Ông Jim Jordan ban trát lệnh đến Vanguard và Arjuna Capital trong cuộc điều tra về đầu tư ESG theo chủ nghĩa thức tỉnh
Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã ban hành trát lệnh cho hai công ty quản lý tài sản lớn liên quan đến cuộc điều tra chống độc quyền.
Hôm thứ Hai (11/12) Ủy ban Tư pháp Hạ viện do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã ban hành trát lệnh cho Vanguard và Arjuna Capital, liên quan đến cuộc điều tra của ủy ban về việc liệu các công ty này có tham gia vào các liên minh đầu tư về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) theo cách vi phạm luật chống độc quyền hay không.
Trong các bức thư gửi riêng cho từng công ty đầu tư này, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) bày tỏ sự thất vọng khi các công ty được cho là đã thoái thác trước các yêu cầu trước đó về hồ sơ cho thấy cách mà mỗi công ty thúc đẩy chính sách ESG của họ.
“Các tập đoàn đang cùng nhau áp dụng và áp đặt các mục tiêu cấp tiến liên quan đến môi trường, xã hội, và quản trị (ESG), và công ty The Vanguard Group (Vanguard) dường như đã ký kết các thỏa thuận thông đồng để ‘khử cacbon’ các tài sản thuộc quyền quản lý của mình và giảm lượng phát thải ròng bằng 0 theo những cách có thể vi phạm luật chống độc quyền của Hoa Kỳ,” ông Jordan viết trong một bức thư gửi cho Vanguard. Đồng thời, ông cũng gửi một bức thư tương tự tới Arjuna Capital với tuyên bố giống như vậy.
Ông Jordan nói tiếp: “Để thúc đẩy sự giám sát của chúng tôi và thông báo các dự luật có thể liên quan đến các chính sách ESG thông đồng, Ủy ban phải hiểu Vanguard có thể đã thông đồng như thế nào và ở mức độ nào để thúc đẩy các mục tiêu liên quan đến ESG.”
Vanguard và Arjuna Capital là các công ty đầu tư. Sau khi được yêu cầu hồ sơ ban đầu vào tháng Bảy và tháng Tám, các công ty này đã gửi hàng ngàn trang hồ sơ tới Ủy ban Tư pháp Hạ viện như một phần trong cuộc điều tra kéo dài của ủy ban về việc liệu các công ty này có tham gia vào các liên minh như Climate Action 100+ nhằm phá vỡ các quy tắc chống độc quyền hay không.
Arjuna là một phần của Climate Action 100+, một liên minh gồm hàng trăm nhà đầu tư toàn cầu đại diện cho tài sản trị giá khoảng 68 ngàn tỷ USD, còn Vanguard thì không thuộc liên minh này.
Arjuna cũng tham gia ‘Sáng kiến Quản lý Tài sản ròng bằng 0,’ một tổ chức tương tự đại diện cho hàng trăm nhà đầu tư với tài sản khoảng 66 ngàn tỷ USD, còn Vanguard đã rời nhóm này vào tháng 12/2022.
Cả hai công ty đều bày tỏ sẵn sàng hợp tác với các yêu cầu của ủy ban khi được hỏi ý kiến về những trát lệnh này.
Một phát ngôn viên của Vanguard nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử rằng công ty “cam kết làm việc mang tính xây dựng với các nhà lập pháp và đã hợp tác với các yêu cầu của Ủy ban, trong đó đã đưa ra hàng chục ngàn trang tài liệu liên quan cho đến nay.”
Một phát ngôn viên của Arjuna cho biết họ đã đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Tư pháp Hạ viện và có ý định “tuân thủ hoàn toàn” trát lệnh này.
Các công ty đầu tư khác đã nhận được yêu cầu từ Ủy ban Tư pháp Hạ viện về các tài liệu liên quan đến ESG kể từ khi ủy ban này tiến hành cuộc điều tra vào tháng 12/2022.
Các công ty đầu tư đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa về việc họ sử dụng các yếu tố ESG trong việc lựa chọn và quản lý chứng khoán, và việc Đảng Cộng Hòa cáo buộc các công ty này phá hoại an ninh quốc gia của Mỹ quốc bằng cách không rót vốn đầu tư cho các công ty nhiên liệu hóa thạch dưới danh nghĩa chống biến đổi khí hậu.
Các công ty có thể vi phạm pháp luật
Vào tháng 12/2022, Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã mở một cuộc điều tra xem liệu các nhóm [ủng hộ nghị trình] khí hậu lớn dẫn đầu phong trào ESG có hành động vi phạm luật chống độc quyền của Hoa Kỳ hay không.
“Các tập đoàn theo chủ nghĩa thức tỉnh đang cùng nhau áp dụng và áp đặt các mục tiêu chính sách cấp tiến mà người tiêu dùng Mỹ không muốn hoặc không cần,” trích nội dung bức thư mà ông Jordan và các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa khác gửi cho các nhà lãnh đạo của liên minh Climate Action 100+ năm 2022. Trong bức thư này, họ cũng yêu cầu các tài liệu quan trọng xung quanh việc sử dụng các chính sách ESG để thúc đẩy một nghị trình “cấp tiến.”
