BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Các chuyên gia khí hậu chỉ trích luận điệu của những người gieo hoang mang về nhiệt độ mùa hè
“Khắc nghiệt,” “khủng khiếp,” “thiêu đốt,” và “vô cùng nóng.” Những từ ngữ này, và còn một số từ khác nữa, đang được các chính trị gia và giới truyền thông sử dụng để mô tả nhiệt độ mùa hè trên khắp cả nước.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết: “Tháng nóng nực nhất vừa chấm dứt. Chúng ta đã chứng kiến cái nóng như thiêu đốt, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng, và những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.”
“Đó là một lời nhắc nhở rõ ràng về nhu cầu cấp thiết phải cùng nhau hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hãy sử dụng cột mốc đáng báo động này để thúc đẩy quyết tâm của chúng ta đối với hành động khí hậu mạnh mẽ. Cùng nhau, chúng ta có thể gia tăng sức ép cho các giải pháp bền vững và tạo ra một thế giới mát mẻ hơn, bền vững hơn cho các thế hệ tương lai.”
Ông Myron Ebell, giám đốc và là thành viên cao cấp tại Trung tâm Năng lượng và Môi trường, cho biết tuy rằng nhiều nơi có thời tiết tháng Sáu và tháng Bảy nóng nực nhưng những nơi khác lại có nhiệt độ dưới mức trung bình. Chẳng hạn, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), đây là năm thứ mười Los Angeles có tháng Sáu ít nóng nhất được ghi nhận.
“Đúng vậy, tháng Sáu nóng nực, tháng Bảy cũng nóng nực, trên toàn cầu, nhưng không lên đến tột đỉnh,” ông Ebell nói với The Epoch Times. “Hành tinh này không phải là đang sôi lên. Nam Âu từng rất nóng. Nhưng không phải nơi nào cũng đều đang trải qua nhiệt độ cao kỷ lục.”
Phoenix, Arizona, đã trải qua một tháng Bảy đặc biệt nóng, với dữ liệu sơ bộ cho thấy nhiệt độ cao trung bình là 114.7℉ (45.9℃). Nhiệt độ cao trung bình từ năm 1991 đến năm 2020 là 106.5 ℉ (41.4℃). Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS) thuộc NOAA, những số liệu nhiệt độ này được ghi nhận tại Phi trường Quốc tế Phoenix-Sky Harbor.
Ngoài ra, theo dữ liệu của NWS, Houston và Texas có nhiệt độ cao hơn 10℉ so với nhiệt độ trung bình trong tháng Bảy. Trạm đặt tại Houston Intercontinental đã ghi nhận một nhiệt độ trung bình hàng ngày là 97.7℉ (36.5℃) trong tháng Bảy.
Tuy nhiên, ở các thị trấn nông thôn của Texas như Water Valley, sự thay đổi nhiệt độ hoàn toàn không ở mức khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình trong tháng Bảy ở đó là 99.8℉ (37.7℃), so với mức trung bình trước đó là 97℉ (36.1℃).
Ông John Christy, nhà khí hậu học kiêm giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Alabama, đồng thời là giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái Đất, cho biết để có sự chính xác về nhiệt độ trong dài hạn, tốt nhất nên theo dõi các trạm nông thôn có các dữ liệu được thống kê trong khoảng thời gian ít nhất là 100 năm.
Ông Christy nói với The Epoch Times: “Xét về khu vực, phương Tây đã chứng kiến số lượng mùa hè nóng kỷ lục cao nhất trong 100 năm qua, nhưng Thung lũng Ohio và Thượng Trung Tây đang có ít mùa hè nóng kỷ lục nhất.”
“Đối với các tiểu bang Hoa Kỳ tiếp giáp nhau, 10 năm vừa qua chỉ có một số lượng kỷ lục trung bình. Những năm 1930 vẫn là năm nóng bức [vì có số ngày với nhiệt độ hơn 100℉ (37.7℃) nhiều nhất trong một năm].”
Phương pháp chính của NOAA để thu thập dữ liệu về nhiệt độ tối thiểu và tối đa là các trạm Mạng lưới Khí hậu Lịch sử Toàn cầu (GHCN). Đây là những trạm mặt đất khắp toàn cầu đo dữ liệu khí hậu, và thường được đặt ở những khu vực có mật độ dân số và cơ sở hạ tầng cao.
Ông Ebell cho biết những thứ xung quanh nhiệt kế, bao gồm cả cơ sở hạ tầng và con người, ảnh hưởng đến kết quả đo nhiệt độ. Ông cho rằng để có được kết quả thực sự chính xác về nhiệt độ thì chúng ta phải kiểm tra dữ liệu vệ tinh.
Ghi lại nhiệt độ
Ông Roy Spencer, nhà khí hậu học, cựu khoa học gia NASA, và hiện là một nhà khoa học nghiên cứu chính tại Đại học Alabama ở Huntsville, cho biết khu vực có mật độ dân số và cơ sở hạ tầng cao có nhiệt độ cao hơn, từ đó ảnh hưởng đến nhiệt độ trung bình trên diện rộng vì hầu hết các GHCN đều được đặt ở nơi con người sinh sống và làm việc. Ông Spencer cho biết hiện tượng đó được gọi là “đảo nhiệt đô thị.”
