Liên Hiệp Quốc có thể sẽ kêu gọi người Mỹ giảm ăn thịt — nhưng điều này có khả thi không?
Chuyên gia về nông nghiệp chăn nuôi cho biết người Mỹ sẽ không đáp lại thông điệp yêu cầu họ ăn ít thịt hơn ngay cả khi thông điệp đó đến từ Liên Hiệp Quốc.
Nếu Liên Hiệp Quốc bảo người Mỹ ăn ít thịt hơn, thì họ có làm vậy không? Theo một chuyên gia thì câu trả lời có lẽ là không.
Trong hội nghị thượng đỉnh COP28, các quốc gia phát triển dường như đã được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) yêu cầu rằng họ cần cắt giảm tiêu thụ thịt để giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Hội nghị lần thứ 28 của các Bên Tham gia Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu, hay còn gọi là COP28, được tổ chức tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12. Hội nghị tập trung vào việc tìm cách hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu vượt quá 1.5°C, theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris 2015.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Frank Mitloehner, giám đốc mảng Minh bạch và Lãnh đạo của Trung tâm Nghiên cứu và Nhận thức về Môi trường thuộc Đại học California, tại Davis, cho biết ông vẫn chưa xem báo cáo. Nhưng trên thực tế, nếu FAO khuyến nghị mọi người ăn ít thịt hơn, thì điều đó sẽ không tạo ra sự khác biệt trong cách ăn uống của họ.
“Mọi người sẽ (không) ăn ít hơn … bởi vì có một số người có cách nghĩ xa rời thực tế rằng đây là cách lẽ ra phải như vậy,” ông Mitloehner cho biết. “Điều này sẽ không xảy ra.”
Trong nhiều năm, các hãng truyền thông lớn và tổ chức thiên tả vẫn luôn nói về những lợi ích được cho là đến từ việc ăn ít thịt hơn hoặc chuyển sang phương pháp ăn chay, nhưng họ vẫn tiếp tục ăn thịt và sử dụng các sản phẩm động vật.
“Vì vậy, nếu FAO hoặc ai đó nói, ‘Chà, chúng ta đang ăn quá nhiều thứ này hoặc quá nhiều thứ kia’, thì họ có thể cứ nói như thế,” ông Mitloehner nói. “Rốt cuộc thì mọi người sẽ ăn những gì họ muốn ăn thôi.”
Gia súc và khí metan
Ông Mitloehner cho biết lý do dẫn đến quyết định này là do ngành chăn nuôi, và đặc biệt là chăn nuôi gia súc, tạo ra quá nhiều khí metan.
Khí metan là một loại khí nhà kính mạnh, và sự hiện diện của nó trong khí quyển có thể làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất. Ông Mitloehner cho biết, không giống như CO2 và N2O, khí metan bị phá hủy một cách tự nhiên thông qua quá trình oxy hóa. Vì vậy, nồng độ metan trong khí quyển sẽ tự giảm nếu lượng phát thải khí nhà kính không đổi.
Cuộc tranh luận về khí metan bắt đầu vào năm 2006 khi FAO lần đầu tiên khẳng định ngành chăn nuôi “là tác nhân dẫn đến 18% lượng phát thải khí nhà kính,” tức là “tỷ lệ cao hơn so với ngành vận tải.” Báo cáo tương tự, có tiêu đề “Cái bóng dài của ngành chăn nuôi,” cho biết toàn bộ ngành chăn nuôi toàn cầu “thải ra 37% lượng khí metan do con người tạo ra.”
Ông Mitloehner cho biết ông đã chống lại khẳng định đó trong nhiều năm và cuối cùng đã khiến FAO phải thừa nhận nhận định đó là sai. Con số phát thải khí nhà kính của ngành chăn nuôi đã giảm xuống còn 11%.
Tuy nhiên, đối với FAO và các tổ chức môi trường, lập luận về khí metan vẫn tiếp tục có sức nặng. Ông Mitloehner cho biết ông đã theo dõi vấn đề này trong nhiều năm và nhận thấy những người ủng hộ lập luận về khí metan hoàn toàn là những người đã có thâm niên trong việc chỉ trích ngành nông nghiệp chăn nuôi, là những người tin vào một thế giới thuần chay.
Trong nhiều năm, những người phản đối ngành nông nghiệp chăn nuôi đã lập luận trên cơ sở rằng hoạt động này là tàn ác đối với động vật. Tuy nhiên, lập luận đó chưa bao giờ thực sự có sức thuyết phục đối với mọi người, vì vậy họ chuyển sang tranh luận về biến đổi khí hậu trong nỗ lực truyền bá nghị trình thuần chay.
Không có sự khác biệt đáng kể
Năm 2017, các nhà nghiên cứu đã ước tính tác động của khí hậu sẽ như thế nào nếu mọi người ở Hoa Kỳ áp dụng lối sống thuần chay. Họ phát hiện ra rằng nếu ngành chăn nuôi gia súc và gia cầm của Mỹ không còn tồn tại, thì tổng lượng phát thải khí nhà kính từ Hoa Kỳ sẽ giảm 2.6%.
Báo cáo cho biết, “Việc loại bỏ động vật khỏi nền nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ làm giảm lượng phát thải nông nghiệp (khí nhà kính), nhưng cũng sẽ tạo ra nguồn cung cấp thực phẩm không thể đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng của người dân Hoa Kỳ.”
Báo cáo được viết bởi ông Robin White, một giáo sư tại Khoa Khoa học Động vật & Gia cầm tại Virginia Tech, và bà Mary Beth Hall, một nhà khoa học về động vật tại Trung tâm Nghiên cứu Thức ăn cho Bò sữa Hoa Kỳ thuộc Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ở Madison, Wisconsin. Báo cáo được xuất bản trong biên bản của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.
Ông Mitloehner cho biết mức giảm 2.6% là đáng chú ý nhưng điều này sẽ không giúp đáp ứng các mục tiêu về khí hậu mà Liên Hiệp Quốc đã đề ra.
Trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times, ông Ethan Lane, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ của Hiệp hội Chăn nuôi Bò thịt Quốc gia, cho biết lượng phát thải khí metan của đàn bò thịt ở Hoa Kỳ chiếm chưa đến 0.5% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Giảm tiêu thụ thịt bò sẽ không phải là một “giải pháp thực tế hoặc có tác động.”
“Các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ thịt là sai lầm và sẽ chỉ dẫn đến sự lựa chọn hạn chế của người tiêu dùng và giá thực phẩm cao hơn,” ông Lane cho biết. “Các nhà sản xuất thịt bò của Mỹ và người tiêu dùng trên toàn cầu xứng đáng có được những giải pháp thực sự cho vấn đề khí hậu chứ không phải là những rào cản do con người tạo ra đối với việc tiêu thụ chất đạm vốn sẽ không giải quyết được vấn đề khí hậu của thế giới.”
Trong một tuyên bố gửi cho The Epoch Times, Chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp của Hạ viện, Dân biểu Glenn Thompson (Cộng Hòa-Pennsylvania) cũng đồng tình với quan điểm này.
“Việc đưa ra quy định cấm các nhà sản xuất ngừng hoạt động kinh doanh ở Hoa Kỳ sẽ không giải quyết hiệu quả tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn khiến hoạt động sản xuất bị chuyển sang các nước ngoại quốc có chế độ thù địch và có quá trình phát thải còn tồi tệ hơn, đồng thời gây tổn hại đến an ninh lương thực và khả năng chi trả,” ông Thompson nói. “Nói tóm lại, thế giới cần nông dân và chủ trang trại Mỹ hơn là Liên Hiệp Quốc.”
Vấn đề thiết thực, giải pháp thiết thực
Theo ông Mitloehner, nếu FAO thực sự muốn khắc phục các vấn đề về khí hậu, thì tổ chức này nên bắt đầu các chương trình toàn cầu nhằm giảm lãng phí thực phẩm và nâng cao hiệu suất nông nghiệp ở các quốc gia đang phát triển.
Ông Mitloehner cho biết, FAO ước tính rằng khoảng 40% tổng số thực phẩm được sản xuất trên thế giới bị lãng phí do mất mát, hư hỏng, hoặc bị người tiêu dùng từ chối. Ở các nước phát triển, thực phẩm hư hỏng hoặc chưa được ăn hết sẽ được đưa vào các bãi chôn lấp phát thải khí nhà kính. Ở những nơi khác, thực phẩm không bao giờ đến được tay người dân vì mùa màng thất bát, dịch bệnh, hoặc không thể đưa ra thị trường.
Tiếp đó, FAO nên làm việc với nông dân ở các nước đang phát triển để hiện đại hóa phương pháp thực hành của họ và trồng trọt lương thực hiệu quả hơn.
Ở Hoa Kỳ, có khoảng 9 triệu con bò sữa. Ông Mitloehner cho biết đây là mức giảm đáng kể so với năm 1950, khi có 25 triệu người vào thời điểm đó. Do hiệu suất tăng lên, nên chỉ cần ít gia súc hơn mà đã thực sự tạo ra nhiều sữa hơn so với năm 1950. Ông cho biết, các nước khác, kém phát triển hơn, đang tụt hậu 70 đến 80 năm về mặt di truyền động vật, công nghệ canh tác, và các giải pháp thú y.
Ấn Độ là quốc gia chăn nuôi gia súc lớn nhất thế giới. Ở đó, 300 triệu con gia súc tạo ra một lượng sữa ít ỏi và rất khó khăn để có đủ sữa cung cấp cho toàn đất nước. Thông thường, vì lý do tôn giáo, sau khi một con bò tạo được sữa, nó sẽ được thả rông để tiếp tục kiếm ăn và tạo ra sữa.
Các nước khác cũng tương tự. Ông Mitloehner kể về chuyến đi gần đây đến Colombia, nơi ông quan sát thấy đàn bò sữa chỉ cho ra 5 lít sữa mỗi ngày. Bò sữa ở California cho 45 lít sữa mỗi ngày.
Ông Mitloehner cho biết tại Trung Quốc, nơi có số lượng heo lớn nhất thế giới và chiếm một nửa số heo của thế giới, nông dân mất khoảng 40% số heo con. Một quốc gia tân tiến vẫn phải chật vật đối phó với tỷ lệ heo chết nhiều hơn Hoa Kỳ.
Ông Mitloehner cho biết, nếu FAO tập trung vào việc hiện đại hóa ngành chăn nuôi ở các quốc gia đang phát triển, thì điều đó có thể giảm “đáng kể” lượng phát thải từ ngành chăn nuôi.
“Chúng ta cần giúp đỡ nông dân ở các nước đang phát triển để sản xuất hiệu quả hơn nhiều vì đó là nơi phát ra khí thải,” ông Mitloehner nói.
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times