Vương Hữu Quần: Phe cánh của Giang Trạch Dân đang thực sự lo sợ
Vào ngày 22/9, các kênh truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài được cho là có sợ nâng đỡ của phe cánh Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đã đăng một bài báo, cho thấy một mảnh giấy nhỏ cùng dòng chữ Giang Trạch Dân ở phía dưới, ký ngày 21/9, trong đó có đoạn:
“Hôm nay là Tết Trung thu. Trước hết, tôi xin gửi lời chúc mừng ngày lễ tới mọi người. Chúc các bạn có một kỳ nghỉ lễ vui vẻ. Chúng ta phải tiếp nối người trước, mở lối cho người sau, dũng cảm leo lên đỉnh cao và làm việc chăm chỉ cho sự nghiệp hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.”
Bài báo viết, “Mặc dù tính xác thực vẫn chưa được xác nhận, nhưng nhìn từ kiểu chữ, đó thực sự là chữ viết tay của Giang Trạch Dân. Một số cư dân mạng nói rằng, nét chữ và tư duy khá rõ ràng, dường như không có vấn đề gì về sức khỏe”.
Sau khi kiểm tra kỹ mảnh giấy này, tác giả tin rằng nó rất có khả năng là giả mạo.
Thứ nhất, lần xuất hiện cuối cùng của Giang trước công chúng là vào ngày 1/10/2019 khi ông ta lên trên cổng thành Thiên An Môn. Giờ đã gần hai năm trôi qua, sức khỏe của ông ta sẽ chỉ ngày càng xấu đi. Nếu như viết chữ, chắc chắn tay sẽ run, nhưng chữ viết trên mảnh giấy lại rất lưu loát.
Thứ hai, Giang từ bỏ chức vị cuối cùng – Chủ tịch Quân ủy Quốc gia – vào tháng 3/2005. Từ năm 2005 đến năm nay là 2020, Giang đã nghỉ hưu 15 năm và chưa từng chúc mừng các “đồng chí” của mình theo cách này vào bất kỳ ngày lễ nào trước đây. Ấy vậy mà Tết Trung thu năm nay, trên mạng đột nhiên xuất hiện một bức thư ký tên Giang Trạch Dân, không có địa điểm, không có người công bố, không có giọng nói, không có video, không có một kênh truyền thông chính thức nào của Trung Cộng báo cáo, không có một quan chức nào của Trung Cộng xác nhận, làm sao có thể tin là thật?
Thứ ba, Giang là một người rất thích khoe mẽ. Ngày kỷ niệm 100 năm thành lập Trung Cộng (1/7/2021) là cơ hội tuyệt vời để Giang lộ diện trước công chúng, nếu điều kiện thân thể cho phép, Giang nhất định sẽ đến Thiên An Môn. Tuy nhiên, Giang đã không xuất hiện vào ngày 1/7, điều này cho thấy Giang không thể leo lên trên cổng Thiên An Môn ngay cả khi có người dìu. Giang rất có khả năng đã nằm liệt giường rồi. Làm thế nào một người sắp chết lại có thể viết ra một mảnh giấy như thế?
Thứ tư, trong lịch sử của Trung Cộng, đã có những vụ sử dụng các ký tự do các lãnh đạo viết để ghép các văn bản lại với nhau, bắt chước chữ ký viết tay của các lãnh đạo và ra chỉ thị. Ví dụ, trong thời Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông chưa bao giờ ghi ba chữ Hồng vệ binh. Tuy nhiên, chiếc băng đội trưởng Hồng vệ binh đeo trên tay Mao Trạch Đông lại có ba chữ “Hồng vệ binh” theo kiểu chữ của Mao trên đó. Ba ký tự này đến từ các chữ mà Mao đã viết ở những nơi khác nhau. Việc ghép những lời của Giang Trạch Dân được viết ở những nơi khác nhau lại và phục chế bằng máy tính là không hề khó.
Thứ năm, “tiếp nối người trước, mở lối cho người sau, dũng cảm leo lên đỉnh cao”, ngược lại là thể hiện cho khát vọng của phe Giang. “Tiếp nối người trước” có nghĩa là tiếp tục đường lối “phát tài trong im lặng” của Giang Trạch Dân trước đây. “Mở lối cho người sau” có nghĩa là khai sáng tương lai của “tiền, quyền, sắc” cho phe Giang. “Dũng cảm leo lên đỉnh cao” có nghĩa là lần nữa leo lên đỉnh cao nhất, giành lại quyền lực từ tay ông Tập. Mảnh giấy này có thể được đưa ra bởi nhân mã của phe Giang, dưới chiêu bài giả danh Giang Trạch Dân để cỗ vũ cho các “đồng chí” của Giang, do phe Giang đã liên tục bị tấn công trong những năm gần đây.
