩu học ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng được xếp hạng cao với tư cách là những nhân tố tạo ra việc làm ròng,” báo cáo của WEF cho biết thêm. “Tiến bộ công nghệ thông qua việc tăng cường áp dụng các công nghệ mới và tân tiến cũng như tăng lượng truy cập kỹ thuật số dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm ở hơn một nửa số công ty được khảo sát, bù đắp cho các việc làm dự kiến bị loại bỏ ở 1/5 số công ty.”
Báo cáo cũng chỉ ra rằng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng đối với người tiêu dùng là một yếu tố khác có khả năng gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với thị trường việc làm trong 5 năm tới và sẽ loại bỏ đáng kể việc làm.
Các công ty ‘cần phải sẵn sàng cho những gián đoạn phía trước’
Ngoài ra, WEF nhận thấy rằng tác động liên tục của đại dịch COVID-19, sự chia rẽ địa chính trị gia tăng và lợi tức nhân khẩu học ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi được những người tham gia khảo sát xếp hạng thấp hơn với tư cách là các động lực thúc đẩy sự phát triển kinh doanh.
Báo cáo mới nhất nói trên được đưa ra ngay sau khi các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự báo 2/3 việc làm trên khắp nước Mỹ có thể được tự động hóa một phần bằng AI, vốn đã bùng nổ trong việc sử dụng trong những năm gần đây, bất chấp những lo ngại về rủi ro tiềm tàng của công nghệ này đối với xã hội và nhân loại.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng lưu ý rằng việc sử dụng công nghệ này trong cả kinh doanh và xã hội có thể đưa đến mức tăng gần 7 ngàn tỷ USD trong GDP toàn cầu nhờ tăng năng suất và sản xuất, cùng các yếu tố khác.
Theo báo cáo của WEF, gần 75% công ty được khảo sát có kế hoạch áp dụng AI, dữ liệu lớn và điện toán đám mây trong vòng 5 năm tới, khoảng 50% công ty tin rằng sẽ tạo ra tăng trưởng việc làm và 25% cho rằng sẽ dẫn đến mất việc làm.
Ngoài ra, báo cáo này cho thấy các tổ chức ước tính khoảng 34% tất cả các nhiệm vụ liên quan đến kinh doanh hiện đang được máy móc thực hiện, 66% còn lại do con người thực hiện.
Ông Sander van ‘t Noordende, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn nguồn nhân lực Randstad cho biết: “Những phát hiện mới nhất trong Báo cáo Việc làm Tương lai nhắc lại những lời kêu gọi hành động từ tất cả các bên liên quan trên thị trường lao động.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times