“Khi tiến dần đến các trạm có dân số cao hơn, chúng tôi thấy rằng hiệu ứng nóng lên [đảo nhiệt đô thị] trở nên lớn hơn,” ông Spencer báo cáo hôm 13/07.
Ông Ebell đồng ý, “Nếu quý vị tin vào sự đồng thuận của các nhà khoa học về khí hậu, thì hiệu ứng đảo nhiệt đô thị là không đáng kể. Nhưng thực tế là có hiệu ứng này. Và ngay cả những nơi khá nhỏ có nhựa đường cũng sẽ chứng kiến hiệu ứng đó.”
Để có được kết quả chính xác hơn về nhiệt độ bề mặt dao động của Trái Đất nói chung, ông Spencer và ông Christy đã phát triển một bộ dữ liệu nhiệt độ toàn cầu từ dữ liệu vi sóng quan sát được từ vệ tinh. Họ bắt đầu dự án của mình năm 1989 và phân tích dữ liệu có từ năm 1979.
“Với phạm vi phủ sóng toàn cầu của các vệ tinh, chúng tôi có thể tính toán nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu thực sự,” ông Christy nói với Ủy ban Môi trường và Công trình Công cộng của Thượng viện Hoa Kỳ vào năm 1997. “Có thể đo chính xác trong hai tầng cụ thể: 1) tầng đối lưu thấp hơn, hoặc tầng không khí thấp nhất gồm 7 km (4.3 dặm) không khí bên trên bề mặt, và 2) tầng ở từ 17 đến 21 km (10.5 dặm đến 13 dặm), hoặc tầng bình lưu thấp hơn.”
Năm 1991, ông Christy và ông Spencer đã được trao huy chương NASA về thành tựu khoa học đặc biệt cho công việc của họ.
Và vào năm 1996, họ đã nhận được giải thưởng đặc biệt của Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ “vì đã phát triển một bản ghi toàn cầu, chính xác về nhiệt độ trái đất … về căn bản nâng cao khả năng theo dõi khí hậu của chúng ta.”
Ông Christy nói rằng các dữ liệu vệ tinh toàn cầu gần đây đã đo được tháng Bảy nóng nhất trong vòng 45 năm qua, nóng hơn khoảng ¼ độ. Ông cho biết một “El Niño sớm và mạnh” là một “yếu tố chính” trong sự gia tăng này. Và vụ phun trào Hunga Tonga hồi năm 2022 đã đưa hơi nước vào tầng bình lưu, có thể làm tăng thêm sự nóng lên.
“Thời tiết nóng ở một số nơi và không nóng ở những nơi khác,” ông Christy nói. “Trên toàn cầu, nhiệt độ tiếp tục tăng lên — nhưng cần lưu ý rằng thế kỷ 19 là một trong những thế kỷ lạnh nhất trong 10,000 năm qua, vì vậy chúng ta mong đợi Mẹ Thiên Nhiên sẽ phục hồi sau đó, với một chút trợ giúp nhờ lượng khí nhà kính tăng lên mà về căn bản cho thấy ngày càng có nhiều người trải nghiệm cuộc sống lâu hơn và tốt hơn.”
Nhìn chung, kể từ năm 1979, nhiệt độ Trái Đất đã tăng với tốc độ ổn định 0.23°F cứ mỗi 10 năm, theo dữ liệu vệ tinh toàn cầu, ông Spencer cho biết trên trang web của mình.
Truyền tải thông điệp về khí hậu
Hôm 27/07, Tổng thống Joe Biden đã có bài diễn văn, trong đó ông tuyên bố rằng “nhiệt độ kỷ lục — ý tôi là kỷ lục — hiện đang ảnh hưởng đến hơn 100 triệu người dân Mỹ. Puerto Rico đạt chỉ số nóng bức 125℉ (51.6℃) vào tháng trước. San Antonio đạt chỉ số nóng bức chưa từng có là 117℉ (47.2℃) hồi tháng trước.”
Ông Biden đã sử dụng phép đo chỉ số nóng bức trong đó kết hợp giữa nhiệt độ không khí và độ ẩm tương đối, thay vì chỉ riêng nhiệt độ.
Theo NWS, tại Puerto Rico, trong ngày mà chỉ số nóng bức lên tới 125 độ F, thì nhiệt độ là 95 độ F (35℃).
Cũng theo NWS, trong tháng Sáu, San Antonio đạt chỉ số nóng bức 117 độ F (47.2℃), nhờ ba ngày 19, 20, và 21 có nhiệt độ 105 độ F (40.5℃).
Ông Biden tuyên bố rằng chính phủ của ông xem biến đổi khí hậu là một “mối đe dọa hiện hữu.”
