Hiệp ước mới về Thái Bình Dương được đề nghị để đánh lui chiến tranh không giới hạn của Bắc Kinh
Các quốc gia dân chủ đang đề nghị một hiệp ước mới trên toàn Thái Bình Dương nhằm tăng cường các nỗ lực hợp tác và phát triển trong khu vực để chống lại việc xây dựng ảnh hưởng và các hoạt động chiến tranh hỗn hợp của Bắc Kinh.
“Các Đối tác ở Thái Bình Dương Xanh” sẽ bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Nhật Bản, New Zealand và Vương quốc Anh để cung cấp “sự hợp tác chặt chẽ hơn, có tầm quan trọng hơn, và tham vọng hơn.”
“Quá thường xuyên, các nỗ lực của chúng ta không được phối hợp chặt chẽ, gây nên sự trùng lặp trong một số trường hợp và gây nên khoảng trống đối với các trường hợp khác,” theo một ghi chú về khái niệm của hiệp ước. Mối quan hệ đối tác này được điều phối viên đặc trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ Kurt Campbell nhấn mạnh tại cuộc họp của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế hôm 23/06.
Chương trình nói trên sẽ xem xét việc củng cố Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, tạo thuận tiện cho việc tham gia và đối thoại thường xuyên giữa các đối tác, đồng thời sắp xếp các dự án hiện có và điều phối các dự án trong tương lai để tránh “mất cơ hội.”
Sự phát triển của Hiệp ước Đối tác ở Thái Bình Dương Xanh sẽ diễn ra trong sự thảo luận chặt chẽ của các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương và sẽ nhắm vào các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải (đội tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc), y tế, giáo dục, và cung cấp khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng tốt hơn.
Làm việc cùng nhau để ứng phó với ‘vùng xám’
Chuyên gia về Nam Thái Bình Dương Cleo Paskal đã kêu gọi sự phối hợp tốt hơn và để các quốc gia dân chủ tận dụng thế mạnh của nhau nhằm ứng phó với chiến tranh không giới hạn hoặc chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh trong khu vực này.
Bà viết trên tờ The Australian cùng với ông Anthony Bergin của Viện Chính sách Chiến lược Úc, “Mỗi nước thành viên của Bộ Tứ [Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ] đều có hồ sơ theo dõi và khả năng đóng góp độc đáo của riêng họ.”
“Pháp [cũng] là một quốc gia quan trọng ở Thái Bình Dương với gần 3,000 nhân viên quốc phòng trong khu vực. Chỉ với lý do đó, chúng ta cần phải đưa mối quan hệ của mình đi đúng hướng.”
Nam Thái Bình Dương đã trở thành một vùng nóng về cạnh tranh địa chính trị khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh để giành ảnh hưởng đối với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương trong khu vực.
Chuyến công du gần đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới tám quốc gia trong khu vực là một ví dụ cho xu hướng này, với việc Ngoại trưởng Vương ký một loạt các thỏa thuận song phương mới nhằm thắt chặt sự hợp tác.
Bà Paskal cảnh báo rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh cũng chứng kiến sự suy yếu của các thể chế dân chủ và sự gia tăng từng bước của chủ nghĩa độc tài.
Trước kia bà Paskal đã nói với The Epoch Times, “Những vũ khí đó được sử dụng để làm suy yếu quốc gia mục tiêu từ bên trong đồng thời để chia cắt và tạo ra tình trạng hỗn loạn ở quốc gia mục tiêu khiến quốc gia đó ít có khả năng chống chọi với ảnh hưởng của Trung Quốc hơn.”
“Quá trình tạo ra bất ổn và phân mảnh đó có thể được mô tả là tạo ra trạng thái ‘hỗn loạn’ — của sự hỗn loạn chính trị, xã hội và kinh tế — nơi mọi thứ bắt đầu thật sự đổ vỡ. Và trong tình trạng hỗn loạn đó, Trung Quốc có thể tạo ra một trật tự mới với chính nước này và những người đại diện của nước này ở trung tâm.”
Các thể chế dân chủ đang sụp đổ
Một ví dụ quan trọng là việc ký kết thỏa thuận an ninh giữa Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare và Bắc Kinh, có thể mở đường cho Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đóng quân, vũ khí, và các chiến hạm trong khu vực.
Quyền thủ tướng của ông Sogavare đã không phải là không gặp tranh cãi. Một báo cáo tiết lộ rằng 39 trong số 50 thành viên Nghị viện Solomon ủng hộ Bắc Kinh đã nhận được các khoản thanh toán từ Quỹ Phát triển Quốc gia hoạt động liên kết với Đại sứ quán Trung Quốc.
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Matthew Wale cáo buộc thủ tướng không cung cấp các dịch vụ căn bản, tập trung quyền lực quá mức, và khai thác ngành công nghiệp gỗ của đất nước vì lợi ích của một số công ty khai thác gỗ và để ông ấy làm giàu bất chính.
Cuối năm ngoái, sự tức giận của người dân địa phương bùng lên, và các cuộc biểu tình đã được tổ chức ở thủ đô Honiara để phản đối Thủ tướng Sogavare, dẫn đến ba người tử vong và khu Phố Tàu bị san bằng.
Bà Paskal nói: “Quý vị bắt đầu nhận ra sự méo mó này trong xã hội tạo ra một lượng lớn sự phẫn nộ xã hội. Nếu quý vị xuất thân từ một nền dân chủ, quý vị sẽ nghĩ đó là một điều tồi tệ.” “Nhưng nếu quý vị chấp nhận tiền đề của chiến tranh hỗn loạn là kết quả mà Bắc Kinh mong muốn, thì quý vị thực sự muốn tạo ra tình trạng chia rẽ trong xã hội.”
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].