Quan chức Ngũ Giác Đài: Trung Quốc từ chối đàm phán về việc mở rộng hạt nhân
Theo các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ, giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc tỏ ra không quan tâm đến việc giảm thiểu rủi ro do vũ khí hạt nhân gây ra.
Theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alexandra Bell, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược và không phổ biến vũ khí hạt nhân, bất chấp một tuyên bố mà chính quyền Trung Quốc đưa ra hồi năm ngoái (2021) rằng họ sẽ hợp tác với Hoa Kỳ về vấn đề này.
Bà Bell nói trong một cuộc trò chuyện bên lề hôm 01/11 với Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn chính sách có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, “Bước đầu tiên, chúng tôi thực sự muốn trao đổi với họ về học thuyết của hai nước, về việc trao đổi thông tin trong khủng hoảng, quản lý khủng hoảng.”
“Chúng tôi vẫn chưa được ở trong không gian đó cùng với Bắc Kinh. Vì vậy, chúng tôi nghĩ là, cần phải làm việc để bắt đầu cuộc trò chuyện này, cần nỗ lực từ cả hai phía.”
Bình luận của bà Bell được đưa ra chỉ vài tuần sau khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình cam đoan rằng chính quyền của ông sẽ tăng cường năng lực hạt nhân của mình, bất chấp những cam kết được đưa ra hồi tháng 11/2021 rằng họ sẽ tham gia các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược với chính phủ ông Biden.
Thay vì làm tròn lời hứa thì Bắc Kinh đã từ chối các yêu cầu đàm phán liên quan đến vũ khí với Hoa Thịnh Đốn, và giới lãnh đạo Ngũ Giác Đài cho là [trên thực tế] Trung Quốc đang mở rộng lực lượng hạt nhân, tiến xa tới mức tăng gấp bốn lần kho vũ khí của mình lên đến 1,000 đầu đạn vào năm 2030.
Đối thoại khó cản việc mở rộng hạt nhân của ĐCSTQ
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Walter Slocombe nói rằng, mặc dù hành động này là đáng tán dương, nhưng việc chính phủ ông Biden theo đuổi một cuộc đối thoại với mục đích chỉ để đối thoại thì khó có thể thu được kết quả tốt đẹp với ĐCSTQ.
“Tôi e là tôi hoài nghi về việc ‘đối thoại’ là câu trả lời cho toàn bộ những vấn đề này,” ông Slocombe nói trong một hội thảo sau những bình luận của bà Bell. “Chúng ta đang nói chuyện với Trung Quốc. Tài liệu [Đánh giá Tư thế Hạt nhân] này đang nói chuyện với Trung Quốc. Nhưng phía Trung Quốc lại nói chuyện với chúng ta theo kiểu riêng của họ.”
“Đối thoại cũng là một chuyện tốt nhưng hành động này thực sự không giúp làm chuyển biến tình hình một cách rõ rệt.”
Ông Slocombe nói rằng các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chống lại sự phát triển hạt nhân của Trung Quốc nên tập trung ít hơn vào việc ngăn chặn nhà cầm quyền này sử dụng hỏa tiễn hạt nhân và nhiều hơn vào việc ngăn chặn họ sử dụng mối đe dọa hỏa tiễn hạt nhân để chèn ép các quốc gia khác.
Ông cảnh báo rằng việc Trung Quốc và Nga ngày càng phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân như một phần quan trọng trong chiến lược quốc phòng và chiến lược ngoại giao của họ cho thấy hai cường quốc này có khả năng phụ thuộc vào mối đe dọa vũ lực hạt nhân để bắt nạt các quốc gia khác phải hành xử theo ý mình.
Ông Slocombe nói: “Trên thực tế thường thì các quốc gia, kể cả con người cũng vậy, đều nói những gì mà họ muốn đối phương tin về những gì mà họ đang nghĩ.”
“Tôi không nói rằng người Trung Quốc đang nói dối nhiều hơn chúng ta đang nói dối, nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề chính yếu là việc sử dụng biện pháp cưỡng bách.”
Đánh giá hạt nhân mới của Mỹ không đủ để răn đe Trung Quốc
Bản đánh giá tư thế hạt nhân mới được chính phủ ông Biden phát hành, được công bố như một phần của Chiến lược Quốc phòng (pdf) của chính phủ, cáo buộc rằng ĐCSTQ đang mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình với mục đích đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh.
Hơn nữa, tài liệu nói rằng họ đang làm như vậy trong khi hợp tác ở một mức độ nào đó với Nga, có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ phải đồng thời ngăn chặn hai đối thủ hạt nhân gần như ngang hàng.
“Đó là câu hỏi trọng tâm của bốn hoặc năm năm tới: ‘Làm thế nào chúng ta có thể giải quyết vấn đề hai quốc gia ngang hàng về hạt nhân,’” Cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Robert Soofer, người cũng nói chuyện trong hội thảo này, cho biết.
“Một mặt, họ đã nhận dạng được vấn đề này nhưng dường như có những hành động trong quá trình xem xét vốn loại bỏ các phương án để giải quyết vấn đề này.”
Ông Soofer nói rằng, bất chấp mọi cuộc luận đàm nói về tính cạnh tranh và đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán, chính phủ ông Biden đã chấm dứt việc theo đuổi một số loại vũ khí có thể quan trọng trong việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Chứng minh cho hành động này là hỏa tiễn hành trình có khả năng hạt nhân phóng từ biển, bất chấp khuyến nghị của quân đội là phát triển hệ thống này.
Cân nhắc đến điều đó, ông nói, chính phủ sẽ cần phải phát triển một phương pháp hoàn toàn mới để hiểu được và đối phó với các khả năng và chiến lược hạt nhân của ĐCSTQ.
Ông Soofer nói: “Cụm từ chính [ở đây] là ‘cường quốc hạt nhân.’”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times