Hoa Kỳ cần tăng cường xây dựng quân đội để tránh ‘thất bại thảm khốc’ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles đã cảnh báo rằng liên minh Mỹ-Úc sẽ cần tăng cường nỗ lực để chống lại Bắc Kinh trong một “môi trường chiến lược ngày càng thách thức”.
Phó thủ tướng Úc đã đưa ra những bình luận trên trong một bài diễn văn trước Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn trong chuyến công du bốn ngày tới Hoa Kỳ.
Ông đề cập đến giá trị của các liên minh — và ngầm ám chỉ đến những bình luận gần đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc — để phản đối những tuyên bố rằng các liên kết đối tác là “những di tích của Chiến Tranh Lạnh không phù hợp với cách trị quốc đương đại.”
Ông nói: “Trong một thế giới nhiều tranh chấp hơn, những quốc gia nào có thể tập hợp các nguồn lực và kết hợp sức mạnh của họ sẽ không chỉ có lợi thế cạnh tranh, mà còn ít bị tổn thương hơn trước cách trị quốc cưỡng chế.”
“Dù chúng ta có những nền tảng vững chắc, nhưng chúng ta không thể chỉ đứng yên. Bởi vì trong những năm tới, liên minh Mỹ-Úc sẽ không chỉ phải hoạt động trong một môi trường chiến lược khó khăn hơn nhiều ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; liên minh này sẽ cần phải đóng góp vào sự cân bằng sức mạnh quân sự hiệu quả hơn nhằm tránh được một thất bại thảm khốc về khả năng răn đe.”
“Các sự kiện ở Âu Châu nhấn mạnh rủi ro mà chúng ta phải đối mặt khi việc xây dựng quân đội một cách cương quyết của một quốc gia khiến lãnh đạo của họ tin rằng lợi ích tiềm tàng của xung đột là xứng đáng để chịu rủi ro.”
Chính phủ của Đảng Lao Động Úc tăng cường xây dựng quốc phòng
Ông Marles cho biết chính phủ của Đảng Lao Động Úc sẽ tiếp tục đầu tư và thúc đẩy các dự án quốc phòng do chính phủ tiền nhiệm khởi động, bao gồm vũ khí tầm xa, năng lực mạng, đối phó với các mối đe dọa trong vùng xám, và tiến hành dự án tàu ngầm hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS.
Ông cũng lưu ý sự đầu tư của Úc vào “cơ sở hạ tầng quan trọng đối với quốc phòng” để hỗ trợ số lượng ngày càng tăng của quân đội Úc và Mỹ trong khu vực, nói rằng sẽ có sự chuyển đổi từ “khả năng hợp tác hoạt động sang khả năng trao đổi và thay thế lẫn nhau.”
Bộ trưởng Quốc phòng cũng cho biết ông sẽ đề xướng các biện pháp giúp hợp lý hóa sự tham gia và trao đổi thông tin của Úc với Cơ sở Công nghiệp và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ.
“Tất cả chúng ta đều nhận ra rằng việc hợp nhất không thể đi kèm với bảo mật mạnh mẽ nhằm bảo vệ thông tin và công nghệ nhạy cảm.”
Ông Marles cũng cho biết chính phủ của ông Albanese sẽ tăng cường tập trung vào ASEAN và các quốc gia thuộc Quần đảo Thái Bình Dương — hứa hẹn sẽ có những biện pháp lớn hơn về vấn đề biến đổi khí hậu.
“Thái Bình Dương đã nói rõ ràng rằng họ lo ngại về mối đe dọa của mực nước biển dâng cao, mất an ninh kinh tế, và tội phạm xuyên quốc gia hơn là cạnh tranh địa chính trị. Úc tôn trọng và hiểu rõ quan điểm này,” ông nói.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo dân chủ đã bị giáng một đòn mạnh vào đầu tuần này khi Kiribati rút khỏi Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.
Diễn đàn này là một cơ chế nhằm cung cấp cho 20 quốc gia Thái Bình Dương một tiếng nói để thảo luận và thực hiện những sáng kiến và cải tổ lớn trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo thường làm việc trên cơ sở đồng thuận và hiếm khi tự mình tham gia vào các chính sách mới — đây sẽ là một bức tường thành quan trọng chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, quyết định của Kiribati chứng tỏ rằng một số nhà lãnh đạo Thái Bình Dương cảm thấy có lợi ích lớn hơn khi hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc thay vì hợp tác với các đối tác truyền thống ở Thái Bình Dương.
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và bang giao Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].