Quan chức quan trọng thứ ba của Bắc Kinh đến thăm Nam Hàn giữa lúc Trung Quốc và Hoa Kỳ cạnh tranh về chất bán dẫn
Ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), nhân vật quan trọng thứ ba trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và là thành viên Thường vụ Bộ Chính trị, sẽ đến thăm Nam Hàn vào giữa tháng Chín này.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang cạnh tranh để giành chiến thắng đối với Nam Hàn bởi vì đây là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Ông Lật là nhân vật quan trọng thứ ba trong ĐCSTQ sau lãnh đạo cao nhất Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường (Lý Khắc Cường). Ông cũng là một đồng minh thân cận của ông Tập.
Hôm 01/09, hãng thông tấn Yonhap News Agency của Nam Hàn đưa tin, ông Lật sẽ thăm Nam Hàn trong ba ngày, bắt đầu từ ngày 15/09. Ông sẽ gặp ông Kim Jin-pyo, Chủ tịch Quốc hội Nam Hàn, và có thể đến thăm xã giao Tổng thống Yoon Suk-yeol. Giới truyền thông chưa rõ liệu họ có thảo luận về hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước trong chuyến thăm của ông Lật hay không.
Một quan chức từ Bộ Ngoại giao Nam Hàn nói với hãng thông tấn Yonhap rằng các chuyến thăm cấp nhà nước của hai nhà lãnh đạo cao nhất thường do Bộ Ngoại giao phối hợp, nhưng hai bên sẽ nhân cơ hội chuyến thăm của ông Lật để tạo một sự đồng thuận về sự cần thiết của các cuộc trao đổi cao cấp.
Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đang là cốt lõi của sự cạnh tranh
Hôm 02/09, ông Quý Đạt (Ji Da), một chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng Nam Hàn đã trở thành một nơi quan trọng để Trung Quốc và Hoa Kỳ giành chiến thắng, bởi vì ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Nam Hàn khá tân tiến. Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đến thăm Nam Hàn, tiếp đến là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California). Và giờ đây ông Tập Cận Bình cũng đang có kế hoạch công du đến Nam Hàn, dường như là để cạnh tranh với Hoa Kỳ, ông Quý nhận định.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Lee Ji-yong, một giáo sư thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Chi-Ming, Nam Hàn, cũng nói rằng chuyến thăm của ông Lật tới Nam Hàn là nhằm tăng cường mối bang giao song phương nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập bang giao giữa hai quốc gia, và sẽ tập trung vào các vấn đề được quan tâm, trong đó có chất bán dẫn. Ông suy đoán rằng nếu ông Tập Cận Bình được tái đắc cử, thì ông có thể đến thăm Nam Hàn và đưa ra một loạt yêu cầu về vấn đề chất bán dẫn, nhưng gần như Nam Hàn không thể đáp ứng được yêu cầu của Bắc Kinh.
Ông Lee cho rằng, trong một sự lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ngành công nghiệp chất bán dẫn của Nam Hàn chắc chắn sẽ chọn theo Hoa Kỳ. Trên thực tế, đó không phải là vấn đề của sự lựa chọn, mà đó là vấn đề sống còn. Ông nói: “Ngành công nghiệp chất bán dẫn của Nam Hàn không thể tồn tại nếu họ quyết định tách khỏi Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.”
Ông cũng chỉ ra rằng do Tổng thống Yoon Suk-yeol không gặp trực tiếp bà Pelosi trong chuyến công du của bà, nên Hoa Thịnh Đốn có thể không hài lòng khi ông Yoon sẽ đích thân tiếp ông Lật trong tháng Chín này, vì cấp bậc chính thức của ông Lật ngang bằng với của bà Pelosi.
Tuy nhiên, ông Lee nhấn mạnh ông tin rằng lập trường hiện tại của chính phủ Nam Hàn về việc coi trọng liên minh Mỹ-Hàn sẽ không thay đổi.
“Bất kể ĐCSTQ gây áp lực như thế nào, chính phủ Nam Hàn sẽ tuân thủ các chính sách an ninh và kinh tế của mình, để bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi. Điều đó sẽ không thay đổi ngay cả khi ông Yoon gặp ông Lật [vào tháng Chín] và ông Tập một thời gian sau đó,” ông nói.
Chuyến tham quan nhà máy Samsung của Tổng thống Biden
Trong chuyến công du Á Châu đầu tiên của ông Biden trên cương vị tổng thống hồi tháng Năm, ông đã đến thăm một nhà máy của Samsung Electronics ngay sau khi đến Nam Hàn.
Trong bài diễn văn kéo dài 10 phút sau chuyến tham quan, ông Biden đã ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia vốn “có chung giá trị” về kỹ nghệ và các vấn đề khác.
“Hai quốc gia của chúng ta làm việc cùng nhau để tạo ra kỹ nghệ tốt nhất, tân tiến nhất trên thế giới, và nhà máy này là minh chứng cho điều đó,” ông nói. “Điều đó mang lại cho cả Nam Hàn và Hoa Kỳ lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu nếu chúng ta có thể giữ cho các chuỗi cung ứng của chúng ta linh hoạt, đáng tin cậy, và an toàn.”
Ông Yoon nhấn mạnh rằng thương mại và kỹ nghệ Hoa Kỳ-Nam Hàn có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, và đặc biệt là “chất bán dẫn đương nhiên là tài sản bảo đảm cho tương lai của chúng ta.”
Ông Yoon nói: “Tôi mong đợi chuyến thăm của ngày hôm nay chuyển mối bang giao đối tác Hoa Kỳ-Nam Hàn, phát triển thành một liên minh kinh tế và an ninh dựa trên mối bang giao đối tác của chúng ta về các kỹ nghệ tân tiến và chuỗi cung ứng toàn cầu.”
Nhà lập pháp Nam Hàn kêu gọi Nam Hàn chọn bên
Hôm 04/08, ông Ahn Cheol-soo, một nhà lập pháp Nam Hàn và là ứng cử viên tổng thống trong hai cuộc bầu cử trước, cho biết trên trang Facebook của mình rằng chuyến công du Á Châu của bà Pelosi cho thấy đã đến lúc Nam Hàn phải quyết định có tham gia liên minh Chip 4 do Hoa Kỳ dẫn đầu hay không, và rằng “gia nhập liên minh Chip 4 là một đề nghị mà Nam Hàn không thể từ chối.”
Liên minh Chip 4 nhằm mục đích tăng cường hợp tác về chất bán dẫn giữa Hoa Kỳ, Nam Hàn, Đài Loan, và Nhật Bản trong khi loại trừ ĐCSTQ, và xây dựng một chuỗi cung ứng an toàn cho ngành chất bán dẫn.
Ông Ahn nói rằng mối quan tâm lớn nhất của Nam Hàn khi tham gia liên minh là quốc gia này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của ĐCSTQ.
Năm 2021, thị trường Trung Quốc chiếm 60% xuất khẩu vi mạch bán dẫn của Nam Hàn. Ông Ahn nói: “Đó là lý do tại sao chúng tôi khó đưa ra quyết định hơn Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan.”
Ông cho biết Hoa Kỳ có nhiều bằng sáng chế nhất trong lĩnh vực chất bán dẫn, đặc biệt là trong ngành thiết kế, và Nhật Bản có kỹ nghệ tốt nhất về vật liệu, linh kiện, và thiết bị bán dẫn.
Ông nói: “Mặc dù chúng tôi là số một thế giới trong lĩnh vực lưu trữ chất bán dẫn, nhưng chúng tôi phải thừa nhận rằng điều này đạt được nhờ sự cộng sinh với các hệ sinh thái của Hoa Kỳ và Nhật Bản,” đồng thời nhấn mạnh rằng Nam Hàn sẽ chịu tổn thất rất lớn nếu họ từ chối tham gia liên minh bộ tứ này.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times