BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Dòng tiền chảy vào các quỹ ESG đang dần chậm lại
Các nhà đầu tư nguội lạnh về đầu tư ‘bền vững’ sau một năm thu được lợi nhuận đáng thất vọng
Dòng đầu tư trị giá hàng tỷ dollar đổ vào các quỹ ESG từng tăng tốc nhanh chóng trong thập niên qua dường như đang bị đình trệ.
Theo một báo cáo của Morningstar (pdf), một công ty phân tích quỹ cũng nằm trong số các cơ quan xếp hạng Môi trường, Xã hội, và Quản trị (ESG) hàng đầu, số lượng quỹ “bền vững” dành cho các nhà đầu tư đã tăng 12% từ năm 2021 đến năm 2022, nhưng “dòng tiền chảy vào các quỹ bền vững của Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 3.1 tỷ USD vào năm 2022, mức thấp nhất trong vòng bảy năm.”
Ngoài ra, báo cáo này nêu rõ rằng vào năm 2022, “tổng tài sản trong các quỹ bền vững đạt mức 286 tỷ USD, giảm 20% so với mức cao nhất mọi thời đại là 358 tỷ USD vào cuối năm 2021,” và “3.1 tỷ dòng tiền ròng chảy vào hàng năm của họ là thấp hơn nhiều mức thu trung bình hàng năm 47 tỷ USD mà các quỹ này đã có được trong ba năm trước đó.”
Những thách thức của các quỹ ESG đang diễn ra trong một năm rất khó khăn đối với các quỹ đầu tư nói chung. Trong khi các quỹ “bền vững” tăng trưởng 0.9% vào năm 2022, sau khi đã tăng hơn 30% mỗi năm trong hai năm trước đó, thì nhìn chung các quỹ đầu tư của Hoa Kỳ đã giảm 1.3% vào năm 2022.
Ngoài những thách thức đó, thì hiệu suất của các quỹ ESG đã tụt hậu so với thị trường vào năm 2022.
“Hầu hết các quỹ bền vững đều hoạt động kém hiệu quả trong năm 2022, xếp ở nửa dưới của Danh mục Morningstar tương ứng,” báo cáo trên cho biết. “Lực cản lớn nhất đối với hiệu quả đầu tư là sự thiếu cân đối tương đối trong tỷ trọng ngành năng lượng.”
Chevron, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của Mỹ, đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục 36.5 tỷ USD cho năm 2022, tăng gấp đôi lợi nhuận so với năm trước. Exxon Mobil, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất của Mỹ, cũng phá kỷ lục khi kiếm được 56 tỷ USD lợi nhuận cho năm 2022.
Một báo cáo tài chính của Reuters đã tuyên bố rằng “các công ty lớn về dầu mỏ dự kiến sẽ phá vỡ kỷ lục hàng năm của chính họ do giá cao và nhu cầu tăng vọt, đẩy tổng giá trị của họ lên gần 200 tỷ USD.”
Tuy nhiên, Morningstar đã bảo vệ việc đầu tư vào ESG, nói rằng “một năm hoạt động kém hiệu quả không xóa bỏ được hiệu quả vượt trội trong dài hạn.” Morningstar viết, nếu tính cả năm 2020, một năm mà các cổ phiếu năng lượng bị cản trở bởi các lệnh phong tỏa xã hội và nhu cầu về dầu khí giảm mạnh, thì các quỹ “bền vững” vốn kiêng kỵ các cổ phiếu năng lượng để ủng hộ các ngành phát thải thấp như công nghệ và tài chính, sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.
Diễn thuyết trước các nhà lập pháp tiểu bang Texas hồi tháng 12/2022, bà Lori Heinel, Giám đốc đầu tư của State Street, nói với các thượng nghị sĩ, “Tôi không có bằng chứng nào cho thấy việc [đầu tư theo ESG] này mang lại lợi nhuận tốt trong bất kỳ khung thời gian nào. Trên thực tế, chúng tôi đã thấy bằng chứng hoàn toàn trái ngược.”
“Năm ngoái, nếu quý vị không sở hữu các công ty năng lượng, thì quý vị đã tổn thất rất lớn so với các tiêu chuẩn chung,” bà Heinel nói. “Năm trước nữa, thì hiệu quả hoàn toàn ngược lại … nhưng nhưng đó chỉ là một sự tình cờ, không phải vì đó là một khoản đầu tư tốt.”
Quỹ ESG trao quyền, làm giàu cho Wall Street
Các quỹ ESG thường tính phí cao hơn, chẳng hạn như các quỹ chỉ số thụ động không yêu cầu các nhà quản lý quỹ phân tích cổ phiếu riêng lẻ. Mặc dù các nhà quản lý tài sản có thể đang thiết lập các quỹ ESG mới vì mối lo ngại thực sự đối với các vấn đề về công lý xã hội và môi trường, nhưng có thêm lợi ích là họ kiếm được nhiều tiền hơn từ chúng.
