Giám đốc hạt nhân của Liên Hiệp Quốc: Năng lượng hạt nhân là giải pháp quan trọng cho tình trạng mất an ninh năng lượng
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết: ‘Phát thải ròng bằng 0 cần có năng lượng hạt nhân.’
Hôm thứ Sáu (01/12), tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, còn gọi là COP28, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi cho biết, năng lượng hạt nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được mức phát thải carbon bằng 0 và an ninh năng lượng.
Nói chuyện tại COP28 ở Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), hôm 01/12, ông Grossi nói rằng chỉ có thể đạt được lượng khí thải carbon ròng bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050 và điều này sẽ đòi hỏi “đầu tư nhanh chóng, bền vững và đáng kể” vào năng lượng hạt nhân.
Người đứng đầu IAEA cho biết: “Năng lượng hạt nhân bền bỉ và mạnh mẽ có tiềm năng đóng một vai trò rộng lớn hơn trong nỗ lực hướng tới lượng khí thải carbon bằng 0 đồng thời bảo đảm mức độ an toàn và an ninh hạt nhân cao nhất.”
Ông nói thêm: “Năng lượng hạt nhân có thể giúp khử carbon trong hệ thống sưởi, khử muối, các quy trình công nghiệp, và sản xuất hydro.”
Ông Grossi cũng kêu gọi sự cần thiết của việc duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân để xây dựng cây cầu phát thải carbon thấp. Năng lượng hạt nhân không tạo ra khí thải nhà kính.
Ông nói thêm: “Việc liên tục quản lý và tân trang nhà máy bảo đảm sự an toàn và độ tin cậy liên tục của các nhà máy hiện có của chúng ta, cho phép cung cấp năng lượng đã khử carbon cho lưới điện và các lĩnh vực khác.”
Ông nói, “Phát thải ròng bằng 0 cần năng lượng hạt nhân.”
IAEA cho biết có 412 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động tại 31 quốc gia, tạo nên công suất lắp đặt hơn 370 gigawatt. Con số này chiếm gần 10% tổng lượng điện của thế giới và một phần tư nguồn cung cấp lượng carbon thấp.
Tuy nhiên, ông Grossi cho rằng việc đạt được “môi trường đầu tư công bằng và thuận lợi cho các dự án hạt nhân mới vẫn là một cuộc chiến khó khăn.”
Ông nhận xét: “Chúng ta chưa ở một sân chơi bình đẳng khi nói đến việc tài trợ cho các dự án hạt nhân.”
Theo cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, điều này đánh dấu lần đầu tiên một tuyên bố như vậy của IAEA được ban hành, với sự ủng hộ quốc tế cho thấy mối quan tâm toàn cầu ngày càng tăng đối với năng lượng hạt nhân nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiệp định khí hậu Paris
Tại Triển lãm Hạt nhân Thế giới ở Paris ngày 28/11, ông Grossi cho rằng cần phải tăng số lượng lò phản ứng hạt nhân trên thế giới để đạt được các mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris.
Ông nói: “Chúng ta đã có 10 quốc gia bước vào giai đoạn quyết định [xây dựng nhà máy điện hạt nhân] và 17 quốc gia khác đang trong quá trình đánh giá.”
Ông Grossi nói thêm: “Sẽ có hàng chục hoặc 13 quốc gia hạt nhân [mới] trong vòng vài năm tới.”
Người đứng đầu IAEA đã nêu tên Ghana, Kenya, Maroc, Nigeria, Namibia, Philippines, Kazakhstan, và Uzbekistan là các quốc gia hạt nhân mới tiềm năng.
Gần 200 quốc gia đã đồng ý theo Thỏa thuận Paris năm 2015 để cố gắng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và hướng tới mức 1.5°C, giới hạn mà một số nhà khoa học khí hậu cho rằng sẽ tránh được những tác động nghiêm trọng và không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu.