Quần đảo Solomon cùng 13 quốc đảo Thái Bình Dương gia nhập thỏa thuận đối tác với Hoa Kỳ
Quần đảo Solomon cùng với 13 quốc gia Thái Bình Dương khác ký kết một tuyên bố gồm 11 điểm về Quan hệ Đối tác với Hoa Kỳ, mặc dù ban đầu từ chối và yêu cầu có thêm thời gian để xem xét lại.
Theo một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, tổng cộng 15 quốc gia và khu vực, trong đó có Hoa Kỳ, đã ký thỏa thuận đối tác vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ ở Hoa Thịnh Đốn.
It was great to welcome the leaders of the Pacific Islands to Washington for the first U.S.-Pacific Island Country Summit.
We honored the history and values that our nations share and expanded our cooperation on key areas that will benefit our people for years to come. pic.twitter.com/Cg07HyJyI9
— President Biden (@POTUS) September 30, 2022
Thỏa thuận này bao gồm sự hợp tác của các bên trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế và phát triển bền vững, ứng phó với thiên tai và COVID-19, cũng như duy trì an ninh của khu vực Thái Bình Dương.
Tuyên bố nêu rõ, “Các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương hoan nghênh cam kết của Hoa Kỳ trong việc tăng cường sự can dự của họ, thể hiện qua việc mở rộng sự hiện diện ngoại giao, tăng cường sự trao đổi giữa công dân các nước, cũng như sự hợp tác phát triển của Hoa Kỳ trên toàn khu vực.”
Hãng thông tấn ABC News của Úc đã đưa tin trước đó rằng dự thảo của thỏa thuận này dường như có “mục đích giống” với một thỏa thuận thương mại và an ninh mà Trung Quốc đã đề xướng với các quốc gia Thái Bình Dương, hiện đang được tạm gác lại từ hồi tháng Năm do thiếu sự đồng thuận.
Trước khi Hoa Kỳ ký thỏa thuận đối tác Hoa Kỳ-Thái Bình Dương, Quần đảo Solomon đã thông báo cho các quốc đảo Thái Bình Dương khác rằng họ sẽ không ký thỏa thuận này tại hội nghị thượng đỉnh vì quốc hội của họ cần thêm thời gian để xem xét.
Tháng Tư vừa qua, Quần đảo Solomon đã ký một thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh, mà các quốc gia khác lo ngại sẽ cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự cách bờ biển Úc 1,700 km và gây mất ổn định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hồi cuối tháng Tám, một tuần duyên hạm của Hoa Kỳ đã bị từ chối cho phép ghé cảng theo lịch trình ấn định ở Quần đảo Solomon, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khu vực.
Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương của Tổng thống Biden
Các nhà lãnh đạo Úc và Mỹ đã thực hiện các biện pháp để chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực, bao gồm việc khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) để thúc đẩy trao đổi thương mại và kinh tế giữa các quốc gia.
Hôm 29/09, chính phủ Tổng thống Biden đã công bố một khung khổ chiến lược về mối bang giao với các quốc đảo Thái Bình Dương, văn kiện đầu tiên thuộc loại này, nhằm tăng cường kết giao và thịnh vượng trong khu vực, cũng như củng cố các lợi ích an ninh quốc gia.
Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương (pdf) ghi nhận hoạt động ngày càng tăng của nhà cầm quyền Trung Quốc trong khu vực.
Tài liệu nêu rõ, “Sự cưỡng chế và chèn ép kinh tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, … có nguy cơ làm suy yếu hòa bình, thịnh vượng, và an ninh của khu vực, nói rộng ra, là của Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, khung khổ chiến lược mới nhấn mạnh rằng văn kiện này không tập trung vào bất kỳ địch thủ nào mà tìm cách phát triển khu vực theo hướng tích cực bằng cách tăng cường liên minh cũng như tăng cường thương mại và hợp tác.
Việc công bố kế hoạch này diễn ra vào ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Thái Bình Dương đầu tiên ở Hoa Thịnh Đốn, trong đó Tòa Bạch Ốc khẳng định họ sẽ dành hơn 810 triệu USD cho các chương trình mở rộng để hỗ trợ các quốc đảo.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times