Vào năm 2021, cuộc tranh đấu giữa ông Tập Cận Bình và lực lượng chống Tập do Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đứng đầu đã đến hồi vô cùng quyết liệt.
Giang Trạch Dân là cựu độc tài của Trung Cộng, còn Tăng Khánh Hồng là cựu Ủy viên Ban Thường vụ Tổng cục Chính trị kiêm phó Chủ tịch nước. “Phe Giang Trạch Dân”, “Tập đoàn Giang Trạch Dân” hoặc “Băng đảng nợ máu” do Giang và Tăng đứng đầu là đoàn thể tham nhũng nhất trong nội bộ Trung Cộng. Kể từ năm 2013, ông Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng, loại bỏ những phần tử tham nhũng nghiêm trọng cho đến cấp cao nhất trong lực lượng chính trị và quân sự của Trung Cộng, tất cả đều là phe cánh của Giang. Giang và Tăng là cây gậy chống lưng của họ.
Năm tới, Trung Cộng sẽ triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, và sẽ tiếp tục thay thế tầng lãnh đạo cao nhất. Ông Tập đã đang cố gắng hết sức để tìm kiếm “nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp”, trong khi Giang và Tăng đang cố gắng hết sức để lật đổ ông Tập.
Kể từ khi Tập Cận Bình hạ thủ Lại Tiểu Dân với tốc độ nhanh nhất vào ngày 29/1, cuộc chiến ác liệt này đã mang theo hương vị sinh tử. Lại Tiểu Dân – cựu Chủ tịch tập đoàn Huarong, là một trong những quan chức chủ chốt của phe Giang.
Để đảm bảo có được nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, ông Tập đã ráo riết phát động hàng loạt chiến dịch thanh trừng.
Trong lĩnh vực kinh tế, ông Tập đã thanh trừng Ant Group, Alibaba, Didi Chuxing, Tomorrow Group, Huaxin Group, Huarong Group, Evergrande Group, v.v. Từ câu chuyện đằng sau mà giới truyền thông khai quật được, những công ty lớn này đều có liên quan đến những gia tộc quyền lực như Giang và Tăng.
Trong lĩnh vực chính trị và luật pháp, ông Tập tiếp tục đẩy mạnh công cuộc thanh lọc chính trị và pháp luật. Trong 20 năm qua, bốn cựu Bí thư của Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương là La Cán, Chu Vĩnh Khang, Mạnh Kiến Trụ và Quách Thanh Côn đều là thân tín của Giang và Tăng.
Trong lĩnh vực quân sự, từ Cục An ninh Trung ương, Khu đồn trú Bắc Kinh, Cảnh sát Vũ trang cho đến các các loại binh chủng và năm Chiến khu lớn, các tướng lĩnh cấp cao đang tiếp tục cải tổ nội bộ. Quân đội đã luôn nói về việc loại bỏ độc tố của Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Những điều này thực tế là để ngăn chặn tàn dư của phe cánh Giang gây rối loạn.
Trong lĩnh vực lịch sử đảng, ông Tập đã nhiều lần chỉ đích danh Trương Quốc Đào – người ủng hộ tự nắm binh quyền và thành lập chính quyền trung ương riêng, Vương Minh – người không tôn trọng và không tuân theo sự lãnh đạo của chính quyền trung ương, truy xét Lâm Bưu – vì đã phát động một cuộc đảo chính vũ trang, và lặp đi lặp lại “trận chiến đẫm máu trên sông Tương Giang” v.v. Ngày nay, trong số các lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng, chỉ còn Giang và Tăng là có thể đứng cùng hàng với Trương Quốc Đào, Vương Minh và Lâm Bưu.
Về phòng chống tham nhũng, ông Tập đề xuất truy xét ngược về 30 năm trước, nhắc lại không có “Thiết mạo tử vương” (giữ nguyên tước vị sau khi nhường cho người khác thừa kế) v.v.
Trong lĩnh vực văn hóa, ông Tập đã chấn chỉnh mạnh mẽ giới văn nghệ sĩ. Tăng Khánh Hoài – em trai của Tăng Khánh Hồng – là một nhân vật quan trọng trong giới văn nghệ ở Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục, rất nhiều diễn viên nổi tiếng, chẳng hạn như Triệu Vy, đều có quan hệ mật thiết với ông ta.
Những hoạt động thanh trừng này, nhìn bề ngoài thì có vẻ rất lộn xộn, hỗn loạn vô trật tự, nhưng trên thực tế, chúng đều chĩa về Giang và Tăng.
Vào ngày 14/9, các kênh truyền thông Đại lục bất ngờ đưa tin về La Văn Tiến, cựu Giám đốc Cục Điều tra Hình sự của Sở Công an tỉnh Giang Tô đã xúc phạm những lãnh đạo đất nước, đồng thời cố gắng tung tin rằng các lãnh đạo đất nước là bạo ngược. Điều này dẫn đến nhiều suy đoán rằng ai đó trong hệ thống chính trị và pháp luật đang cố gắng ám sát Tập Cận Bình và âm mưu thực hiện một cuộc đảo chính.