Sau mùa hè này, “Tôi không nghĩ ai đó có thể phủ nhận tác động của biến đổi khí hậu nữa,” ông nói. “Kẻ sát nhân số một liên quan đến thời tiết là sự nóng bức — 600 người tử vong hàng năm vì ảnh hưởng của tình trạng nóng bức này.”
Năm 2022, NOAA báo cáo rằng 148 người tử vong vì các vấn đề liên quan đến tình trạng nóng bức ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trên toàn thế giới, thời tiết lạnh tiếp tục khiến nhiều người tử vong hơn mỗi năm so với tình trạng nóng bức. Theo Breakthrough Institute, thời tiết lạnh là nguyên nhân gây ra 4.6 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong khi đó, tình trạng nóng bức gây ra 500,000 ca tử vong hàng năm.
Ông Biden cho biết chính phủ của ông dự định thực hiện thêm các biện pháp để “làm cho quốc gia của chúng ta trở nên kiên cường hơn trước những đợt nắng nóng trong tương lai.”
Các kế hoạch của ông bao gồm tăng cường kiểm tra trong các ngành công nghiệp “có rủi ro cao” như xây dựng và nông nghiệp, tài trợ 1 tỷ USD từ Sở Lâm nghiệp Hoa Kỳ để trồng cây ở các thành phố, và chỉ thị Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị bảo đảm cho các tòa nhà được “hiệu quả” hơn và “chống được sức nóng.”
Ông Biden cho biết chính phủ của ông đã cung cấp “một khoản tiền kỷ lục với 50 tỷ USD cho khả năng phục hồi khí hậu để khôi phục vùng đất ngập nước, kiểm soát cháy rừng, giúp người Mỹ ở mỗi tiểu bang chống chọi với tình trạng nóng bức khắc nghiệt.”
Liên quan đến thông điệp về tình trạng nhiệt độ trong tháng Sáu và tháng Bảy đó, ông Christy đã trả lời một câu hỏi: “Mỗi mùa hè sẽ trải qua nhiệt độ nóng bất thường ở đâu đó. Tin giật gân thì lập tức được lên báo thôi. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ lưỡng về tần suất của những cơn nóng cực độ, có thể thấy rất ít sự liên quan đến tình trạng ấm lên dần dần của Trái Đất, ít nhất là đối với Hoa Kỳ, nơi chúng tôi có những quan sát tốt nhất để thẩm định những tuyên bố này.”
Ông Ebell nói một cách thẳng thắn hơn: “[Những người báo động khí hậu] muốn dọa chúng ta để áp dụng các chính sách tốn kém, vô nghĩa.”
Ông nói rằng chính phủ TT Biden và những người báo động về khí hậu không “đạt được những gì họ muốn” bởi vì người dân nói chung không ủng hộ nghị trình về khủng hoảng khí hậu và năng lượng xanh cực đoan của họ. Do đó, họ mới giở luận điệu như vậy.”
Ông Ebell nói: “Quý vị phóng đại tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu, những câu chuyện đáng sợ về bão và thời tiết nóng, và rồi hạ thấp chi phí — tìm cách giải thích rằng chuyện này thực sự sẽ không tốn đồng nào vì chính phủ sẽ chi trả.”
“Đây thực sự là một cuộc chiến giữa năng lượng thông thường và năng lượng tái tạo. Và năng lượng tái tạo không khả thi về mặt thương mại. Vì vậy, mọi người bị bắt ép phải sử dụng, mua, và có nhiều cách khác nhau để buộc mọi người làm điều đó.”
Ông Ebell nói rằng các cuộc thăm dò cho thấy một người Mỹ trung bình sẵn sàng trả từ 5 đến 10 USD hàng tháng cho mỗi gia đình để trợ giúp quá trình chuyển đổi sang năng lượng “xanh hơn.” Nhưng nếu việc này trở nên tốn kém hơn thế, thì sự trợ giúp này sẽ giảm dần. Ông nói thêm rằng mọi người đã trả thêm tiền cho năng lượng.
Ông Ebell cho biết, kể từ năm 2000, thế giới đã chi khoảng 6.5 ngàn tỷ USD cho việc chuyển đổi khỏi dầu mỏ, than đá, và khí đốt. Kết quả là sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch đã giảm từ 82% xuống còn 81%.
“Lượng phát thải của [Hoa Kỳ] đã giảm. Việc sử dụng than của chúng ta đã giảm. Nhưng nhu cầu than toàn cầu đang ở mức cao chưa từng có,” ông Ebell cho biết. “Lượng phát thải của Trung Quốc hiện cao hơn cả Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Canada, và Úc cộng lại.”
Ông Ebell cho biết ông tin rằng biến đổi khí hậu là có thật, nhưng không phải theo cách mà chính phủ TT Biden muốn nói.
“Họ muốn nói rằng chúng ta đang bước vào thế giới đáng sợ mới về thời tiết và cuộc khủng hoảng khí hậu. Nhưng tất cả chỉ là tưởng tượng mà thôi,” ông nói.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times