Báo cáo của Morningstar cũng nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của các nhà quản lý tài sản ESG trong việc thuyết phục các công ty tuân theo nghị trình của họ. Cơ chế này được gọi là “biểu quyết theo ủy quyền” hoặc cách các nhà quản lý tài sản bỏ phiếu cho cổ phiếu công ty mà quỹ của họ mua thay mặt cho các nhà đầu tư đầu cuối trong quỹ của họ.
Theo Morningstar, 10 quỹ ESG lớn nhất “đã ủng hộ hơn 60% các nghị quyết về ESG quan trọng mà họ đã biểu quyết vào năm 2022. Con số này dao động từ ủng hộ 100% (quỹ Parnassus Core Equity và Calvert Equity) đến 20% (quỹ Chỉ số Xã hội FTSE của Vanguard).”
Trong khi những người ủng hộ ESG lập luận rằng các lá phiếu biểu quyết theo ủy quyền của cổ đông phần lớn là mang tính tượng trưng và các giám đốc điều hành công ty không bắt buộc phải tuân theo chúng, thì Morningstar nhận thấy rằng “94% các đề nghị liên quan đến ESG đã được thực hiện đầy đủ trong các trường hợp đạt được sự ủng hộ của đa số. Trong ¾ số trường hợp có ít nhất 30% ủng hộ, ban quản lý đã hành động theo đề nghị.”
Tuy nhiên, một số nhà quản lý quỹ ít lạc quan hơn về đầu tư theo ESG.
Một nhà quản lý quỹ, Inspire Advisors, đã đóng tất cả các quỹ ESG của mình. Trong một bài đăng trên blog vào tháng 08/2022 có tiêu đề “Các nhà đầu tư tin vào Kinh Thánh từ bỏ ESG,” giám đốc điều hành Robert Netzly đã giải thích lý do tại sao.
Ông Netzly viết: “Chúng tôi đã loại bỏ ESG khỏi tên của tất cả các sản phẩm của mình và không còn xác định phương pháp đầu tư của chúng tôi là một phần của danh mục ESG.”
“Đối với bất kỳ ai chưa biết, ESG là một cách tiếp cận đầu tư nhằm xác định các rủi ro tiềm ẩn và phần thưởng vốn có trong một khoản đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường, xã hội, và quản trị, mà nhìn bề ngoài là một khái niệm khá lành mạnh,” ông nói. “Thật không may, ESG đã trở thành vũ khí của các nhà hoạt động thiên tả để thúc đẩy nghị trình xã hội chủ nghĩa Marx có hại của họ.”
Vanguard, công ty quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới, đã rút khỏi sáng kiến Các nhà quản lý Tài sản Phát thải ròng bằng không (Net Zero Asset Managers, NZAM) hồi tháng 12, và vào tháng Hai năm nay, Giám đốc điều hành của Vanguard, ông Tim Buckley, cho biết: “Chúng tôi không thể khẳng định rằng đầu tư theo ESG mang lại hiệu quả tốt hơn là theo đầu tư dựa trên chỉ số rộng. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng đầu tư theo ESG không có bất kỳ lợi thế nào so với đầu tư trên diện rộng.”
Ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock và là người ủng hộ đầu tư ESG lâu năm, cho biết hồi tháng Sáu rằng “Tôi sẽ không sử dụng từ ESG vì khái niệm này đã bị cánh cực tả và cực hữu lạm dụng,” đồng thời cho biết thêm rằng ông thấy “xấu hổ vì là một phần của cuộc trò chuyện này.”
BlackRock được xếp hạng là công ty quản lý tài sản lớn nhất của các quỹ “bền vững” trong ba năm qua, tiếp theo là Parnassus, Calvert, Vanguard, và Nuveen/TIAA. Trong khi bác bỏ thuật ngữ ESG, ông Fink tuyên bố rằng ông vẫn tin tưởng vào “chủ nghĩa tư bản có lương tâm,” mà một số người cho là việc đổi tên các chính sách tương tự dưới một cái tên khác.
ESG và quản lý rủi ro
Phù hợp với lập luận rằng đầu tư theo ESG chỉ đơn giản là vấn đề quản lý rủi ro, Morningstar đã tuyên bố rằng “các quỹ bền vững tiếp tục mang lại mức độ rủi ro về ESG thấp hơn” dựa trên tiêu chí xếp hạng rủi ro ESG của riêng họ. Ngoài những rủi ro mà các công ty có thể gặp phải do nhiệt độ tăng cao, những người ủng hộ ESG còn trích dẫn vai trò của chính sách của chính phủ.
Những diễn biến chính trị lớn vào năm 2022 được Morningstar trích dẫn bao gồm một quy định của chính phủ Tổng thống Biden, do Bộ Lao động ban hành, cho phép đầu tư theo ESG trong các quỹ hưu trí tư nhân, cũng như việc thực hiện cái gọi là “kế toán xanh” đối với toàn bộ các công ty niêm yết, cũng như với nhà cung cấp và khách hàng của họ, theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và những nỗ lực của SEC nhằm tiêu chuẩn hóa việc công bố thông tin đối với quỹ ESG. Các lĩnh vực khác mà chính phủ ông Biden đang ủng hộ ESG bao gồm các quy định chặt chẽ hơn đáng kể về khí thải CO2 từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đối với xe hơi và máy phát điện, cũng như hàng tỷ USD trợ cấp cho người mua xe điện và để xây dựng các nhà máy sản xuất pin xe hơi.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành công ty theo đuổi chính sách ESG có thể khiến công ty của họ gặp những rủi ro mới, bao gồm các vụ kiện phân biệt chủng tộc, hành động chống độc quyền, và tiếp xúc quá nhiều với các quốc gia có khả năng là đối thủ như Trung Quốc.
Do nhiều công ty bảo hiểm là thành viên của các câu lạc bộ chống nhiên liệu hóa thạch như Liên minh Bảo hiểm Phát thải ròng bằng không (Net Zero Insurers Alliance, NZIA) và Climate Action 100+, hồi tháng Năm, tổng chưởng lý từ 23 tiểu bang đã yêu cầu thông tin từ 28 công ty bảo hiểm như một phần của cuộc điều tra tiềm năng về hành vi vi phạm luật chống độc quyền của Hoa Kỳ. Hôm 14/07, 13 tổng chưởng lý của các tiểu bang theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống đã gửi thư cho các CEO của 100 tập đoàn hàng đầu, nhấn mạnh rằng phán quyết chống lại các chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc tại Harvard và Đại học North Carolina của Tối cao Pháp viện hôm 29/06 cũng áp dụng cho các chính sách phân biệt chủng tộc tại các công ty tư nhân, và rằng các công ty này sẽ gặp nguy hiểm về mặt pháp lý nếu họ vi phạm luật dân quyền của liên bang hoặc tiểu bang.
Tuần trước (17-23/07), các tổng chưởng lý từ New York, Illinois, Nevada, và bốn tiểu bang khác đã phản đối tuyên bố này, lập luận rằng phán quyết của Tối cao Pháp viện không áp dụng cho các nỗ lực đa dạng của chủ doanh nghiệp và kêu gọi các công ty tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới và chủng tộc. Mặc dù vấn đề cuối cùng có thể sẽ được quyết định tại tòa án, nhưng những người đi làm đang bắt đầu thắng được các vụ kiện phân biệt chủng tộc mang tính tiền lệ chống lại các công ty.
Hồi tháng Sáu, Starbucks, một công ty cà phê, đã nhận được lệnh phải trả 25.6 triệu USD cho một nhân viên mà một bồi thẩm đoàn ở New Jersey xác định là đã bị sa thải vì bà là người da trắng. Và vào tháng Năm, ba công chức của thành phố New York đã kiện quỹ hưu trí thành phố vì đã đầu tư tiền hưu trí của họ theo tiêu chí ESG, hành động mà những nhân viên này cho rằng sẽ làm giảm quỹ dành cho về hưu của họ.
Ngoài ra, các công ty như Disney, Target, và Anheuser Busch, nhà sản xuất của thương hiệu bia Bud Light, gần đây đã chứng kiến giá cổ phiếu bán ra của họ bị ảnh hưởng sau khi thúc đẩy các mục tiêu gây tranh cãi về công lý xã hội khiến một số khách hàng của họ xa lánh. Và trong khi các nhà sản xuất xe hơi như Ford và GM đã đặt cược hàng tỷ USD vào việc xây dựng các nhà máy lắp ráp pin EV mới và cam kết chuyển đổi hầu hết hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất của họ sang EV trong những năm tới, thì nhu cầu của người tiêu dùng đối với EV dường như cũng đang bị đình trệ dẫn đến lượng hàng tồn kho và mức chiết khấu của đại lý cao.
Ước tính, Ford đã lỗ trung bình khoảng 60,000 USD cho mỗi chiếc xe điện được bán ra vào năm 2022. Và các chuyên gia trong ngành, trong đó có ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất xe hơi Stellantis, trước đây là hãng Chrysler, không tin là các nhà sản xuất xe hơi phương Tây có thể có đủ nguyên liệu để sản xuất xe điện ở quy mô lớn, trong điều kiện các khoáng chất thiết yếu cho pin như cobalt và lithium được khai thác ở các quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo và thường được tinh chế ở Trung Quốc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times