“Việc một công ty riêng lẻ sử dụng nguồn lực của tập đoàn vì các mục tiêu cấp tiến có thể vi phạm nghĩa vụ ủy thác hoặc các luật khác, gây tổn hại đến khả năng tồn tại của công ty đó và khiến người tiêu dùng né tránh. Nhưng khi mà các công ty đồng ý hợp tác cùng nhau để trừng phạt những quan điểm bất lợi trong các ngành, hoặc để thúc đẩy quản trị, xã hội, và môi trường (ESG), thì hành vi này có thể vi phạm luật chống độc quyền và gây hại cho người tiêu dùng Mỹ,” họ nói thêm.
Các nhà lập pháp cáo buộc rằng các ngân hàng, nhà quản lý tài sản, và liên minh Climate Action 100+ đang thực hiện một nỗ lực lớn nhằm hạn chế đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, đẩy giá năng lượng tăng cao, và làm suy yếu an ninh năng lượng của Hoa Kỳ.
Theo trang web của Climate Action 100+, liên minh này là một “sáng kiến quốc tế do nhà đầu tư dẫn đầu nhằm bảo đảm các công ty có phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới thực hiện hành động cần thiết đối với biến đổi khí hậu.” Có năm mạng lưới nhà đầu tư trợ giúp liên minh này trong việc cung cấp trợ giúp kỹ thuật và giúp đỡ trong việc giao tiếp.
Những người chỉ trích các nhà quản lý tài sản tập trung vào ESG cho rằng những nhà quản lý này không hành động vì lợi ích tốt nhất của chủ sở hữu số tiền mà họ quản lý.
“Về cốt lõi, ESG là một hoạt động đảng phái cực cấp tiến dưới danh nghĩa quản trị doanh nghiệp một cách có trách nhiệm,” Dân biểu Dan Bishop (Cộng Hòa-North Carolina), một trong những người ký bức thư đó, cho biết trong một tuyên bố. “Những hành vi có hại này có thể vi phạm luật chống độc quyền của quốc gia chúng ta, và chúng ta phải không ngừng điều tra những hành vi này.”
Sự chỉ trích còn chủ yếu nhắm vào ‘Sáng kiến Quản lý Tài sản ròng bằng 0’, một chương trình được đưa ra vào cuối năm 2020 nhằm khuyến khích các công ty tài trợ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và cố gắng hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
Vanguard, công ty quản lý tài sản trị giá khoảng 7 ngàn tỷ USD, đã rời khỏi ‘Sáng kiến Quản lý Tài sản ròng bằng 0’ vào cuối năm 2022, mặc dù công ty này khẳng định rằng hành động này “sẽ không ảnh hưởng đến cam kết của chúng tôi trong việc giúp các nhà đầu tư vượt qua cuộc khủng hoảng mà biến đổi khí hậu có thể gây ra đối với lợi nhuận dài hạn của họ.”
Công ty đầu tư này cho biết, mặc dù đã rời khỏi liên minh này, nhưng họ sẽ tiếp tục cung cấp một loạt sản phẩm đầu tư lấy ESG làm mục tiêu.
Phản ứng dữ dội đối với doanh nghiệp ‘thức tỉnh’
Trong bối cảnh có sự phản ứng dữ dội hơn đối với các tập đoàn ‘thức tỉnh’ thúc đẩy các nghị trình tả khuynh khác nhau, một cuộc thăm dò mới đây cho thấy rằng hầu hết người Mỹ không muốn các doanh nghiệp đưa ra quan điểm công khai về các vấn đề chính trị và xã hội.
Theo một cuộc thăm dò mới từ Gallup, gần 60% người Mỹ — tăng lên từ con số 52% vào năm ngoái — tin rằng các doanh nghiệp không nên đưa ra quan điểm công khai về các sự kiện hiện tại.
Có một phương diện đảng phái đáng kinh ngạc trong những phát hiện này, đó là việc xác nhận đảng chính trị là chỉ số mạnh nhất về việc liệu người Mỹ có nghĩ rằng các tập đoàn nên có lập trường công khai về các vấn đề hiện tại hay không.
Một số lượng lớn với 62% số người ủng hộ Đảng Dân Chủ — so với 17% số người ủng hộ Đảng Cộng Hòa — ủng hộ việc các công ty đưa ra lập trường công khai về các vấn đề hiện tại.
Phản ứng dữ dội đối với hoạt động xã hội của doanh nghiệp đã trở nên rõ ràng hơn trong thời gian gần đây, trong đó có cả những cuộc tẩy chay có khuynh hướng bảo tồn truyền thống chống lại Bud Light về sự hợp tác giới thiệu sản phẩm của thương hiệu này với nhân vật truyền thông xã hội chuyển giới Dylan Mulvaney và các vụ kiện chống lại Starbucks về chính sách tuyển dụng dựa trên chủng tộc.
Ông Scott Shepard, một thành viên của nhóm chính sách công thị trường tự do, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công Quốc gia, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng sự phản đối ESG đang ngày càng gia tăng.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times