Quẩn quanh ở cổng Thiên Đường và Địa Ngục
Ở Âu Mỹ có một câu chuyện cười rất phổ biến, câu chuyện như thế này:
Có một vị mục sư và một người tài xế lái xe tiếp nhận thẩm phán ở cổng Thiên Đường, để xem liệu họ có được bước vào Thiên Đường hay không. Thật bất ngờ, kết quả của thẩm phán lại là người tài xế được vào Thiên Đường, còn vị mục sư thì không. Vị mục sư đưa ra kháng nghị rất dữ dội. Chánh án nói với mục sư rằng: “Khi tài xế lái xe, tất cả mọi người ngồi trên xe đều sợ đến mức vội vàng cầu nguyện, nhưng khi ông giảng đạo thì tất cả mọi người đều đang ngủ.”
Câu chuyện cười này chỉ ra rằng, mọi người thường không biết được hoàn cảnh và tình huống ở bên ngoài bản thân mình, và thậm chí còn không biết con người bên trong của mình là như thế nào.
Vậy nên, tôi thường nghĩ câu chuyện cười được lưu truyền nhiều năm này là để khuyên nhủ nhắc nhở mọi người.
Vì tôi có thể viết một số bài báo, hơn nữa còn giảng bài ở trên bục giảng, có thể nói những lời có sức hấp dẫn, cho nên khi nhìn thấy phản ứng của độc giả hoặc người nghe, thường sẽ cảm thấy đắc ý và cao hứng một chút. Cũng bởi vậy mà trong lời nói nhiều khi không có chừng mực, ở trường hợp không nên nói thì lại nói, hoặc là đắc tội với người khác, hoặc là đánh mất uy tín của mình.
Cũng may là từ khi học cấp 3, tôi đã có thói quen kiểm điểm lại những việc làm của mình lúc xảy ra sự việc, để xem xét và sửa đổi lại bản thân. Thế nên khi tuổi tác ngày càng nhiều, tôi càng biết cách nên xử trí như thế nào trong vấn đề giao tiếp.
Thậm chí, tôi đã phát triển một bộ công thức để xử trí các cuộc họp, nhân sự, tổ chức chương trình và kiểm soát hiện trường. Đó là, điều gì nên nói và điều gì không nên nói, hành động nào có thể làm, hành động nào không thể làm… Có một số quy trình phải tuân theo, nhờ vậy có thể thực hiện công việc mà không cần căng thẳng.
Vì vậy, ngay cả khi lái xe quá xa, phần lớn tôi vẫn còn biết nhanh chóng quay đầu.
Tuy nhiên, ngay cả khi có vô số kinh nghiệm, tôi vẫn bị vẫn rơi xuống những cái rãnh sâu mà bản thân không hề hay biết.
Mà điều nghiêm trọng nhất trong đó chính là, không biết bản thân đã già rồi, thường cứ nghĩ rằng mình còn “rất trẻ”. Cho nên khi cô gái trẻ bán hàng ở chợ đêm gọi tôi một tiếng “bác” (đó là lần đầu tiên tôi bị gọi là bác), vậy mà khiến tôi sững sờ mất mấy giây…
Điều ít nghiêm trọng hơn là ở tuổi này, tôi vẫn thích viết thơ tình, hát tình ca, nhưng lại khiến người nghe cảm thấy quá khích hoặc tâm tình nhảy nhót như hươu con, làm nhiễu loạn “cảm xúc” của người khác.
Tiếp nữa, tôi thích nghĩ mình là “chuyên gia” và dạy người khác những gì tôi biết. Khi còn trẻ, tôi thấy rất nhiều ông già như thế này, và lúc đó có phần khinh thường, không ngờ bây giờ tôi cũng như vậy…
Còn một chuyện nữa mà tôi nghĩ là khá nghiêm trọng: Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ được lên Thiên Đường. Tôi cảm thấy Thiên Đường mà có tôi thì sẽ có nhiều tiếng cười hơn. Nhưng sau khi đọc xong câu chuyện cười “Mục sư và tài xế”, tôi lại có chút lo lắng bất an, rất sợ đến lúc Chánh án của Thiên Đường nói với tôi rằng: “Ở Thiên Đường đã có rất nhiều tiếng cười rồi, còn ở Địa Ngục oán hận sầu khổ lại vô cùng nhiều, không thấy một khuôn mặt cười nào, không nghe được tiếng cười nào. Ông nên đi xuống Địa Ngục thì hữu dụng hơn.”
Nếu thật sự là như vậy, vậy thì, tạm biệt mọi người, hẹn gặp lại ở Địa Ngục nhé.
Tuy nhiên, nếu rơi vào tình trạng đó thì quả thực là không thể cười nổi.
Thiên Đường – Địa Ngục vốn nghiêm minh
Tự biết – không biết, khó phân rõ
Quanh quẩn ở cổng vào hoặc ra
Đánh giá ngôn hành định nhân tâm.