Quan chức hàng đầu Quân ủy tháp tùng ông Tập trong chuyến thăm Tân Cương
Mới đây, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát tới Tân Cương sau tám năm kể từ chuyến thăm cuối cùng của ông tới khu tự trị nằm ở vùng viễn tây của Trung Quốc này. Ngoài các quan chức dân sự, đoàn tháp tùng có cả Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Sự hiện diện bất thường này có thể là một dấu hiệu cho thấy ông Tập muốn cảnh báo và đe dọa các địch thủ chính trị của mình.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã dành 34 phút để phát một đoạn video tuyên truyền về chuyến thị sát Tân Cương bắt đầu hôm 12/07 và kết thúc hôm 15/07 của ông Tập trong chương trình phát sóng bản tin thời sự vào khung giờ vàng.
Hồi cuối năm 2021, ông Tập đã đề đạt một trong những tay chân của ông giữ chức Bí thư Thành ủy Tân Cương, đó là ông Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui), sau khi thế lực của ông Giang Trạch Dân (đối đầu với ông Tập) nắm kiểm soát khu tự trị này trong gần ba thập niên.
Người tiền nhiệm của ông Mã là ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) hiện là phó trưởng Nhóm Lãnh đạo Công tác Nông thôn Trung ương. Vụ cách chức quyết liệt này cho thấy rằng ông Trần đã bị gạt ra khỏi cuộc đấu đá nội bộ giữa hai phe Tập-Giang.
Phe Giang củng cố quân đội sau vụ bạo loạn Tân Cương
Ông Quý Đạt (Ji Da), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, trước đây đã nói với The Epoch Times rằng Tân Cương từng là một vương quốc độc lập của phe Giang Trạch Dân, và họ thường cố ý lợi dụng các cuộc xung đột sắc tộc địa phương để gây rối và trục lợi từ sự hỗn loạn đó.
Ví dụ, “Sự cố ngày 05/07” nổ ra ở Tân Cương năm 2009 là một bước ngoặt lớn đối với phe cánh của ông Giang (nay gọi tắt là ‘phe Giang’).
Ngày 05/07/2009, một đám đông hơn 1,000 người biểu tình đã xuất hiện trước chính quyền thành phố Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương, để phản đối một trường hợp đối xử bất công với người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Quảng Đông. Nhưng chỉ trong vài giờ, cuộc biểu tình ôn hòa này đã nhanh chóng biến thành một vụ việc đẫm máu. Chính quyền địa phương tuyên bố rằng 156 người đã thiệt mạng, 1,080 người bị thương và hàng trăm chiếc xe hơi bị phá hủy trong cuộc bạo loạn ngày hôm đó. Công chúng không khỏi hoài nghi tuyên bố này, vì điều bất thường là chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy mà có đến hơn 1,200 người bị thương vong.
Sau “Sự cố ngày 05/07”, Ủy ban Chính trị và Luật pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của phe Giang vào thời điểm đó, đã được trao quyền lớn hơn nhiều để huy động lực lượng cảnh sát vũ trang, v.v. cũng như có thêm ngân sách để “duy trì ổn định xã hội.”
Lực lượng cảnh sát vũ trang của ĐCSTQ là một tổ chức rất lớn với tổng số 1.5 triệu sĩ quan vào năm 2020, trong khi quân đội chính quy của ĐCSTQ có tổng lực lượng là 2 triệu người.
Cảnh sát vũ trang được trang bị vũ khí hạng nhẹ tân tiến và xe thiết giáp hạng nhẹ. Nhiệm vụ chính của họ là bảo đảm trật tự trị an trong nước. Trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, hầu như tất cả các chức vụ quan trọng như tư lệnh, chính ủy Lực lượng Cảnh sát vũ trang đều là người của phe Giang.
Âm mưu đảo chính
Một loạt sự kiện sau đó đã chứng minh rằng việc giành được quyền lực lớn hơn để huy động lực lượng cảnh sát vũ trang chỉ là một phần trong âm mưu chính trị của phe Giang. Phe Giang đã cố gắng tổ chức một cuộc đảo chính ngay trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền hồi năm 2012.
Cuộc đảo chính này được ông Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) – nhân vật quyền lực số hai trong phe Giang – lên kế hoạch. Ông Chu Vĩnh Khang, khi đó là người đứng đầu Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Luật pháp, và những người khác, chịu trách nhiệm về việc thực hiện cụ thể. Họ dự định hỗ trợ một quan chức cao cấp của phe Giang lên thế chỗ ông Tập, nhưng kế hoạch này đã kết thúc trong sự thất bại.
Kế hoạch đảo chính thất bại này đã kích hoạt cuộc thanh trừng lớn nhất trong nội bộ ĐCSTQ kể từ khi kết thúc Cách mạng Văn hóa. Sau khi ông Tập lên nắm quyền, khoảng 400 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ trở lên đã bị sa thải, trong đó có cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Luật pháp, và Phó chủ tịch Quân ủy, như là một hậu quả trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập. Một số quan chức cao cấp đã bị kết án tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Ông Tập cũng nắm lại quyền lực của hệ thống cảnh sát để huy động lực lượng cảnh sát vũ trang trên quy mô lớn, và cảnh sát vũ trang hiện nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của đơn vị quân đội cao nhất của ĐCSTQ, Quân ủy Trung ương.
Tuy nhiên, cuộc thanh trừng trả đũa của ông Tập không động đến các lãnh đạo cốt cán của phe Giang, và các quan chức tham gia cuộc đảo chính nói trên vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn, do đó gây ra mối nguy lớn cho sự cai trị của ông Tập.
Ông Tập gửi thông điệp cho phe Giang
Trong chuyến đi của ông Tập đến Tân Cương, ông Trương Hữu Hiệp (Zhang Youxia), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của ĐCSTQ, đã tháp tùng ông Tập trong tất cả các lần xuất hiện trước công chúng. Ông Tập có thể đang cố gắng cho địch thủ của mình thấy rằng ông đang nắm chắc sức mạnh quân sự và có khả năng răn đe các đối thủ chính trị của mình.
Ông Trương là một đồng minh chính trị của ông Tập, và đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Tập khi cuộc tranh đấu nội bộ của ĐCSTQ trở nên gay gắt.
Cứ năm năm một lần, ĐCSTQ sẽ tổ chức Đại hội Đảng Toàn quốc để chọn ra các nhà lãnh đạo cao cấp nhất và xem xét các chính sách lớn. Đó là một dịp quan trọng để hoán chuyển quyền lực. Nhà cầm quyền này sẽ tổ chức Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 vào mùa thu này. Như thường lệ, cuộc tranh giành quyền lực nội bộ giữa các phe phái sẽ diễn ra khốc liệt vào đêm trước khi diễn ra sự kiện này.
Ông Justin Zhang phân tích và viết bài về các vấn đề Trung Quốc từ năm 2012. Quý vị có thể liên hệ với ông tại [email protected]