Từ tháng 4 năm ngoái cho đến nay, ông Tập đã điều tra và xử phạt “Năm con hổ của nền chính trị và pháp luật” – Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lập Quân; Nguyên Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an của thành phố Trùng Khánh Đặng Khôi Lâm; Nguyên Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an của thành phố Thượng Hải Cung Đạo An; Nguyên Phó Tỉnh trưởng kiêm Giám đốc Công an tỉnh Sơn Tây Lưu Tân Vân; Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Giang Tô kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Vương Lập Khoa – tất cả đều thích “lập băng đảng”. Họ đều là những “lão làng” được Mạnh Kiến Trụ, cựu Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương đề bạt. Mạnh Kiến Trụ thì lại được Giang và Tăng đề bạt trọng dụng như một thành viên chủ chốt của phe Giang.
La Văn Tiến – người phát động cuộc đảo chính – chỉ là một quan chức cấp cục, cấp bậc quá thấp; “Ngũ hổ” cũng chỉ là quan chức cấp thứ trưởng, để phát động đảo chính vẫn là chưa thể. Với Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, Mạnh Kiến Trụ, cộng thêm “Ngũ hổ” và La Văn Tiến, tổ hợp này “đảo chính” ngược lại mới có khả năng.
Vào giữa tháng 9 năm nay, các kênh truyền thông ở Đại lục bất ngờ rộ lên tin rằng có người đang cố gắng âm mưu chống lại các lãnh đạo đất nước. Tin tức về “ám sát”, “đảo chính”, “thay thế” tràn ngập khắp nơi, đẩy cuộc chiến ác liệt giữa ông Tập với các lực lượng chống Tập do Giang và Tăng đứng đầu đến hồi đọ sức căng thẳng cuối cùng.
Chính là vào thời điểm này mà mảnh giấy giả mạo chữ viết của Giang Trạch Dân xuất hiện.
Một số nhà bình luận cho rằng, mảnh giấy này có khả năng là một chiêu cờ tệ hại, nó có thể dẫn đến một cuộc bao vây và trấn áp mới đối với phe của Giang và Tăng. Cách nói này cũng có đạo lí nhất định.
Giang và Tăng có thể đã phái người giả mạo chữ viết của Giang nhằm cố gắng trấn an tâm lí cho phe cánh của Giang, thúc đẩy sĩ khí để dũng cảm leo lên đỉnh cao nhất của quyền lực. Đây là điều mà ông Tập sẽ không bao giờ dung thứ, nó có khả năng sẽ dẫn đến một động thái phản công từ ông Tập.
Bước ngoặt cho thấy phe Giang đã từ cực thịnh đến suy tàn là vào ngày 15/3/2012, khi Bạc Hy Lai – một thành viên của phe Giang, là cựu Ủy viên Tổng cục Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh – bị bắt.
Trước Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Cộng vào năm 2017, ông Tập đã bắt giữ một nhóm quan chức cấp cao, trong đó có Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương. Đây là đòn giáng nặng đầu tiên mà phe Giang phải chịu.
Trong gần 4 năm từ 2017 đến nay, ông Tập đã bắt giữ rất nhiều quan chức cấp cao của phe Giang, trong đó có Tôn Lập Quân – Thứ trưởng Bộ Công an, đây là đòn trời giáng thứ hai đối với phe cánh của Giang.
Năm 2021 là một năm quan trọng trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Trung Cộng. Đối với phe của Giang, đây là cơ hội cuối cùng để lật đổ ông Tập. Tuy phe Giang không còn mạnh như trước nhưng vẫn sẽ muốn lợi dụng cuộc khủng hoảng lớn trong và ngoài nước mà ông Tập đang phải đối mặt để tỉ thí với ông Tập một trận cuối cùng.
Một trong những điểm yếu lớn nhất của phe Giang là thành phần nào cũng hủ bại nghiêm trọng, kẻ não cũng tham lam dâm đãng, sau nhiều lần bị công kích là có một số oán hận nhưng không có chính nghĩa. Đây là lý do khiến họ luôn muốn lật đổ ông Tập nhưng làm không được.
Ngày 15/11 sẽ là hạn chót cho cuộc thanh trừng chính trị của ông Tập ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Trước hoặc giữa tháng 11, cuộc đọ sức giữa ông Tập với Giang và Tăng trong lĩnh vực chính trị và luật pháp sẽ có kết quả sơ bộ. Dự kiến trong đợt giao tranh lần này, có thể có một con hổ lớn của phe Giang sẽ bị ngã ngựa.
Do Cao Nghĩa thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: